Thậm chí, ngay cả trước khi cuộc nổi dậy ấy đi tới hồi kết, thì những sự bất ổn của Libya đã có thể tạo ra một dấu ấn khó phai nhòa với nền kinh tế thế giới. Giá dầu tăng vọt kể từ hôm thứ ba và có lẽ sẽ tăng hơn nữa khi hàng ngàn công nhân các hãng dầu khí nước ngoài vội vã sơ tán.
Giá dầu tăng vọt khi các nhà đầu tư lo ngại bất ổn Trung Đông sẽ
ảnh
hưởng tới các nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực. Ảnh: Reuters
Hôm thứ năm, giá dầu giao sau tại
London lên tới gần 120 USD/thùng trong khi chỉ số chuẩn tại Mỹ lên hơn 100 USD - tỉ lệ cao nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 9/2008. Và
hai mối quan ngại chính ảnh hưởng lớn đến giá dầu vẫn trong tình trạng rủi ro
cao. Đầu tiên là sản lượng của Libya có thể thiếu vắng trên các thị trường thế
giới một thời gian.
Các quan chức Ảrập Xêút đã nói với những công ty dầu khí châu Âu rằng, vương quốc này sẽ bổ sung nguồn cung cấp thiếu hụt từ Libya, bằng cách vận chuyển thêm các thùng dầu qua Biển Đỏ. Tuy nhiên, dầu của Libya chất lượng cao, ít lưu huỳnh nên không dễ gì có thể thay thế bởi dầu của Ảrập Xêút nhiều lưu huỳnh, đặt biệt là khi các thị trường châu Âu thiếu cơ sở lọc dầu. Thực tế là, việc lập tức gia tăng trữ lượng để đảm bảo nguồn cung ổn định dường như là điều cần thiết với các nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản - tất cả đều đảm bảo trữ lượng cung cấp tới 90 ngày để đối phó với những tình trạng khẩn cấp.
Lo lắng thứ hai với thị trường dầu vượt quá các bất ổn diễn ra trong tuần này: Đó là cảm giác ngày càng lớn rằng, Trung Đông - khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất hành tinh - tiếp tục chìm vào bất ổn bởi các cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập, các cuộc nổi dậy tại Libya, Bahrain và Yemen.
Amrita Sen, một nhà phân tích dầu khí của Barclays Capital ở London cho biết: “Câu hỏi hiện tại là, tiếp theo nước nào sẽ hứng chịu bất ổn, liệu có phải Algeria?". Algeria, nhà sản xuất dầu chủ lực có biên giới giáp với Tunisia và Libya, từ lâu đã chứa đựng những yếu tố mà giới quan sát Bắc Phi cho rằng, đủ “chín muồi” để làm một cuộc cách mạng. Những công ty dầu khí, đã ký kết các hợp đồng chia sẻ lợi nhuận và sản xuất lâu dài với chính phủ, bị tác động mạnh mẽ khi bất ổn chính trị lan khắp khu vực. Họ đang phân vân, Sen nói. “Chúng ta sẽ hợp tác với ai? Ai sẽ nắm giữ quyền lực?”.
Những yếu tố bất ổn ấy thúc đẩy giá cả leo thang và tác động trở lại với công cuộc khôi phục kinh tế toàn cầu đang diễn ra ở mức độ chậm chạp.
Diễn biến mới nhất trong thế giới Ảrập
Bất ổn và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bắt nguồn từ cuộc nổi dậy tại Ai Cập và Tunisia tiếp tục lan khắp khu vực.
Libya: Các đơn vị quân đội và dân quân trung thành với Moammar Gadhafi đã tấn công quân nổi dậy người Libya đang ngày một mạnh lên tại các thành phố gần thủ đô nước này, tấn công vào một nhà thờ nơi có nhiều thành viên chống chính phủ. 15 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ.
Gaddafi đã cáo buộc lãnh đạo al-Qaida, Osama bin Laden đứng sau cuộc nổi dậy. Trong khi đó, hai tàu lớn chở 4.500 công nhân Trung Quốc đã rời Libya tới đảo của Crete. Thời tiết xấu ở Địa Trung Hải khiến hàng trăm người Mỹ mắc kẹt trên một chiếc phà tại Tripoli.
Bahrain: Một người phát ngôn chính phủ cho hay, người lãnh đạo chủ chốt của lực lượng nổi dậy sẽ không bị bắt giữ nếu ông trở về Bahrain. Khả năng trở lại của Hassan Meshaima sau nhiều tháng sống ở London có thể đánh dấu một giai đoạn mới cho phong trào biểu tình khi nhà cầm quyền quốc gia vùng Vịnh cố gắng đàm phán cởi mở để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên tại Bahrain - nơi có Hạm đội 5 của Mỹ.
Đô đốc Mỹ Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đang ở vương quốc này và có các cuộc gặp với nhiều quan chức Bahrain.
Ai Cập: Nhà cầm quyền đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Thông tin và là Chủ tịch đài phát thanh, truyền hình quốc gia với cáo buộc tham nhũng. Đây là động thái mới nhất của quân đội hiện đang nắm quyền dẫn dắt đất nước chống lại những quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.
Jordan: Đại sứ Mỹ đưa ra cảnh báo với công dân tránh những cuộc biểu tình phản đối chính phủ quy mô lớn có khả năng xảy ra ở Jordan. Các cuộc biểu tình đường phố xảy ra ở Jordan trong tám tuần qua, nhưng nhỏ hơn nhiều so với ở Ai Cập, Tunisia và Libya.
Ảrập Xêút: Những trí thức có ảnh hưởng đã yêu cầu Quốc vương Ảrập Xêút thông qua những biện pháp cải cách chính trị và xã hội. Trong một tuyên bố, nhóm này nói rằng, các nhà lãnh đạo nên rút ra bài học từ Tunisia, Ai Cập và Libya, lắng nghe tiếng nói của những người trẻ tuổi. Nhóm bao gồm các học giả Hồi giáo danh tiếng, một nữ viện sĩ, một nhà thơ và một cựu quan chức ngoại giao.
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh Quốc vương Ảrập Xêút 86 tuổi tuyên bố gói viện trợ kinh tế chưa từng thấy, kể cả các khoản cho vay không lãi suất. Gói này ước tính lên tới 36 tỉ USD với nỗ lực ngăn chặn biểu tình có thể xảy ra.
Yemen: Tổng thống Ali Abdullah Saleh tuyên bố, ông yêu cầu các đơn vị an ninh bảo vệ người biểu tình, dừng mọi xung đột và ngăn chặn đối đầu trực tiếp giữa những người ủng hộ chính phủ và phe đối lập.
-
Thái An (Theo TIME, AP)