- Anh ấy phải chuẩn bị giấy tờ gì để mang về Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn với tôi? Vì anh ấy không có nhiều thời gian, nên tất cả các giấy tờ anh ấy muốn chuẩn bị sẵn mang về 1 lượt.

TIN BÀI KHÁC

Tôi sinh năm 1983, hiện đang sinh sống tại Kiên Giang. Tôi đang có thai với người yêu tôi (anh ấy là Việt kiều Canada) và tháng 12 này tôi sẽ sanh bé. Chúng tôi chưa có đăng ký kết hôn vì mỗi lần anh ấy về Việt Nam chơi chỉ có được 4 tuần nên không có nhiều thời gian để làm thủ tục đăng ký kết hôn, ngày anh ấy về lại nước thì cũng là ngày tôi biết mình có thai.

Giờ anh ấy muốn về Việt Nam để đăng ký kết hôn với tôi và làm giấy khai sanh cho bé. Nhưng có 1 điều là tháng 12 tôi sanh bé, mà công việc của anh ấy tới tháng 4 năm sau mới xong thì khi đó mới về Việt Nam được. Thời hạn làm giấy khai sanh cho bé chỉ trong 60 ngày, thì như thế đã trễ hạn, nếu vậy tôi phải làm giấy khai sanh cho bé thế nào? Là con ngoài giá thú? Hay tôi chờ đến khi anh ấy về làm giấy kết hôn rồi mới làm giấy khai sanh cho bé có được không?

Và mong các anh chị tư vấn các thủ tục đăng ký kết hôn (xin được nói thêm là anh ấy đã từng ly hôn, thì thủ tục làm ghi chú ly hôn thế nào?.

Anh ấy phải chuẩn bị giấy tờ gì để mang về Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn với tôi? Vì anh ấy không có nhiều thời gian, nên tất cả các giấy tờ anh ấy muốn chuẩn bị sẵn mang về 1 lượt. thuytrang030783@...

(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Về vấn đề đăng ký khai sinh:

Căn cứ điều 49 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 có quy định thì thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con bạn sẽ được thực hiện tại Sở Tư Pháp nơi mà bạn đang cư trú.

Về nguyên tắc, do bạn và bạn trai của bạn chưa đăng ký kết hôn nên khi đăng ký khai sinh cho con thì cả hai phải có mặt, Sở Tư pháp sẽ kết hợp đăng ký khai sinh và nhận con theo quy định tại khoản 3, điều 49 NĐ 158 quy định: 3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Sở Tư pháp kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Và hướng dẫn tại điểm b, mục 4 thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 hướng dẫn NĐ 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch quy định: “b) Trường hợp con sinh ra trước ngày cha, mẹ đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận, thì tên của người cha sẽ được ghi ngay trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con mà người cha không phải làm thủ tục nhận con”

Trường hợp tại thời điểm đăng ký khai sinh mà cha của bé không về nước kịp, không thể cùng bạn đi khai sinh và đăng ký nhận con thì bạn có thể làm đăng ký khai sinh trước cho con tại UBND phường, xã nơi bạn cư trú, trong trường hợp này phần ghi về người cha sẽ được để trống. Khi cha của bé về nước có thể liên hệ Sở Tư pháp làm thủ tục nhận con, căn cứ vào quyết định nhận con đó để thì bổ sung tên của cha vào giấy khai sinh cho con.

Thứ hai: Về vấn đề đăng ký kết hôn

Căn cứ điều 12 nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 có quy định thì thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa bạn và bạn trai của bạn thuộc về UBND cấp tỉnh, cụ thể là Sở Tư Pháp nơi mà bạn đang cư trú.

Hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;

b) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.

Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;

c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

d) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);

đ) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm tú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm tú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).