- Năm nay, thế giới đã “chao đảo” trước diễn biến của nội chiến đẫm máu tại Syria, “chảo dầu sôi” ở Trung Đông - Biển Đông - Hoa Đông, cho đến kịch tính của các cuộc chuyển giao quyền lực có ảnh hưởng toàn cầu…
Chuyển giao quyền lực
Trung Quốc trải qua cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất một thập niên. Một vụ bê bối chính trị cấp cao đã dẫn tới việc ngã ngựa của ngôi sao chính trị đang lên Bạc Hy Lai. Đội ngũ lãnh đạo mới, dẫn đầu là ông Tập Cận Bình, đang đối mặt với muôn vàn thách thức như bất ổn xã hội trong nước, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tại Triều Tiên, Kim Jong Un kế nhiệm cha, cố lãnh đạo Kim Jong Il, đang ngày càng củng cố quyền lực.
Sau một cuộc tranh cử kịch tính, một cuộc rượt đuổi sít sao và những lần tranh luận thậm chí thất bại trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Obama đắc cử nhiệm kỳ hai.
Ở Nga, Putin trở lại ghế tổng thống nhiệm kỳ ba trong bối cảnh nước này có nhiều thay đổi. Áp lực đè nặng lên ông Putin bắt đầu từ nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 khi hàng loạt cuộc biểu tình quy mô chưa từng có ở Moscow.
Nhật chuẩn bị đón chào cựu Thủ tướng Shinzo Abe trở lại quyền lực với tuyên bố không thể nhượng bộ trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Hàn Quốc có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Bà Park Geun-hye - con gái cựu Tổng thống Park Chung-hee - đang được người dân hy vọng sẽ thành công trong nỗ lực đại đoàn kết dân tộc.
Những vùng biển động châu Á
Khi Washington tuyên bố chiến lược trục xoay từ Trung Đông về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mọi thứ dường như nóng lên ở các vùng biển châu Á. Bắc Kinh ngày càng quả quyết, thậm chí gây hấn, trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển, cả với Nhật ở biển Hoa Đông và với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông - những nơi mà người Trung Quốc coi là phạm vi ảnh hưởng của mình.
Cả Hoa Đông và Biển Đông đều sở hữu những trục đường vận chuyển quan trọng nhất với thương mại toàn cầu, cũng được cho là giàu trữ lượng dầu khí. Các hòn đảo, quần đảo cằn cỗi, hầu như không có người ở trở thành nơi va chạm thường xuyên giữa tàu cá, tàu hải giám, tàu ngư chính Trung Quốc với các tàu từ Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.
Bắc Kinh và Manila có vụ bế tắc kéo dài nhiều tháng ở bãi cạn Scarborough. Ở Hoa Đông, phản ứng của Trung Quốc ngày một mạnh mẽ, nhất là sau khi Tokyo hoàn tất kế hoạch quốc hữu hoá một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng Trung - Nhật “kích hoạt” các cuộc biểu tình chủ nghĩa dân tộc và phong trào tẩy chay hàng hoá Nhật ở Trung Quốc.
Vào thời điểm nhiều láng giềng quan ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là về sức mạnh quân sự, Bắc Kinh bị dồn vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vừa chống chọi với chủ nghĩa dân tộc tăng cao trong nước vừa cố xoa dịu nỗi bất an khu vực.
Khủng hoảng châu Âu
Nam Âu nặng gánh nợ nần tiếp tục chìm vào cơn ác mộng tài chính như muốn nhấn chìm khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và phủ bóng lên triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu.
Nhiều cuộc biểu tình và đình công lớn diễn ra ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha... khi người dân nổi giận với những biện pháp cắt giảm của chính phủ. Các nỗ lực giảm chi tiêu công dường như không hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng cần thiết ở những nền kinh tế Địa Trung Hải.
Thay vào đó, khó khăn và bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc, thất nghiệp tăng vọt. Các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia chứng kiến việc cử tri rời xa những đảng phái đưa ra chính sách khắc khổ để vượt khủng hoảng.
Ở Hy Lạp, bầu cử nghiêng về những đảng phái cực tả hoặc cực hữu. Tại Pháp, Francois Hollande của đảng Xã hội đã lật đổ tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy sau một chiến dịch tranh cử giương cao ngọn cờ dân túy, chống lý thuyết thắt lưng buộc bụng. Sau nhiều tháng nhậm chức và bắt tay vào công việc, Hollande - giống như nhiều nhà hoạch định chính sách khác của châu Âu - nhận thấy rằng, làm không dễ như nói.
Syria: bế tắc đẫm máu
Khi năm 2012 sắp kết thúc, cũng là lúc Syria chuẩn bị tròn hai năm cuộc nội chiến đẫm máu với rất ít khả năng có được một giải pháp lập tức. Những con số thống kê cho thấy, hơn 40.000 người đã thiệt mạng.
Trong năm thứ hai của cuộc chiến
ấy, thế giới đã chứng kiến sự tàn khốc của “nồi da nấu thịt” với đạn pháo, mưa
bom. Mỹ và các đồng minh quốc tế chưa sẵn sàng can thiệp. Quyền lực của Tổng thống Assad bị
thu hẹp ở nhiều nơi.
Có một mùa đông Ảrập
Sau Năm của những người biểu tình, thì tới Năm của những thế lực chính trị. Giai đoạn tiếp theo của các cuộc cách mạng ở Ai Cập, Libya và Tunisia cho thấy các lực lượng chính trị Hồi giáo bị coi là thứ yếu trước đây nay đang hưởng lợi đáng kể.
Những đảng phái chính trị bị cấm hoặc hạn chế hoạt động giờ đây nắm giữ nhiều vị trí quyền lực. Tại Libya, cuộc tấn công 11/9 vào lãnh sự Mỹ ở Benghazi đã đặt ra những câu hỏi về an ninh và sự phát triển ngày một lớn của chủ nghĩa cực đoan sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Đáng chú ý nhất là số phận của Anh em Hồi giáo - tổ chức ngày một lớn mạnh trong các phong trào hồi giáo của Thế giới Ảrập - giờ đây đang phát huy quyền lực trong đảng cầm quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới Ảrập.
Đảng Tự do và Công lý của Anh em Hồi giáo đã chiếm ưu thế trong quốc hội khi cuộc bầu cử hoàn tất vào mùa xuân, và sau đó mùa hè chứng kiến việc ứng viên của đảng là Mohamed Morsi đắc cử tổng thống. Nỗ lực mở rộng quyền lực có thể là thái quá của ông dẫn tới những cuộc biểu tình mới ở Cairo không chỉ nhằm vào ông mà còn vào tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhiều người đã lo ngại về một cuộc nổi dậy mới ở trung tâm thế giới Ảrập.
Thái An