- Bài: “Nuôi” tốn 60 triệu/năm. Ai dám đi ô tô?  đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Thu phí bảo trì đường bộ cao, có giảm được ùn tắc giao thông?

Email tdtnb_tg@yahoo.com.vn bộc bạch: “Việt Nam ta, dân còn nghèo lắm. Nhưng, người dân phải đóng góp nhiều loại phí quá. Hiện có những xe ôtô chỉ với giá vài chục triệu VND, có xe máy chỉ đáng giá 1.500.000VND làm phương tiện kiếm sống hằng ngày nhưng lại đóng các loại phí cao như thế này thì thật là … chỉ biết kêu trời.”

“Quỹ bảo trì đường bộ cũng cần nhưng thu khoảng 1-2tr/năm/xe là hợp lý. Chứ theo đề xuất của Bộ GTVT chẳng khác gì làm mọi cách để… xe không ra đường, mà không cần quan tâm tới cuộc sống người dân. Giấc mơ (xe hơi) vẫn chỉ là… giấc mơ”, đó là ý kiến của email tribui45@gmail.com.

Ảnh minh họa
Ý kiến khác, của email luugiangminh03@yahoo.com: “Thực sự mà nói thu phí ô tô, xe máy tại các thành phố lớn cũng cần thiết, nhưng phí chồng phí như cách thu này là không hợp lý. Mọi người đã đóng thuế để xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có cả xây dựng giao thông rồi nay lại đóng các loại phí nữa là không hợp lý. Để giảm ùn tắc, phải có chiến lược lâu dài chứ không chạy vòng quanh như kiểu thu này. Sao chúng ta không đưa ra giải pháp chuyển cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học… ra ngoại thành? Lúc đó lượng người trong đô thị giảm dần, lượng xe vào thành phố cũng giảm dần. Hoạch định chính sách thu phí kiểu này theo tôi là thiếu sáng tạo trong quá trình làm giảm ùn tắc giao thông, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”

Lập luận của email thanhcong1963@gmail.com: “Phí chồng phí mà mục đích như cơ quan quản lý nói rằng ‘để có kinh phí duy tu bảo dưỡng’ chỉ là ‘ngụy biện’. Bởi số tiền đó chỉ là ép-si-lon so với số tiền thất thoát, cố tình chậm tiến độ để tăng tổng mức đầu tư lên vài ba chục phần trăm, thậm chí gấp đôi tại các dự án đường cao tốc vừa qua.

Mức phí đến 60 triệu/ ô tô một năm không phải là mấu chốt, bởi "xe nhà nước" thì tiền "móc túi này, bỏ qua túi nọ" không ảnh hưởng đến ai. Xe kinh doanh thì họ tăng giá cước "móc túi người tiêu dùng, khách hàng", thiệt thòi thuộc người dân và hành khách. Xe tư nhân thì ráng chịu, dĩ nhiên họ phải nghĩ cách "kiếm cái khác để bù vào". Kết quả xã hội tốn thêm chi phí.”

Email hathanh.quan@gmail.com viết: “Hiện nay, trong số những người đi ô tô có rất nhiều những người dân có nguồn thu nhập chính đáng và họ dành dụm tiết kiệm mua ô tô, (có thể chỉ là một chiếc xe cũ hoặc một chiếc xe không quá nhiều tiền) để nâng cao đời sống bản thân và gia đình chứ không phải là những người có quá nhiều tiền để chịu được gánh nặng của thuế, phí quá cao! Mong rằng các cơ quan chức năng có sự xem xét hợp lý để "an dân"! Cụ thể là quy hoạch thành phố hợp lý và tăng khả năng cải tạo hạ tầng giao thông để giảm tắc đường, chứ không phải áp dụng chính sách tăng phí nhằm giải quyết nạn tắc đường.”

Bạn đọc Hữu Cầu (email cautkd3@gmail.com) nêu ý kiến: “Thu phí ô tô và xe máy như vậy là quá cao. Tôi thấy đường xá Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông bằng các phương tiện ô tô, xe máy, nhất là ô tô. Nên trước mắt cần hạn chế sự gia tăng của ô tô. Còn xe máy thì phải giảm thu vì thực ra nhiều người có xe máy nhưng điều kiện kinh tế rất khó khăn. Nhất là những người lao động kiếm tiền qua phương tiện xe máy. Còn ô tô thì nên thu phí cao. Vì tôi thấy nhu cầu thật sự của việc sử dụng ôtô là chưa cao. Phần lớn là những người có tiền muốn sắm xe ô tô con đi cho oai. Đây chính là đối tượng gây tắc đường nhiều nhất. Với các loại xe vận tải hàng hoá, phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe khách thì giảm thu phí để phát triển.”

Theo bạn đọc Xuân Mận thì: “Thu phí bảo trì đường bộ là đúng song cần thu mức nào để người dân thấy đây là trách nhiệm và nghĩa vụ phải đóng góp xây dựng thêm cho đường bộ. Hãy xác định nguồn kinh phí này là thu lâu dài hỗ trợ ngân sách để mở rộng giao thông. Nên nhớ người dân cũng đã nộp nhiều thứ thuế cũng để xây dựng đất nước nói chung. Các cơ quan có trách nhiệm không nên nghĩ ai đi ô tô riêng cũng là nhiều tiền. Có rất nhiều người mua xe để làm ăn, là phương tiện phục vụ công tác nói chung cho hiệu quả trong đó có cả việc phục vụ nhiệm vụ của nhà nước.

Giải pháp giảm ùn tắc giao thông là mở rộng cơ sở hạ tầng đường bộ, xây dựng tàu điện ngầm, tăng lượng người tham gia phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện). Việc thu cao phí bảo trì đường bộ để giảm ùn tắc giao thông là một ý nghĩ không đúng.
Việc thu phí phải xem xét mức thu cho công bằng. số tiền đóng phải tỷ lệ với tác động của xe làm hư hỏng đường. Cần phải trưng cầu dân lấy ý kiến về phương thức thu và cách thu...

Theo tôi cần phân loại đối tượng sử dụng xăng dầu, có chứng chỉ và quản lý chặt sau đó tổ chức thu phí trong xăng, dầu là chính xác nhất.”

Email bavisongda@gmail.com đề xuất: “Thu phí duy trì hạ tầng giao thông vận tải là nên làm nhưng phải công khai rõ ràng: Tám loại phí, thuế hiện thu của xe ô tô đang được sử dụng làm gì, hạch toán xem đã hết chưa? Vì bản chất vấn đề nhìn theo góc độ tài chính, người đi đường đang mua dịch vụ về hạ tầng giao thông.”

Ý kiến của email phanquoccuong68@gmail.com: “Tôi không đồng tình với mức thu phí quá cao như theo đề xuất của Bộ giao thông vận tải. Nhất trí là sẽ thu phí, song cần phải có lộ trình, có mức thu hợp lý chứ không phải cứ bắt buộc người dân chịu các mức phí ‘khủng’ như thế này”

Thu phí cần công bằng, phù hợp với chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng


Email tuynguyenthe@yahoo.com viết: “Đã quy định về mức thu phí đối với xe ô tô, tôi đề nghị : Không phân biệt bất cứ loại xe nào, đã tham gia lưu thông trên đường là phải nộp phí như nhau. Trừ xe của các vị Nguyên thủ quốc gia, còn tất cả các xe khác nhất thiết nộp phí bình đẳng như các phương tiện khác. Như vậy mới đánh giá được hiệu quả của quy định.”

Ý kiến bạn Huỳnh Vũ Bình (email vubinh@saa.gov.vn): “Tôi không phản đối việc thu phí, nhưng Nhà nước phải sòng phẳng với dân trước pháp luật, giống như bên A và bên B trong hợp đồng kinh tế. Chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng kém như hiện nay mà thu phí cao như thế là vô lý, là ép dân. Phải bắt đầu thu từ mức thấp cho đến khi nào chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng được nâng lên thì mới nâng mức phí lên được, chưa kể là muốn thu bao nhiêu thì phải được Quốc hội phê chuẩn chứ không thể giao cho Bộ này, Bộ kia, như thế là ép dân.”

Đây là ý kiến bạn đọc Minh Hoàng (email kelthane1993@yahoo.com): “Nhà tôi kinh tế thuộc loại trung bình so với xung quanh. Mỗi người có một xe máy. Cả nhà có chung một cái ô tô. Tôi ủng hộ việc đóng phí sử dụng đường bộ.
Thu với xe máy như đề xuất là được.
Phí của ô tô 60 triệu/năm là cao. Nên đóng phí dựa trên số km lăn bánh của ô tô và việc ô tô đó chạy ở đâu (cần đóng phí cao hơn ở thành phố lớn để tăng sử dụng phương tiện công cộng). Như vậy cũng làm cho các xe hạn chế xe lăn bánh. Công bằng nhất là dùng gì thì phải trả phí cho việc đó. Làm như thế có vẻ khó cho người thu, nhưng như thế mới là công bằng.
Đề nghị Chính phủ thu công bằng nhất trong điều kiện có thể.”

Đề xuất của email thanh62@yahoo.com.vn: “Chúng tôi cũng là người dân công việc hằng ngày đó là lao động, học tập và thực hiện các nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước, chúng tôi thiết nghĩ việc đóng thuế ô tô là cần thiết, nhưng phải công bằng. Theo tôi các xe biển số xanh cũng phải đóng thuế bằng giá như các xe khác và ai sử dụng xe biển số xanh người đó phải bỏ tiền túi ra đóng.”

Email amagiao@gmail.com lập luận: “Việt Nam là một nước đang phát triển, thu nhập của người dân chưa cao, vấn đề dịch vụ vận tải hành khách ở Việt Nam không bài bản, bến xe nhếch nhác, phương tiện vận tải công cộng thì lem nhem, thái độ phục vụ thiếu chu đáo và mỗi dịp Lễ, Tết thì các chủ phương tiện lại thi nhau "chặt chém" hành khách. Hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân ở khắp mọi nơi. Việc đầu tư mua sắm phương tiện cá nhân phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân. Bên cạnh người có tiền mua xe hơi, nhiều người cũng tiết kiệm, dành dụm để mua xe phục vụ nhu cầu đi lại chứ không phải thừa tiền mới mua xe. Việc đóng phí là cần thiết nhưng cần phải xây dựng mức phí dựa vào thu nhập bình quân của người dân chứ không nên tham chiếu mức phí của nước nọ nước kia làm căn cứ. Mức phí như đề xuất không hợp lý và qúa cao, nó bằng thu nhập tiền lương trung bình 1 năm của người lao động.
Ở nước ta rất lạ: Hễ muốn thu các loại phí thì đưa ra lý do là nước A, nước B đã làm như vậy, nhưng riêng tiền lương của người lao động thì chưa bao giờ so sánh với nước nọ, nước kia để mà trả lương cho tương xứng với sức lao động của người làm công ăn lương.”

Email xuantruong@yahoo.com đề nghị: “Thu phí nhưng phải có con mắt nhìn tổng thể hơn nữa về sự phát triển của các ngành khác và phát triển chung cả nền kinh tế xã hội như: Công nghiệp ô tô, kinh doanh ăn uống, dịch vụ vận tải, du lịch.v.v… Trong giai đoạn hiện nay đang suy thoái kinh tế thì các loại phí cao như thế này càng gây khó khăn cho sản xuất và cho đời sống nhân dân.”

Ban Bạn đọc