- “Nghề nào kiếm được thì làm cháu ạ. Bây giờ của giả đánh ngả của thật rồi nên học nấu rượu chân chính để bán thì chỉ có chết đói”.

TIN BÀI KHÁC:

Huyện Hoài Đức, Hà Nội được biết đến với nhiều nghề truyền thống như nghề làm miến, nấu đường mật hay nấu rượu. Nghề nấu rượu đã có từ bao đời nay, tập trung nhiều nhất ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, nghề nấu rượu hiện nay đã và đang dần dần mai một.

“Ngày xưa ở cái xã này phải có đến 80% hộ gia đình làm nghề nấu rượu, nhưng ngày ngày nó cứ mai một dần đi, đến nay chắc chỉ còn được mấy chục hộ theo đuổi cái nghề này thôi”, được hỏi, cụ bà 80 tuổi, đội 6, xã Cát Quế thở dài đầy vẻ tiếc nuối.

Rượu “thật” khó bán hơn rượu “giả”

Gia đình bác Nhung, đội 2, xã Cát Quế đã làm nghề nấu rượu được mấy chục năm nay cho biết: “Vốn bỏ ra mua nguyên vật liệu bây giờ rất tốn kém. Ngày trước thì còn có lãi, bây giờ ít lắm, rượu mình làm là rượu “thật”, cần thời gian và công sức nên bán với giá “thật”, nhưng so với những loại rượu bán tràn lan ngoài thị trường kia thì giá cứng hơn vì vậy việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu tính đến công sức mình bỏ ra thì giá đó không đắt. Còn rượu giả chỉ cần nước lã, cồn, thêm chút sắn hoặc ngô bán với giá bèo thì vẫn là đắt”.

Trừ những ngày bận thì gia đình bác Nhung nấu được khoảng 18lít rượu/ngày. Nấu rượu thủ công đòi hỏi bác phải luôn chân, luôn tay từ sáng đến tối mới cho ra lò được mẻ rượu. Bác Nhung tâm sự: “Một ngày trừ vốn ra chỉ kiếm được vài chục bạc. Bác không đi xa được nên không có mối bán rượu, chủ yếu là những người quanh làng đến mua thôi. Hơn nữa có một mình bác làm nên muốn mở rộng cũng chẳng được”.

Chi phí đắt đỏ: “Của giả” đánh ngã “của thật”

“Nấu rượu là để kết hợp với chăn nuôi lợn thôi chứ để làm kinh tế thì không ăn thua. Rượu mình làm ra là rượu thật, chất lượng, bán với giá hiện nay tính ra chả được bao nhiêu mà bây giờ cứ rẻ là họ mua, cao là họ không mua nên thị trường tiêu thụ rượu “thật” cũng kém”, bác Nguyễn Trọng Thơ, thôn Tam Hợp, xã Cát Quế bùi ngùi kể.

Ngỏ ý muốn được bác truyền dạy nghề nấu rượu, bác Thơ cười thẳng thắn: “Nghề nào kiếm được thì làm cháu ạ. Bây giờ của giả đánh ngã của thật rồi nên học nấu rượu chân chính để bán thì chỉ có chết đói”.

Trước đây, gia đình bác Thơ chỉ tập trung vào nghề nấu rượu, nhưng những năm gần đây việc bán rượu gặp phải nhiều khó khăn, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều loại rượu chưa rõ nguồn gốc, bán rẻ tràn lan trên thị trường nên nghề nấu rượu của gia đình bác Thơ cũng như nhiều hộ gia đình khác gặp nhiều hạn chế: “Mình không có lương tâm làm ăn bất chính, nghề tổ tiên để lại thì phải gìn giữ đến nơi đến chốn, nhưng với tình hình như hiện nay thì không thể bám tất vào nấu rượu được, vì thế việc nấu rượu giờ chỉ là nghề phụ thôi, miễn sao vẫn duy trì tốt cái nghề mà tổ tiên để lại”, bác Thơ cho biết thêm.

Theo giới thiệu chúng tôi tìm đến gia đình bác Nguyễn Như Trấn, đội 1, xã Cát Quế, là gia đình có truyền thống nấu rượu từ bao đời nay. Mỗi ngày gia đình bác nấu hơn 1tạ gạo với 60lít rượu/ngày. Nhà bác Trấn thuộc diện khá hơn mọi nhà vì “còn có mối để bán” nhưng nỗi vất vả cũng vì thế mà tăng lên, bác chia sẻ: “Làm nghề này vất vả lắm cháu ạ, bận bụi tối ngày. Nghề này phải thật kiên trì mới làm được, không kiên trì chắc bác cũng không bám trụ được đến giờ”.

Vợ bác Trấn đang kiểm tra thời gian ủ cơm trước khi nấu rượu
Theo bác Trấn nghề nấu rượu là nghề thủ công, nếu nấu với số lượng lớn thì cần phải có nhân công và thời gian mới làm được: “Nhà neo người, có mỗi hai vợ chồng làm thôi, thuê người thì lỗ vốn nên cũng không có điều kiện phát triển thêm được nữa”. Khách đến mua rượu tại nhà bác Trấn chủ yếu là khách quen trong, ngoài xã và một số huyện khác như Ba Vì, Vĩnh Phúc...

Chi phí để nấu rượu khá đắt đỏ, đặc biệt với mức giá cả leo thang như hiện nay. Theo bác Trấn đây không chỉ là vấn đề khó khăn của riêng gia đình bác mà còn là vấn đề chung cho tất cả những hộ gia đình làm nghề nấu rượu trong toàn xã Cát Quế.

Rượu “giả” đột nhập thị trường rượu “thật”

Nghề nấu rượu chân chính đang dần “giảm nhiệt” không chỉ bởi vấn đề chi phí, thị trường hay nhân lực mà hơn thế nữa đó là hành động “lấn sân” của các loại rượu “rẻ tiền”, không đảm bảo chất lượng. Khoác trên mình tấm áo giả với mức giá cả phù hợp với người tiêu dùng nhưng chất lượng thì chưa có cơ sở để đảm bảo.

Bác N.T, người có mấy chục năm kinh nghiệm nấu rượu trong xã bức xúc: “Tôi nấu rượu lâu năm nên biết đâu là rượu thật, đâu là rượu giả. Hiện nay đã xuất hiện nhiều những loại rượu kém chất lượng được đưa về xã, lấy danh là rượu quê tôi nhưng lại bán với giá rẻ hơn phân nửa. Người tiêu dùng thì nhìn vào giá mà không để ý chất lượng rượu nên cứ thấy rẻ là mua vì vậy rất có hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và ảnh đến danh tiếng của quê hương chúng tôi”.

Men rượu là yếu tố quan trọng làm nên hương vị đặc trưng của rượu nơi đây
Ông N.T cho biết thêm: “Ngoài ra họ cũng có thể lấy rượu “thật” tại quê hương về pha chế rồi bán lại với giá có khi cao gấp đôi chúng tôi. Chất lượng rượu đương nhiên sẽ bị biến đổi, không được ngon như lúc đầu nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, phó Chủ tịch xã Cát Quế cho biết, việc rượu giả xuất hiện trong xã là có thật, nhưng chủ yếu được tiêu thụ ở nơi khác trên danh nghĩa rượu sản xuất tại quê hương, việc này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của rượu. Ông Sơn cho biết thêm: “Nghề nấu rượu ở Cát Quế đã có từ rất lâu đời, khoảng 10 năm về trước các gia đình chủ yếu làm nghề nấu rượu, nhưng hiện nay khá nhiều gia đình đã bỏ nghề vì thu nhập không ổn định. Theo thống kê mấy năm gần đây hiện tại trong xã còn khoảng 30, 40 hộ gia đình còn bám trụ với nghề nấu rượu gia truyền này”.

Theo tìm hiểu, để đạt được chất lượng, rượu phải đạt từ 50-55 độ, rượu uống êm, không nhức đầu, đặc biệt công đoạn nấu rượu rất cầu kỳ và cẩn thận. Đảm bảo vệ sinh, chất lượng rượu luôn là tiêu chí hàng đầu.

“Hiện nay chủ yếu nấu rượu gạo thường thôi, rượu ngon, đặc sản có ít người dùng lắm, chỉ những ai đặt hàng thì mới nấu bởi chi phí bỏ ra không phải là nhỏ. Cũng vì thế vậy mà một số loại rượu ngon đã mai một dần theo thời gian”, bác N.T chia sẻ.

Nguyễn Yến