Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.

Đây là một trong khá nhiều nội dung tại báo cáo tình hình triển khai, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách về tiền lương là một trong những yêu cầu của Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bình.

Báo cáo cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.

{keywords} 

Theo đó, bộ này đã xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đến năm 2020. Bao gồm các nội dung như mức lương cơ sở; quan hệ tiền lương thấp nhất trung bình - tối đa, hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương.

Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội mới được gần 1 năm nên chưa có nhiều kết quả, ông Bình viết.

Với nhận định trong 1-2 năm tới khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương, ông Bình cho hay Chính phủ sẽ trình Trung ương cụ thể về 3 đề án tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công khi có đủ điều kiện vào thời điểm thích hợp để có thời gian triển khai có kết quả các giải pháp đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua.

Trong thời gian Trung ương chưa thông qua đề án, Chính phủ sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng thu ngân sách nhà nước để từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp, báo cáo viết.

Thông tin mới liên quan đến chính sách tinh giản biên chế cũng được Bộ trưởng Bình đề cập.

Cụ thể, sau phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11/2013), Bộ Nội vụ đã khảo sát, nắm tình hình thực tế ở một số địa phương.

Kết quả cho thấy, ngành đã bảo đảm thực hiện nguyên tắc giữ ổn định và không tăng biên chế từ nay đến năm 2016. Trường hợp thực sự cần thiết do thành lập tổ chức mới, việc tăng biên chế sẽ được xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Hiện tại, Bộ Nội vụ cũng đang chủ trì, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương xây dựng nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9/2014, ông Bình cho hay.

Người đứng đầu ngành nội vụ cũng nhấn mạnh, với các đề nghị bổ sung biên chế công chức Bộ Nội vụ luôn căn cứ vào các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hội nghị Trung ương 7 đã kết luận và chỉ đạo “thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị...”, Bộ trưởng Bình dẫn khá nhiều văn bản trong báo cáo của mình.

Về chất lượng ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vấn đề gây nhiều tranh cãi tại nghị trường, theo ông Bình, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch. Việc đánh giá tập trung vào các khâu quy hoạch, chính sách tuyển dụng, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm.

Bộ cũng tiến hành xác định yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức, ông Bình cho biết.

Theo VnEconomy