- Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, TQ đã không còn "ẩn mình chờ thời" mà chuyển sang "chủ động tấn công, sẵn sàng thử lửa, chấp nhận xung đột", không ngại ngần bày tỏ tham vọng thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ tiến tới thế chân Mỹ trong khu vực.
Năm qua có thể được nhớ tới như một trong những năm sôi động nhất trong lịch sử TQ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo dựng được vị trí và quyền lực ở trong cũng như ngoài nước nhanh hơn mọi nhà lãnh đạo TQ khác trong nhiều thập kỷ.
Ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị APEC diễn ra ở Bắc Kinh năm nay. Ảnh: Getty Images |
Ông đã nói với thế giới rằng "con rồng ngủ" đã tỉnh thức và không ngại ngần giấu giếm ý định của TQ trong việc tìm kiếm, sắp xếp, định hình một trật tự thế giới mới.
Tìm kiếm trật tự mới
Trên bình diện quốc tế, trong hầu hết cả năm 2014, ông Tập Cận Bình đã tìm cách làm sống lại một khái niệm mà Nhật từng tuyên bố 7 thập niên trước đây khi nước này ở vị trí đế quốc muốn áp đặt ý chí với khu vực. Đó là "Châu Á của người châu Á".
Khi lần lượt nắm giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất đất nước, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp nhắc đến cụm từ “giấc mơ Trung Hoa” như là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm tạo dựng một TQ lớn mạnh dẫn đầu thế giới, kể cả về quân sự.
Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, TQ đã không còn "ẩn mình chờ thời" mà chuyển sang "chủ động tấn công, sẵn sàng thử lửa, chấp nhận xung đột", không ngại ngần bày tỏ tham vọng thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ tiến tới thế chân Mỹ trong khu vực.
TQ sẵn sàng đối đầu và khiêu khích các đồng minh lâu năm của Mỹ như Nhật Bản, Philippines. Họ đã triển khai một chiến dịch nhất quán, lâu dài nhằm đưa ra các phương án thay thế các cơ chế quốc tế hiện hành ở trong và ngoài khu vực châu Á. Bắc Kinh không ngại ngần tận dụng sức mạnh kinh tế để thách thức các tổ chức đa phương mà bấy lâu nay do phương Tây dẫn dắt.
Mùa hè năm nay, Bắc Kinh chủ trì ký kết một Thỏa thuận với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (nhóm BRICS) nhằm thiết lập một tổ chức tài chính thách thức với Quỹ Tiền tệ quốc tế. Vào tháng 10, TQ khai trương Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á với số vốn là 50 tỷ USD, một tổ chức tương tự như Ngân hàng Thế giới. Mới đây, ông Tập đã tuyên bố sẽ chi 40 tỷ USD để khôi phục các tuyến thương mại "con đường tơ lụa" trước kia nhằm phát triển khu vực.
Trong tháng 5, tại hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, ông Tập đã có bài phát biểu nhấn mạnh: "Người dân châu Á sẽ giải quyết các vấn đề của châu Á và bảo vệ an ninh châu Á".
Bền bỉ chống tham nhũng
Ở trong nước, sự bền bỉ và mạnh tay của ông Tập cùng đội ngũ chống tham nhũng đã gây ngạc nhiên. Ban đầu, giới quan sát trong và ngoài nước cho rằng ông chỉ dùng chiến dịch để thanh trừng các đối thủ chính trị cũng như củng cố quyền lực giống như nhiều người tiền nhiệm thường làm. Một số khác lại lập luận ông làm điều này để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thực thi kế hoạch cải tổ.
Nhưng chiến dịch hiện tại hoàn toàn khác biệt. Mọi dấu hiệu cho thấy, ông Tập cực kỳ nghiêm túc và coi trọng sứ mệnh của mình. Ông tin rằng, tham nhũng trở nên rất sâu rộng, có thể xói mòn, thậm chí làm sụp đổ nhà nước cũng như đảng cầm quyền. Ông Tập dường như tin tưởng mãnh liệt rằng, nếu không "làm sạch" hệ thống, TQ không thể đạt được cái gọi là "giấc mơ TQ".
Có nhiều dự đoán về những ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2015.
Với quốc nội, đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ sự không khoan dung trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có trong tiền lệ. Trong vòng hai năm, hàng chục ngàn quan chức đã bị điều tra, bắt giữ, trong đó có những "con hổ" lớn như Chu Vĩnh Khang - cựu Bộ trưởng Công an hay Từ Tài Hậu - cựu phó chủ tịch Quân ủy TƯ.
Ưu tiên thứ ba đó là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ổn định kinh tế có thể là một ưu tiên khác nhưng không chiếm quá nhiều phần trong chương trình nghị sự của ông Tập năm 2015. Trong năm nay, ông từng nhấn mạnh tỉ lệ tăng trưởng chậm hơn là chuyện bình thường.Với quốc tế, thời điểm cuối năm có một số tín hiệu cho thấy TQ như đang "mềm hơn" trong chính sách đối ngoại. Có vẻ như lời của chuyên gia Darren Lim thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc: “Nếu muốn lãnh đạo, TQ phải thuyết phục được các nước láng giềng là an ninh của họ không bị đe dọa” đang được Bắc Kinh thử nghiệm thận trọng.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tại hội nghị TƯ cuối tháng 11 bàn về đối ngoại, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, quan hệ đối ngoại dưới sự lãnh đạo của ông cần mang "đặc sắc TQ, hành xử TQ và quan điểm TQ". Nghĩa là, TQ dưới thời ông Tập đã chuyển sang một tư thế khác, tư thế chủ động định hình môi trường của riêng họ.
Nghĩa là, dù bằng sức mạnh "mềm" hay "cứng", đối nội hay đối ngoại, một TQ của 2015 sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng táo bạo là thiết lập trật tự quốc tế mới thách thức vai trò dẫn đầu của Mỹ.
Thái An