- Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA lên tiếng về trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực và Cơ quan Cơ quan Pháp quy (Nhật Bản) trong thảm họa động đất sóng thần gây tổn thất nặng nề cho Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Các cơ quan thông tin thế giới như WNN và Nhật Bản như Japan Times, International Business Times v.v… vừa giới thiệu bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, trong đó tập trung phê phán Tổng Công Ty Điện lực TEPCO và Cơ quan Pháp quy của Nhật Bản trước đây về trách nhiệm trong thảm họa đối với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra ngày 11/3/2013
Trong bản báo cáo đó, IAEA đã lên tiếng phê phán Tập đoàn Điện lực TEPCO và Cơ quan Pháp quy Nhật Bản đã lơ là trong việc ngăn chặn thảm hoạ ở Tổ máy số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi mặc dù họ đã được thông báo trước về khả năng sóng thần dữ dội tấn công nhà máy.
Một nhóm chuyên viên của IAEA đang kiểm tra kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại Nhà máy Điện hạt nhân bị tê liệt Fukushima số 1 trong tháng 11/2013. Ảnh: Nguồn Getty Images |
Báo cáo này do 180 chuyên gia từ 42 nước biên soạn, sau khi cơ quan lãnh đạo xem xét bản tóm tắt 240 trang trong tháng 6 sẽ được đệ trình lên Hội nghị thường niên của IAEA vào tháng 9.
Cơ quan Giám sát Hạt nhân của Liên hợp quốc, trong bản báo cáo khác mới đây nhất về thảm hoạ hạt nhân gây ra bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm 2011, đã chỉ ra rằng Tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã thể hiện những yếu kém trong việc không thực hiện đánh giá an toàn xác suất một cách đầy đủ theo các khuyến nghị về các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Báo cáo phân tích nguyên nhân và hậu quả của thảm hoạ Fukushima cũng như những bài học kinh nghiệm dự kiến sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo về các phương pháp đánh giá an toàn hạt nhân cho toàn thế giới.
IAEA cho biết, một phương pháp đánh giá từng sử dụng từ năm 2007 đến năm 2009, nếu đem áp dụng cho một trận động đất với cường độ 8.3 ngoài khơi bờ biển Fukushima, có thể cũng dẫn đến hậu quả là một trận sóng thần khoảng 15 mét phá huỷ tổ máy số 1 và làm ngập các tòa nhà chính.
Đáng lẽ phải tiến hành công việc phân tích, Tập đoàn TEPCO, Cơ quan An toàn Công nghiệp & Hạt nhân cũ (có trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản vào thời điểm đó) và các tổ chức khác đều không hành xử như vậy mà quyết định thay bằng “điều tra và nghiên cứu thêm”.
Theo báo cáo, trước khi xảy ra tai nạn không hề có sự xem xét đánh giá đầy đủ các sự kiện bên ngoài, dù sác suất thấp nhưng hậu quả nghiêm trọng. Điều này một phần là do quan niệm ăn sâu hình thành từ nhiều thập kỷ qua ở Nhật Bản khi cho rằng sự bền vững về thiết kế kỹ thuật của các nhà máy hạt nhân đủ khả năng bảo vệ chúng chống lại những tai nạn rủi ro có thể xảy ra.
Bản báo cáo còn bổ sung, rằng TEPCO đã không hoàn thành việc đánh giá an toàn đầy đủ theo khuyến cáo của IAEA và thiếu sự bảo vệ cho các máy phát điện diesel khẩn cấp, các phòng pin và các hệ thống quan trọng khác chống với ngập lụt do sóng thần gây ra.
Nhóm vận hành cũng đã không được chuẩn bị đầy đủ cho tình huống mất điện rộng khắp và hệ thống làm mát do sóng thần. Mặc dù TEPCO đã xây dựng bộ hướng dẫn kiểm soát tai nạn nhưng, theo báo cáo, đã không kiểm soát hết một loạt các sự kiện diễn biến không mong muốn. Báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu hụt trong công tác đào tạo ứng phó sự cố cho các công nhân của nhà máy.
Cuối cùng, IAEA lên tiếng kêu gọi các quốc gia đang sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng điện hạt nhân cần nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện chế độ an toàn dựa trên những phát hiện mới và chuẩn bị để đối phó với những thiên tai nghiêm trọng hơn mức tiên liệu trong thời gian thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA tóm lược trên đây, về phía mình, Tổng Công Ty TEPCO cũng đã công bố các văn bản liên quan đến trách nhiệm và bài học rút ra từ thảm họa Fukushima. Mới đây nhất là một bài viết với tiêu đề “TEPCO tìm thấy bước tiến bộ trong nhận thức về tai nạn Fukushima” vừa được giới thiệu ở cơ quan thông tin quốc tế WNN, ngày 20/5/2015.
Minh Trần