Xã hội càng phát triển thì con người càng có cách ứng xử văn minh, lịch sự, nhưng hình như riêng trong lĩnh vực xếp hàng thì lại đi ngược lại.

Cuối năm 2012, tôi có dịp đi du lịch Hồng Kông, khi nhìn thấy một đoàn người đứng xếp hàng ngay ngắn trên phố, tôi thấy lạ nên hỏi một anh bạn người nước ngoài đi cùng “những người kia họ đứng làm gì đó”? và được trả lời “họ đứng xếp hàng để lên xe buýt”. À thì ra là vậy, mặc dù do lúc đó chẳng có cái xe buýt nào và trạm xe buýt là một cây cọc có biển nhưng vì tôi không biết tiếng nên không hiểu, một lúc sau, buýt tới và lần lượt từng người bước lên xe một cách yên tĩnh.
 
Ảnh minh họa

Còn ở Việt Nam thì sao? Tại rất rất nhiều nơi ở Việt Nam từ chùa chiền, miếu mạo, siêu thị, nhà hàng, tiệc buffet, rạp chiếu phim… đã đang và sẽ diễn ra những cảnh chen lấn xô đẩy một cách hỗn loạn và hầu như ai cũng biết điều đó nhưng chẳng thấy có phương án xử lý cho tình trạng này? Phải chăng Việt Nam vốn không có văn hóa xếp hàng?

Câu trả lời là hoàn toàn ngược lại. Tôi chỉ biết rằng khi tôi được lớn lên vào đúng thời bao cấp những năm 1980 thì đã cảm nhận được văn hóa xếp hàng. Bởi vì hồi đó do còn nhỏ nhất nhà cho nên được bố mẹ giao cho việc đi đến cửa hàng mậu dịch gần ủy ban xã để xếp hàng mua dầu ma dút về thắp đèn (hồi đó Lập Thạch, Vĩnh Phúc quê tôi chưa có điện mà phải dùng đèn dầu).

Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa xếp hàng vẫn đã và đang tồn tại, nhưng thật đáng tiếc nó chỉ tồn tại trong một phạm vi rất hạn hẹp và chỉ trong một số rất ít người trong xã hội ví dụ như ở khu vực làm thủ tục đi máy bay, ở cửa làm thủ tục kiểm tra an ninh, tại khu vực lên máy bay, tại các quầy giao dịch của ngân hàng… Ở những nơi này, thì hầu như cảnh chen lấn xô đẩy không có và hầu hết tất cả mọi người tham gia đều tuân thủ.

Còn chùa chiền, miếu mạo, siêu thị, tiệc đứng, tại các máy rút tiền… thì không biết đến bao giờ văn hóa xếp hàng mới trở lại?

Nguyễn Thị Hoan