- Thu nhập tạm ổn, lại được sống bằng đam mê nhưng chẳng phải thế là sướng khi mà ngoài việc phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ, các trọng tài Việt còn luôn chống chọi với rất nhiều áp lực trên sân và thậm chí cả cuộc sống bên ngoài...

Bỏ cơm vì...sốc

Một trọng tài đã nghỉ từ nhiều năm nay kể lại lần đầu tiên được bắt ở V-League đã cảm thấy sốc nặng vì khán giả lẫn các cầu thủ lúc sau trận đấu cứ nhè...mẹ mình ra chửi.

{keywords}

Trọng tài Võ Minh Trí thường xuyên đối mặt với nguy hiểm

Dù đã từng bắt ở giải hạng nhì, rồi hạng Nhất và cũng biết trước những sự cuồng nhiệt ở sân Lạch Tray nhưng nghe chửi nhiều đến mức trọng tài người TP.HCM xong trận đấu đã bỏ cơm vì ức và nảy sinh ý định bỏ nghề.

"Riết rồi cũng quen, mà không quen cũng chẳng được vì nhiều khi khán giả người ta thế. Đôi lúc, bỏ vài chục nghìn vào chửi cho sướng miệng vậy đấy...

Sau này tôi thường chia sẻ với các đàn em rằng cố gắng trên sân tập trung vào trận đấu, không nhìn khán đài. Cứ nhìn là trạng thái, hay tâm lý liền thì làm sao mà thổi cho chính xác...", ông chia sẻ.

Mà nào chỉ có khán giả, đôi khi các trọng tài còn "sợ" luôn cả đội bóng, cầu thủ. Thậm chí, nhiều trọng tài "chán hẳn" với HLV Lê Thụy Hải và mỗi khi đụng mặt lại nản.

"Chẳng phải sợ gì đâu, nhưng nhiều khi chú Hải nói phũ lắm mà công việc, nghề nghiệp mình thì không thể đôi co như ngoài đường ngoài chợ được, chỉ có thể giải thích về luật thôi.

Nên lắm lúc ức mà chẳng làm được gì, vì chú Hải cứ nói phong long như thế có vẻ chẳng nhắm vào ai, nhưng nghe là biết chửi trọng tài rồi...Lúc đó, chỉ cười thôi biết sao giờ".

Đúng sai thì chưa biết, nhưng rõ ràng trọng tài có lẽ là những người nghe chửi nhiều nhất ở tất cả mỗi trận đấu. Thế nên, giới cầm còi từng bảo nghề mình gọi là "Vua nghe chửi" chứ làm gì được là "Vua sân cỏ" cũng vì thế...

Bị đánh, dọa giết như...cơm bữa

Nghe chửi thì cũng đành, nhưng nghề trọng tài còn nguy hiểm hơn rất nhiều với những hiểm họa từ các khán đài, từ những khán giả quá khích ở nhiều sân bóng khác nhau.

{keywords}

Trọng tài Châu Đức Thành từng bị ném vỡ đầu

Cho đến giờ, hẳn vua sân cỏ Võ Minh Trí vẫn chưa hết hãi hùng với cảnh 2 CĐV Hải Phòng lao hẳn lên xe đang chở các thành viên của BTC giải, trọng tài về TP.HCM để hành hùng vài năm trước.

Sự việc bắt nguồn từ các CĐV Hải Phòng bức xúc cho rằng trọng tài Võ Minh Trí đã thổi bất lợi cho đội nhà trong trận đấu trên sân Cao Lãnh ở mùa 2012.

Và trên đường cùng di chuyển về TP.HCM, do vô tình bắt gặp xe của BTC các CĐV đất Cảng đã chặn xe, đồng thời lao lên dùng nắm đấm để nói chuyện với trọng tài Trí.

Trước khi rời xe, 2 CĐV hung hãn này còn "khuyến mãi" thêm cho còi vàng Việt Nam năm 2015 lời dọa giết nếu như ông Trí đến bắt ở sân Lạch Tray.

Mà đây cũng chẳng phải lần đầu tiên ông giáo dạy cấp III ở TP.HCM bị dọa đánh như thế, bởi trong cả chục năm cầm còi những câu chuyện ấy...như cơm bữa rồi.

Chẳng riêng gì trọng tài Võ Minh Trí, người đồng nghiệp khác là Phùng Đình Dũng cũng vài lần bị các cầu thủ đòi xử ngay trên sân kể từ khi cầm còi đến giờ.

Đỉnh điểm nhất, cũng như là nỗi ám ảnh nhất của trọng tài cấp FIFA này chính là việc bị...nhân viên của sân vận động An Giang lao vào tẩn ngay trên sân trong một trận đấu cách đây vài năm.

Đó là những câu chuyện bị tẩn ngay trên sân, hay trên đường về còn chuyện bị ném chai lọ, giày dép hoặc CĐV bao vây xe không cho rời sân thì như cơm bữa.

{keywords}

Trọng tài Phùng Đình Dũng cũng luôn bị dọa, bị đánh

Hoặc ngay cả khi đang làm nhiệm vụ trên sân như trợ lý Châu Đức Thành cũng đã từng bị ném vỡ đầu trong khuôn khổ một trận đấu tại V-League ở sân Long An cũng chẳng phải là chuyện lạ.

Khá nguy hiểm khi làm nhiệm vụ đã đành, các vua sân cỏ cũng luôn phải nhận áp lực lớn từ nhiều phía. Nhiều trọng tài kể lại rằng, áp lực đến mức gia đình cũng bị dọa giết, hoặc yêu cầu bỏ nghề.

Mà nào chỉ có gia đình, các trung tâm TDTT hay các trường học nơi mà hầu hết các vua sân cỏ Việt Nam công tác chính cũng nhiều khi khuyên các trọng tài bỏ nghề vì sợ mang tiếng, ảnh hưởng...

"Thực sự thì mỗi khi có một đồng nghiệp nào đó bị gì chúng tôi cũng thương lắm. Họ sai về chuyên môn sẽ phải nhận kỷ luật từ BTC, từ cơ quan quản lý đằng này NHM, cầu thủ và cả truyền thông nữa đôi khi nhìn họ như tội phạm.

Nói thật rằng chúng tôi làm vì đam mê là chủ yếu, nhưng ở bóng đá mình có khi nghề trọng tài là cái nghề bị coi rẻ nhất thì phải. Ai cũng chửi được, ai cũng nói được dù chẳng phải khi nào cũng sai...

Tôi nói như thế không có nghĩa bào chữa cho nghề, hay cho những người dính chàm. Nhưng thực sự mà nói, nếu được chọn một lần nữa chắc chắn tôi sẽ không chọn nghề này..." - cựu trọng tài H.T chốt lại.

Tuệ Anh