- “Em dẫn cho chị thêm 7 khách nữa nhé! Em phải đi “bắt gà” tiếp đây”. Theo chân người đàn bà trung tuổi này, tôi đã tận mắt chứng kiến các pha “bắt gà” phải nói là rất khéo và chuyên nghiệp.

TIN BÀI KHÁC:

Vài năm gần đây, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ nhưng cùng với đó, một số cơ sở sản xuất đã thuê “cò” chèo kéo khách làm mất đi vẻ đẹp của du lịch làng nghề.

Tại điểm dừng xe buýt, đối diện chợ gốm Bát Tràng, ai cũng ngỡ ngàng khi chưa kịp xuống xe đã bị 4 – 5 người bao vây, mời mọc: “Các cháu vào chỗ cô làm gốm cho vui” và đồng thời dúi vào tay chúng tôi tấm card có ghi cơ sở sản xuất gốm HL. Nhiều bạn từ chối vào cơ sở vì muốn thăm quan, mua đồ ở chợ gốm nhưng vẫn bị những người này bám riết thuyết phục tới khi vào cổng chợ mới thôi.

Chiêu “bắt gà” của “cò mồi” làng Gốm

Vào đến cơ sở HL, “cò mồi” giao chúng tôi cho bà chủ xưởng tên Ly rồi thì thầm to nhỏ: “Em dẫn cho chị thêm 7 khách nữa nhé! Em phải đi “bắt gà” tiếp đây”. Theo chân người đàn bà trung tuổi này, tôi đã tận mắt chứng kiến các pha bắt gà phải nói là rất khéo và chuyên nghiệp.

Các bạn học sinh, sinh viên thường là đối tượng được “cò” nhắm đến
Nơi đón “gà” lần này không phải là cửa xe buýt nữa mà là cổng chợ gốm. Vẫn những lời đon đả, nhưng pha chút trách móc, “Này, các cháu lúc nãy bảo vào chỗ cô làm gốm mà giờ không thấy vào chơi vậy ? Vào chỗ cô nhé” trong khi các cô cậu sinh viên cứ tròn mắt ngạc nhiên vì “không nhớ mình đã hứa với cô ấy khi nào nhỉ?”.

Trung (Đại học Giao thông vận tải) tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn “phải lấy cớ vào chợ mua đồ, hẹn lúc về sẽ qua” để thoát khỏi sự đeo bám. Bạn Bùi Thị Cẩm Vân (Đại học Thương mại) lần đầu tiên đến Bát Tràng nên “thấy thế thì vào cho biết”. Còn một bạn nam khác thì tâm sự “vì đi với bạn gái nên mình cũng thấy ngại, cứ vào theo chứ biết làm sao?”.

“Giá tiền tham quan là 10.000 đồng/người. Tô tượng là 20.000 đồng/người/sản phẩm. Ngoài ra các cháu còn được học cách làm gốm và được tự tay làm ra sản phẩm mang về”, một nữ “cò mồi” trung tuổi nói liến thoắng không ngừng để chèo kéo khách.

Với mục đích chèo kéo khách thì đây quả là một chiêu lừa tốt, đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đặc biệt là sinh viên. Tuy nhiên, mức giá cả không chỉ dừng lại ở đó: “Bọn tớ vào tham quan mất 10.000 đồng/người. Học làm gốm thành sản phẩm mang về là 30.000 đồng/người. Tô tượng thì tùy vào tượng to hay nhỏ mà mức giá khác nhau, cái nhỏ nhất cũng đã có giá là 20.000 đồng/sản phẩm”, Trung (ĐH GTVT) cho biết.

“Lúc tụi mình đến nơi, cò mồi và chủ lò gốm đều không nói gì về mức phí 30.000 đồng trả cho việc học làm gốm, rồi lấy tiền. Nói là được học nhưng họ chỉ hướng dẫn sơ qua lúc bắt đầu vào rồi bỏ mặc chúng mình, muốn làm gì thì làm, nghịch chán đứng lên tính tiền. Một bạn trong nhóm thắc mắc giá đắt đỏ thì nhận được lời giải thích “thị trường là vậy mà cháu, nếu không lấy đâu ra tiền mà sống””, Trung bức xúc.

Anh H.T chủ một cơ sở làm gốm tại đây cho biết: “Thường các cơ sở gốm nằm xa khu vực tham quan mới cần thuê cò mồi để dụ khách. Còn các cơ sở gần điểm tham quan thì không cần thiết”. Anh H.T còn cho biết thêm: “Cái chính là việc dạy khách có đến nơi đến chốn hay không, chứ kéo khách về rồi vứt khách đó với nắm đất, muốn làm gì thì làm. Rồi lại tiếp tục công việc chính là dụ khách thì còn gì là lương tâm nữa”.

Qua tìm hiểu được biết, cò mồi có thể chăn được từ 10 đến 20 khách/ lượt, còn tùy thuộc đó là ngày nghỉ hay không, số lượt thì không bao giờ cố định. “Cò” được chủ cơ sở sản xuất chia 50% giá vé, tức là 5.000 đồng/khách vào tham quan. Các khoản tiền còn lại do chủ cơ sở lấy vì tính vào tiền đất sét, dụng cụ và “công dạy”. Chị H (xóm 2, thôn Bát Tràng), bán hàng gần chợ tiết lộ: “Cò mồi phần lớn là do chủ cơ sở thuê, còn một số là họ hàng, chị em ruột của nhau”.

“Nhìn mặt cắt bánh”

Niềm mong muốn bắt được nhiều “gà” không chỉ áp dụng với các cơ sở làm gốm mà còn được dùng trong các quán ăn nằm bủa vây gần khu vực chợ gốm. Trước tiên là màn mời chào khách rất đon đả “cô mời cháu ngồi vào cái ghế trống kia”, “vào ăn hộ cô cái bánh, bánh rẻ mà ngon lắm đấy”, và sau đó là chiêu “nhìn mặt cắt bánh” của các chủ quán ăn tại đây.

“Chúng mình vào quán và gọi 2 chiếc bánh thế mà cô chủ quán cắt thành 2 đĩa bánh, mỗi đĩa 5 chiếc. Cô bưng ra cả hai nhìn nhau, rồi nhìn cô thắc mắc, cô vẫn đon đả: “ô, thế à, chắc tại cô nghe nhầm, thôi cũng không có nhiều lắm, các cháu ăn cố hộ cô nhé”. Vì đến đây lần đầu nên thôi đành chịu vậy”, Đỗ Hoàng (CĐ Giao thông Vận tải) bức xúc.

Cậu bạn còn cho biết thêm: “Lúc ấy cạnh mình cũng có một đôi vào ăn. Họ gọi 1 chiếc bánh và các thức ăn khác, nhưng cô chủ quán lại cắt “nhầm” thành 1 đĩa với 5 chiếc bánh. Anh con trai thì miễn cưỡng, nhưng chị bạn gái nhất quyết đòi trả lại với lý do “đừng thấy chúng cháu hiền mà bắt nạt nhé, cái gì phải ra cái ấy, cháu không gọi lên sẽ không trả tiền số bánh còn lại””.

Đã từng đến Bát Tràng và từng làm “gà” cho “cò mồi” và các dịch vụ ăn uống tại đây, T.T (CĐ Truyền Hình) chia sẻ: “ Tốt nhất trước khi định ăn uống hay mua sắm gì thì chúng ta nên thỏa thuận giá cả rõ ràng. Số tiền có thể không nhiều nhưng bao nhiêu đó cộng lại với sinh viên cũng là một vấn đề. Hơn nữa cò mồi càng được nước mà lấn tới. Và cuối cùng là hi vọng ở các cơ quan chức năng thôi”.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để du lịch làng gốm truyền thống Bát Tràng không “mất điểm” trong con mắt du khách. Đồng thời xây dựng các điểm thăm quan và quản lý việc tổ chức đón khách để giới thiệu về nghề truyền thống có hiệu quả hơn nhằm phát huy tiềm năng du lịch địa phương.

Nam Nguyên – Nguyễn Yến