- Nhìn người phụ nữ đã bước sang tuổi 48 nở nụ cười cùng ánh mắt ngước nhìn người đàn ông có tấm lưng cao gầy, mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc đang hì hục bên chiếc xe bán tải, tôi biết rằng bà đang hạnh phúc, niềm hạnh phúc vốn bị bà coi là thứ xa xỉ.

TIN BÀI KHÁC:

Cuối tuần, dù đã quen với cuộc sống của sinh viên xa nhà, nhưng tôi vẫn thường bắt chuyến xe sớm nhất để về bên ba, mẹ cùng ăn bữa cơm gia đình chỉ có 3 người, nhưng thực sự ấm áp.

Ảnh minh họa
Ngày “Ba” bước vào cuộc sống của 2 mẹ con, tôi thực sự thấy rất khó khăn để chấp nhận sự thật đó, trong đầu của con bé 13 tuổi chỉ có một suy nghĩ duy nhất về người đàn ông lạ mặt “thật đáng ghét!”, rồi khi nhìn thấy ánh mắt mẹ nhìn người đó, nó càng cảm thấy khó chịu hơn nữa. Tôi đi ra đi vào, đi tới đi lui chẳng nói chẳng rằng, cố nặn một nụ cười lễ phép để không bị ăn mắng, thế thôi.
Ông ngồi đó, vẫn điềm tĩnh nhìn tôi, cười nhẹ nhàng, có phần bối rối trong mắt. Hai người quen nhau được một thời gian thì ra mắt gia đình, vốn thương mẹ một đời chồng lắm khổ ải, nên chẳng ai đồng ý cho mẹ đi bước nữa, còn ra sức khuyên can. Nhưng bằng tấm lòng chân thành, ông đã được mọi người chấp nhận, ngày đó tôi thấy mẹ vui hơn hẳn.

Tôi nghe tin, trong lòng cảm thấy hời hợt, cứ như đó không phải là chuyện của mình vậy. Rồi ba mẹ cùng đi làm ăn xa, tôi ở lại với ngoại tiếp tục học xong chương trình cấp 2. Vẫn những cuộc điện thoại, những lời hỏi thăm động viên ăn học, tôi cứ ậm ừ cho qua. Từ khi ba, mẹ về ở chung, tôi chưa bao giờ gọi tiếng “Ba”, ông vẫn không phàn nàn với ai chuyện đó, kiểu xưng hô cộc cằn như vậy được một năm thì tôi thay đổi. Ông có vẻ vui hơn với điều đó và cả mẹ nữa.

Thi thoảng hàng xóm vẫn thường bóng gió chuyện ba mẹ rằng “Mẹ mày bị lừa, rồi cũng khổ thôi”, tôi nghe đến nhàm tai. Cứ khoảng nửa năm ba mẹ lại về nhà, mẹ có vẻ khác hơn, diện hơn, trẻ trung hơn, tôi cũng có phần hãnh diện với đám bạn. Mẹ cười nhiều hơn, tôi thấy rõ điều đó. Ngày sống cùng với ba ruột tôi, mẹ không được như vậy, bà tiều tụy, khắc khổ hơn hẳn, những vết bầm tím xuất hiện thường xuyên trên khuôn mặt gầy gò của bà. Hồi còn ngủ chung, tôi thường sờ vào vết sẹo to sau lưng mẹ rồi không nói gì, chỉ im lặng, nhưng ai cũng hiểu rõ mình đang nghĩ gì, mắt tôi cứ thế tối sầm lại. Khác hẳn với vẻ ngoài thờ ơ của mình, kỳ thực tôi lo cho mẹ, lo cho cuộc hôn nhân tiếp theo của bà, liệu rằng bà có được bình yên hơn trước không?

Rồi thời gian cứ thế trôi đi, tôi đã suy nghĩ lớn hơn, thấy thương và tôn trọng ba hơn, nếu như không có ông, có lẽ tôi đã không thế tiếp tục chuyện học hành đến ngày hôm nay.Trong thâm tâm, tôi thấy mình may mắn.

Đã 9 năm trôi qua, ba mẹ vẫn sống vậy. Họ không sinh thêm em bé vì tôi không thích, tự thấy mình thật ích kỷ. Cuộc sống cũng không hẳn hoàn hảo, cũng có những va vấp, những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng nhưng họ vẫn vượt qua và sống hạnh phúc đến giờ phút này.

Ngồi nhìn mâm cơm đơn giản, 3 người quây quần bên nhau, trên môi nở nụ cười hạnh phúc, tôi thấy mình như có cả một thế giới vậy. Giờ mới thấy rổ rá cạp lại vẫn hạnh phúc lắm chứ.

Ly Nguyen

Mời bạn đọc chia sẻ chuyên đề mới: Con đường làm lại...tập 2"

Đàn ông bỏ vợ “mấy ngày” thì lấy vợ mới? Phụ nữ bỏ chồng bao nhiêu “năm tháng” mới lành vết thương? “Rổ rá” cạp lại liệu có hạnh phúc?

Bài viết chia sẻ, thể hiện quan điểm, câu chuyện tham dự chủ đề “Con đường làm lại… tập 2” nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chuyên mục “Chuyện chung chuyện riêng”

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/3/2012 đến hết ngày 31/3/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.