- Tại Đối thoại với các nhà tài trợ về phòng, chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản hôm nay (25/5), các ý kiến đã chỉ ra, tham nhũng trong khai khoáng là nguyên nhân khiến việc giàu có khoáng sản chưa trở thành lợi thế phát triển cho Việt Nam.

>> Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI)

Xin 26 con dấu mới được khai thác

Đại diện các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ đều nhấn mạnh đến những hạn chế trong thể chế, quản lý nhà nước và giám sát dẫn đến tham nhũng trong khai khoáng.

Một biểu hiện được nhấn mạnh là cơ chế xin - cho vẫn tồn tại ở các khâu từ đánh giá trữ lượng mỏ đến cấp phép, tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Ông Trịnh Xuân Bền, Cục phó Cục địa chất và khoáng sản, Bộ TN-MT dẫn ví dụ một doanh nghiệp đã phải xin tổng cộng 26 con dấu để được bắt tay khai thác, con số này khiến các đại biểu quốc tế rất ấn tượng.

Đằng sau con số đó là một loạt biểu hiện tham nhũng ở hầu hết các mức độ tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan thẩm quyền. Đó là việc có doanh nghiệp phải chờ đến 953 ngày để được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, có doanh nghiệp sau 720 ngày mới có quyết định phê duyệt trữ lượng. Chưa kể các doanh nghiệp phải "chi không chính thức" trung bình 110 triệu đồng để có được quyết định này, cá biệt có doanh nghiệp phải chi đến 1,2 tỉ đồng.

Các số liệu này là kết quả của một khảo sát về nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản do Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ tiến hành. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra việc phân cấp thẩm quyền chưa hợp lý giữa trung ương và địa phương dẫn đến những bất cập không nhỏ.

Trong đó nổi bật là tình trạng chia nhỏ các mỏ để cấp nhiều giấy phép. Phần lớn các dự án khai mỏ được khảo sát có diện tích chưa tới 10 ha. Ông Trịnh Xuân Bền cũng cho biết, chỉ trong 5 năm (2006-2009) sau khi Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực, các địa phương đã cấp tổng cộng 4.000 giấy phép khai thác các loại, gấp gần 10 lần số lượng giấy phép do trung ương cấp trong phạm vi cả nước.

Việc thiếu một chiến lược dài hơi và quy hoạch tổng thể cho ngành khai khoáng cũng làm nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý, chưa kể nhiều quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tế vẫn chưa được điều chỉnh đồng bộ.

Khai thác khoáng sản ở Cao Bằng. Ảnh: Kiên Trung

Không giống tham nhũng đất đai

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng nhận định của các bộ ngành về các biểu hiện tham nhũng trong khai khoáng vẫn "chưa thật trúng", phần nào lặp lại những nhận định đã đưa ra về tham nhũng trong đất đai. Theo ông, có thể có tương đồng trong khâu cấp giấy phép và giao đất cho các dự án khai khoáng, nhưng những biểu hiện còn lại về tham nhũng trong khai khoáng khác rất nhiều so với tham nhũng trong đất đai.

Thứ nhất là việc giám sát sản lượng khai thác khoáng sản. Đây là loại thông tin mà các doanh nghiệp luôn giữ kín, nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác, dẫn đến thâm hụt thuế, dù tỉ trọng của thuế tài nguyên ở Việt Nam không quá lớn. "Tham nhũng nằm ở chỗ các nhà quản lý thông đồng với doanh nghiệp để báo cáo sản lượng khai thác thấp hơn thực tế" - ông Võ nhận định.

Thứ hai là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn đang "ăn quỵt của môi trường và cộng đồng", ông Võ nói. Họ chưa trả lại cho môi trường những gì họ đã lấy đi khi khai thác tài nguyên khoáng sản. Việt Nam cũng chưa có luật yêu cầu bồi thường cho cộng đồng và những người bị thiệt hại do khai thác khoảng sản, đồng nghĩa với việc lấy tiền của dân mà chưa trả lại cho dân.

Đó chính là tham nhũng, khi các doanh nghiệp "ăn" vào tiền đáng lẽ trả lại cho môi trường và cộng đồng. Nếu quản lý không tốt, nhất là trong khâu phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội, vẫn còn châm chước cho doanh nghiệp, thì số tiền tham nhũng là rất lớn.

Theo ông Võ, đó là 3 đặc thù về tham nhũng trong khai khoáng, nếu chưa được đề cập đến trong luật và các quy định thì cần nhanh chóng bổ sung, nếu pháp luật đã có mà việc thực hiện còn tiêu cực thì cần khắc phục.

Nghịch lý tài nguyên phong phú mà đói nghèo vẫn gia tăng cũng như những tác động tiêu cực về xã hội và môi trường không mong muốn đối với thế hệ tương lai cũng là điều mà quốc tế cảnh báo nếu Việt Nam không giảm được tình trạng tham nhũng trong khai thác khoáng sản.

Thủy Chung

Phần tiếp theo: Thiếu thông tin và thiếu sự tham gia của các tổ chức khoa học, xã hội dân sự và cộng đồng cũng khiến gia tăng nguy cơ tham nhũng trong ngành khai khoáng. Câu trả lời khả thi nhất là: Minh bạch.

TIN BÀI LIÊN QUAN: