- Sau khi đọc bài “Hết lạm phát đến giảm phát: DN liên tiếp dính đòn”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC;


‘Om’ hàng hơi lâu, lỡ mất 2-3 vòng quay vốn?

Suy ngẫm của email hduychem@yahoo.com: “Việc rơi vào giảm phát là hoàn toàn đúng khi người dân, doanh nghiệp đều giảm chi tiêu đồng nghĩa với việc hàng hóa ứ đọng, không bán được dẫn đến phát sinh chi phí, doanh nghiệp không có nguồn thu, người lao động không có lương. Cái vòng tròn này sẽ luẩn quẩn nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Điều quan trọng là tác động vào đâu để phá vỡ vòng tròn đó thì phải nhờ các chuyên gia thôi.”

Theo bạn Nguyên Tuân (email nguyentuan@yahoo.com) thì: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh đóng thuế ít thì khó mà vay lắm. Còn lỗ thì không ai cho vay đâu, chả kêu làm gì tốn sức! Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang tồn kho nhiều, họ đang chờ chính sách nhà nước, không dám tự quyết. Nếu những doanh nghiệp đó mà là tư nhân thì đã phải hạ giá dần dần để thoát hàng quay vòng vốn, không thể để tồn kho nhiều và lâu quá dăm ba tháng được. Các bác nên hạ giá chịu lỗ 1 vòng quay vốn đi, đến vòng thứ 2, tất cả đều rẻ là lại tốt cả thôi. Thời gian các bác om hàng hơi lâu rồi đấy, có lẽ lỡ mất 2-3 vòng quay vốn rồi. Về bất động sản, ý kiến của tôi là nhà nước nên cho xây căn hộ nhỏ 20-30m2, vừa bán vừa cho thuê, linh hoạt. Dân ta còn nghèo, ở như vậy là đạt yêu cầu rồi. Vài chục năm nữa mới đạt bình quân đầu người 5-7000 USD một năm, thì lúc đó hộ độc thân cũng rất nhiều (vợ con ở nơi khác...), họ chỉ cần căn hộ đó thôi và không phải đập đi.”

Ý kiến của email quangvuttv@gmail.com: “Tôi cũng là chủ một doanh nghiệp, muốn đi vay khoảng hơn 2 tỷ để tiếp tục sản xuất đơn hàng và tạo việc làm cho công nhân. Nhưng khổ nỗi mình lại không phải là con ông này cháu bà kia, không quen biết, nên hồ sơ phải xem xét rất kỹ, phương án không khả thi, và phải chờ cấp trên duyệt! Buộc phải cho công nhân làm việc cầm chừng, lương chẳng được bao nhiêu và nhìn buổi ăn trưa của công nhân mình cảm thấy chạnh lòng! Mình nghĩ tiền thì nhà nước cứ bơm ra để cứu DN, nhưng DN lại không tiếp cận được vốn vay, vậy tiền đó đi đâu? Nghĩ mà thấy buồn, DN nhà nước thì thua lỗ và vay vốn hàng nghìn tỷ đồng cũng chẳng sao, nhưng DN nhỏ như chúng tôi thật sự cần vốn để sản xuất và nuôi sống công nhân thì lại bị làm khó! Kính mong các cơ quan, ban ngành sâu sát hơn để dòng vốn đến được với DN, chân thành cảm ơn!”

Bạn Thanh Tùng (email thanhtung@gmail.com) cho rằng: “Nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất là các điều kiện cần để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là Chính quyền phải xác định là phục vụ doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công chức nhà nước phải xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp là nghĩa vụ của họ (họ ăn lương từ nguồn tiền thu thuế do Doanh nghiệp và người dân nộp). Chính quyền phải tinh giảm các thủ tục hành chính, xử lý mạnh và quyết liệt các cán bộ sách nhiều doanh nghiệp, nhân dân để trục lợi nhất là cán bộ ngành thuế, Hải quan. Chấm dứt tình trạng ‘mãi lộ’ của CSGT để giảm chi phí lưu thông (chi phí lưu thông ở Việt Nam quá cao). Có làm được như thế thì các chi phí sản xuất mới giảm, các doanh nghiệp mới có thể hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra có thể tiêu thụ nhanh chóng và xuất khẩu được. Chỉ khi ngành sản xuất phát triển lúc đó các ngành dịch vụ và bất động sản mới phát triển thực sự bền vững được.”

Loạt nhà giá 2- 3 tỷ trở lên, chẳng lẽ cứ để ‘mọc rêu mọc cỏ’?

Bạn Nguyễn Gianh (email gianhnguyen@gmail.com) phân tích: “Khi nhận ra tính đầu cơ của kinh doanh BĐS thì đã khá muộn. Còn khi đặt ngành kinh doanh BĐS là ‘đầu tàu’ của nền kinh tế mà để tính đầu cơ chi phối như vừa qua thì các nhà điều hành nghĩ gì? Hậu quả đã rõ. Hiện nay trong xã hội vẫn diễn ra khá đều đặn các thương vụ mua bán nhà 1 tỷ trở lại. Trong khi người ta đầu cơ vào BĐS như đi buôn chuyến. 30.000 căn hộ 2-3 tỷ ‘mọc rêu’ thì còn biết bao nhiêu con người đang cần một mái ấm. Các căn hộ cho thuê với giá tầm tầm thì hầu như không có trong các ‘dự án khủng’. Không cần phải kích cầu sức mua BĐS vì nhu cầu chổ ở của người dân còn rất lớn. Hãy chuyển 80% căn hộ ‘mọc rêu’ sang hình thức cho thuê, trả góp dài hạn 30 năm, 40 năm cho những người cần nhà ở thực thụ và giải tán các công ty kinh doanh BĐS có vốn dưới 10 tỷ thậm chí có hai ba mươi tỷ.”

Theo email buitung80@yahoo.com.vn thì: “Thị trường BĐS giữ vai trò quan trọng tác động đến nhiều ngành sản xuất. Nhưng một thời gian dài thị trường này phát triển không theo quy luật cung cầu. Ngành ngành đầu tư BĐS, nhà nhà đầu cơ BĐS nên giờ đây phải chịu hậu quả là điều tất nhiên thôi.”

Bạn Trương Xuân Huy (email xuanbichxh@gmail.com) phụ họa: “Thật sự giá bất động sản tăng như trước đây là đại bất hạnh...!”

Ý kiến của email contact@dohalaw.vn: “Theo bác Kiêm thì xây thêm nhà dưới 1 tỷ thì thật là tốt cho dân. Nhưng còn tồn đọng 1 loạt nhà từ 2tỷ, 3tỷ trở lên thì làm thế nào? Chẳng lẽ cứ để nó ‘mọc rêu mọc cỏ’ cho xanh? Sao Nhà nước không mua lại những nhà đấy rồi bán lại cho dân 1tỷ nhỉ? Cái loại ‘nhà mọc rêu’ nhiều lắm, không đếm được! Thủ đô HN hoành tráng thế mà lại có ‘nhà mọc rêu’ thì mất cảnh quan quá!”

“Đã tiến sâu vào gia nhập kinh tế thế giới, thì không nên kêu ca. Doanh nghiệp Việt Nam làm ăn lắt léo thì nhiều, không căn cơ, tài chính không lành mạnh, ‘treo đầu dê bán thịt chó’ thì nhiều, cạnh tranh không lại thì than thở, sản xuất ì ạch cũng than thở, hàng bán không được cũng than thở. Chỉ khi có chính sách của Nhà nước hỗ trợ thì hết than thôi. Đã là kinh tế thị trường thì phải chấp nhận sàng lọc những đối tượng yếu kém ra khỏi cuộc chơi, cớ gì phải than, kinh doanh nên hiểu câu: Tự cứu mình trước khi trời cứu!” Đó là ý kiến của bạn Vĩnh Viễn (email vinhvien_tg@yahoo.com).

Ban Bạn đọc