- Năm nay cô của tôi ngoài 80 tuổi, cô đã già yếu. Lúc còn trẻ cô không lấy chồng và cũng không sinh con. Tôi rất thương và muốn chăm sóc hay cao hơn là người giám hộ cho cô. Xin hỏi, tôi cần làm thủ tục gì để làm người giám hộ cho cô? (Bạn đọc Ngọc Giang, Khánh Hòa).

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:


Luật sư tư vấn:

Chăm sóc người già tại một trung tâm (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Về vấn đề giám hộ, Điều 58 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:

Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;

b) Người mất năng lực hành vi dân sự.

3. Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và người được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải có người giám hộ.

4. Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định tại khoản 2 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 62 của Bộ luật này.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật chỉ quy định hai trường hợp cần có người giám hộ là người chưa thành niên rơi vào trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên và người mất năng lực hành vi dân sự.

Ở đây, bạn có nói cô bạn hơn 80 tuổi, nếu cô của bạn không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự thì không cần người giám hộ và bạn không thể làm người giám hộ cho cô bạn. Về vấn đề chăm sóc cho cô bạn, bạn vẫn có thể chăm sóc bác với tình cảm thân thiết trong gia đình. Bên cạnh đó, có những vấn đề cần phải được pháp luật công nhận bạn mới có thể tiến hành thực hiện thay cho cô bạn, trong trường hợp này bạn có thể đề nghị cô bạn ủy quyền cho bạn làm người đại diện để thực hiện.

Trong trường hợp cô bạn mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật quy định về vấn đề giám hộ cho bác bạn như sau:

Căn cứ Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về người giám hộ đương nhiên, những người thuộc diện sau là người giám hộ đương nhiên cho cô bạn:

Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Theo như bạn nói, cô bạn không có gia đình, sau khi đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bạn thấy cô bạn không còn người thân nào có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bạn có thể đề nghị Ủy ban nhân dân xã nơi cô bạn cư trú, ra quyết định cử bạn làm người giám hộ cho cô bạn. Pháp luật quy định về việc này như sau:

Điều 63. Cử người giám hộ

Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Do pháp luật giành quyền cho UBND cấp xã nơi cư trú của cô bạn được quyền cử người giám hộ nên bạn có thể đề xuất nhận làm người giám hộ cho cô bạn, trên cơ sở đó, UBND cấp xã nơi cô bạn cư trú, xem xét điều kiện của bạn để đồng ý hoặc không đồng ý với đề nghị của bạn.

Điều kiện để có thể làm người giám hộ được pháp luật quy định như sau:

Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.

Việc cử người giám hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ cư trú tiến hành như sau.

Căn cứ theo Điều 64 Bộ luật Dân sự về Thủ tục cử người giám hộ

1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

Nếu bạn được cử làm người giám hộ của cô bạn thì bạn sẽ được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ của người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về vấn đề này.

• Tư vấn bởi Luật sư Đào Thanh Huyền, điện thoại: 0944479360, địa chỉ email luatsudaothanhhuyen@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ  banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).