- Vợ bị thiểu năng chỉ biết làm việc nhà, đã 4 năm nay chân anh bị nhiễm trùng nặng không thể đi phụ hồ được khiến cho gia đình lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Hai vợ chồng phải chắt chiu từng đồng để nuôi đứa con ngờ nghệch.

TIN BÀI KHÁC:

Đó là hoàn cảnh của gia đình anh Phạm Văn Hưởng (ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Theo sự chỉ đường của người dân chúng tôi tìm đến nhà anh, hình ảnh đầu tiên hiện trước mắt tôi là căn nhà ống mái lợp bờlô ximăng, phía trước là chiếc sân nền đất đã mọc rêu.

Thương thân trách phận…

Anh Hưởng có một gót chân bị xé toạc, một vết dài gần ở gân, vết thương thâm đen lại, bên trong chứa đầy mủ khiến cho anh bước đi tập tễnh. Giờ đây anh không thể đi phụ hồ được, vợ con anh không biết sống ra sao khi cả hai đều bị mắc bệnh trí tuệ chậm phát triển.

Đôi chân mọng mủ, lở loét, sưng phù của anh Hưởng. (Ảnh: Đình Hường)
Khuôn mặt anh nặng trĩu nỗi lo toan về miếng cơm manh áo, không biết lấy tiền đâu để lo cho cậu con trai duy nhất ngờ nghệch ăn học. “Tôi chỉ mong sao được chữa lành vết thương để có thể đi làm nuôi con học, chứ nó mà không biết chữ như tôi thì tội lắm”, anh Hưởng nói trong nước mắt.

Đã 4 năm nay, khi đi làm phụ hồ chân phải của anh bị máy cưa tạt vào chân, rách ngang một mảng chân gần ở gân và bị nhiễm trùng nặng. Hằng ngày anh phải chạy ăn từng bữa, không có đồng nào để đi chữa bệnh. Bởi thế vết thương đã nặng nay lại thêm nhiễm trùng, vết thương ăn sâu vào tận xương, mủ ở chân loét ra tanh ngòm khiến anh đi lại khó khăn hơn.

“Làm quần quật cả năm cũng không đủ ăn, trong nhà không có nổi một đồng, ăn còn chưa no lấy đâu ra tiền để chữa bệnh bây giờ”, anh Hưởng nói. Cuộc sống quá khốn khó, làm còn không đủ ăn, từ khi chân của anh bị thương khiến cho gia đình càng trở nên túng thiếu.

“Lắm hôm bà phải đun nước để sát trùng vết thương cho anh vì vết thương bị nhiễm trùng nặng nó sưng nó tấy khiến anh không thể nào đi được”, anh Phạm Văn Lập – em ruột của anh Hưởng nói.

Mẹ thì đã già yếu, anh không thể đi làm được, bao nhiêu nỗi lo toan, vất vả cứ chồng chất… Cái nghèo cái đói cứ bám lấy anh, giờ đây bệnh tật lại ập tới khiến cho anh phải lao đao với miếng cơm manh áo của gia đình, anh như rơi vào “ngõ cụt” vì không biết xoay sở như thế nào.

Gia đình “thất học”…

Gia đình nghèo khó – mẹ già yếu, 2 vợ chồng anh Hưởng với đứa con trí tuệ kém phát triển. (Ảnh: Đình Hường)
Xuất thân từ một gia đình thuần nông, cuộc sống lam lũ vất vả, nhà có 5 anh em, anh Hưởng là con thứ hai trong gia đình nhưng người anh cả đã đi làm ăn xa nên phải gánh vác mọi công việc trong gia đình. Vì gia đình hoàn cảnh, làm lụng quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn nên anh không được ăn học đến nơi đến chốn.

Số phận đẩy đưa ông trời cũng mở lòng thương, đồng cảm với hoàn cảnh của mình chị Quách Thị Thêu và anh Phạm Văn Hưởng cũng nên duyên vợ chồng. Vợ của anh Hưởng– chị Quách Thị Thêu trí tuệ kém phát triển, đi cách nhà ba cây số không biết đường về. Hằng ngày chị chỉ biết trông nom mẹ già và làm việc nhà. Khi tôi hỏi về khó khăn của mình khi chồng chân đau không làm gì được? Khuôn mặt chị đờ đẫn ngây ra, và lặng im không biết trả lời thế nào!.

Cho dù có khó khăn vất vả đến đâu nhưng đứa con là chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ. Thế nhưng đứa con trai duy nhất của anh là Phạm Văn Thành (SN 2005) cũng giống với bố mẹ chúng khù khờ, khuôn mặt thì trông ngố, không được minh mẫn như những đứa trẻ cùng trang lứa khác.

“7 tuổi mà không biết viết, đáng nhẽ cháu học lớp 2 nhưng vì không theo kịp nên đành phải học lại một năm. Nó giống bố mẹ không được thông minh, không bằng mấy đứa con hàng xóm được”, chú ruột của cháu Thành – anh Phạm Văn Lập than thở.

“Cũng may Nhà nước cho 20 triệu đồng để xây nhà và vay bên UBND xã Văn Võ được thêm 8 triệu để xây dựng căn nhà này” anh Lập nói thêm về gia đình anh Hưởng. Cái xác nhà với vài ba vật dụng thiết yếu.

Cả gia đình anh Hưởng đều trông cậy vào 12 thước ruộng, làm không đủ ăn, đợt trước chân không bị thương thì tôi còn đi phụ hồ lấy tiền để trang trải cuộc sống chứ bây giờ chân bị đau nhức không thể đi lại được. Tôi không biết làm thế nào để nuôi gia đình”, anh Hưởng nói như mếu.

Cuộc sống đã khốn khó nhưng chân anh ngày càng bị sưng to ra, lở loét không thể đi phụ hồ được, vợ thì trí tuệ chậm phát triển suốt ngày quanh quẩn ở nhà, cậu con trai duy nhất tên là Thành cũng bị bệnh giống mẹ, do tiếp thu chậm nên đã ở lại lớp học thêm một năm nữa cho chắc.

Anh Hưởng chỉ mong muốn được chữa lành vết thương để đi làm, nuôi con ăn học, để không muốn con của mình rơi vào tình cảnh bị thất học. Để thực hiện được ước mong đó thì rất cần các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình anh.

Đình Hường

Mọi sự ủng xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp anh Phạm Văn Hưởng ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

2. Hoặc qua báo VietNamNet ( Ghi rõ ủng hộ anh Phạm Văn Hưởng)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn