-Có thể nói ngành y đang rơi vào khủng hoảng cả về chuyên môn lẫn y đức. Lời xin lỗi của quan chức ngành y không thể che mờ hay giảm đi được những sai phạm nghiêm trọng về y đức trong thời gian qua với người dân.

>> Phẫu thuật thẩm mĩ và chuyện đạo đức

>> Bộ Y tế có thương 'quân' mà làm lơ?

>> Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn

Sự cố ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường như thêm một giọt nước vào ly "giận dữ" đã tràn đầy của người dân với ngành y tế.

Công hay tư- sự "cộng sinh" phản y đức

Chẳng đâu như ở ngành y, bác sĩ bệnh viện công lại đồng thời là bác sĩ có phòng mạch tư hay bệnh viện tư khám chữa bệnh chẳng khác gì một thứ bệnh viện công thu nhỏ. Bởi các nhân viên của phòng mạch - bệnh viện tư đó cũng lại gần như hầu hết là những nhân viên ngành y giỏi của bệnh viện công đến làm thêm.

Không ở đâu như ở ngành y, bác sĩ các phòng mạch tư- bệnh viện tư lại có được những ưu đãi sử dụng các thiết bị y tế công nghệ cao, chuyên ngành ở bệnh viện công cho bệnh nhân "tư" của mình. Lợi nhuận thì tất nhiên hết 90% là thuộc về bác sĩ, còn số ít kia thì như một khoản "lót tay" cho bệnh viện công (mà không loại trừ có sự mờ ám thiếu minh bạch).

Công hay tư trong ngành y lâu nay gần như lẫn lộn, không có ranh giới. Ngay cả trong bệnh viện công, việc khám chữa bệnh cũng chia ra làm 02 kiểu phục vụ: Khám chữa bệnh bình thường, khám chữa bệnh dịch vụ. Dĩ nhiên dịch vụ thì phải đóng một khoản tiền nhiều hơn, được phục vụ tốt hơn, chu đáo hơn, được sử dụng các thiết bị y tế công nghệ cao, đươc bác sĩ giỏi chẩn đoán khám chữa bệnh ...

Phòng mạch tư- bệnh viện tư cũng vậy, muốn "ăn nên làm ra", "phát tài"... thì phải có bác sĩ giỏi của bệnh viện công nổi tiếng trong đội ngũ bác sĩ của bệnh viện... Và bệnh nhân đến bệnh viện công, thường được gợi ý đến bệnh viện tư của bác sĩ, nhất là với các bệnh nhân khá giả.

{keywords}
Ảnh minh họa

Vô hình trung, bệnh viện công trở thành một nơi "môi giới" để mang khách hàng- bệnh nhân đến các phòng mạch tư- bệnh viện tư như một cách làm ăn khá hữu hiệu. Ngoài ra còn trở thành cái "sân sau", hậu cần về phương tiện máy móc, thiết bị cao cấp... để các phòng mạch tư- bệnh viện tư dùng làm nơi để khuếch trương phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình.

Và như một quy luật "kinh tế thị trường", bao giờ cái "tư" cũng phải hơn cái "công". Vì thế việc bác sĩ bỏ tâm sức, trí tuệ vào cái "tư" của mình, để thu lợi nhuận "khủng", bỏ bê hay thiếu trách nhiệm với việc "công" cũng là đương nhiên. Y đức cũng xem như bị bỏ rẻ theo điệu "khiêu vũ" của đồng tiền.

Đã có quá nhiều những hành vi gia đình bệnh nhân- nạn nhân bị chết do sự tắc trách, do thiếu chuyên môn, do vô trách nhiệm, và cả vô nhân đạo của y bác sĩ, đã gây náo loạn bệnh viện, hành hùng bác sĩ, thậm chí còn đập phá bệnh viện. Cao trào, còn có cả việc mang quan tài người xấu số đến bệnh viện bắt đền...

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nếu như ngành y tế làm việc hết trách nhiệm, đúng quy trình, có lương tâm, y đức, xem bệnh nhân như chính người thân của mình, thì khi bệnh nhân không thể qua khỏi, gia đình cũng vui lòng chấp nhận bất hạnh mất mát.

Nhưng xem lại các cuộc gây mất an ninh trật tự có liên quan đến ngành y, thì phần lớn đều vi phạm y đức, vi phạm quy trình trong khám chữa bệnh hay tiếp nhận bệnh nhân, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí có vụ việc chỉ vì thiếu "phong bì",  bởi sự vòi vĩnh của đội ngũ y bác sỹ đối với người bệnh hay người nhà bệnh nhân, mà gây hậu quả chết người.

Những sự cố đau lòng này là do sự chủ quan, tắc trách của người thầy thuốc, do năng lực chuyên môn yếu kém, là sản phẩm của một quá trình đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đến nơi đến chốn trong ngành y tế, làm sao lòng người không phẫn nộ.

Chưa kể, trong việc minh bạch thông tin sau khi xảy ra sự cố, thì ngành y tế cứ quẩn quanh, lòng vòng đổ thừa vì những nguyên nhân khách quan thiếu thuyết phục, thậm chí còn che dấu, hay cố tình làm sai lạc thông tin. Người có trách nhiệm thì không dũng cảm nhận lỗi, hay làm ngơ.

Nhiều người dân, trong đó có ý kiến của chuyên gia vẫn cho rằng, việc xử lý của ngành y vẫn còn bao che, chưa đúng người, đúng lỗi. Chính thế mới tạo nên "phong ba", gây mất ổn định xã hội.

Thuốc đắng giã tật

Ngành y có lẽ cần phải dũng cảm nhìn thấy ung nhọt của căn bệnh ung thư đã di căn khá trầm trọng mà thẳng tay làm cuộc đại giải phẫu, cắt bỏ, loại trừ tận gốc. Trong cái loại trừ tận gốc đó, cũng cần một cuộc cải tổ thật sự để thanh lọc những y bác sĩ mà y đức có vấn đề.

Chấm dứt tệ nan "phong bì" phải trở thành một điều luật trong  y đức VN, là một trong những điều kiện về y đức để đánh giá  bệnh viện có hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Phải có những sự rạch ròi và minh bạch trong công- tư, để không có việc lấy công làm tư, lấy công để tư hưởng lợi, lấy công làm bàn đạp cho tư...Đã làm bác sĩ tư thì không thể lấy những gì của công làm lợi cho mình.

Về chuyên môn, cũng phải có sự minh bạch rõ ràng về trình độ, nghiệp vụ, và không để những chuyện "yếu kém chuyên môn" gây ra sự cố chết người. Đã là bác sĩ, thì tuyến xã, tuyến huyện cũng phải là bác sĩ giỏi như tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Không thể có bác sĩ yếu kém ở tuyến dưới, để rồi tất cả các sự cố đều là do "thiếu năng lực chuyên môn"...

Với ngành y, có rất nhiều vấn đề phải "giải phẫu" và chữa trị. Nhưng trước tiên, những người đang giữ trọng trách lãnh đạo trong ngành cần thấy rõ trách nhiệm của mình- trách nhiệm cá nhân, đối với ngành mình quản lý, phải thấy nguyên nhân tận gốc tại sao lại xảy ra quá nhiều sự việc làm "vấy bẩn" cả ngành y, một ngành mang sứ mệnh cứu người, nay như là nơi cái chết rình rập đe dọa cả người khỏe mạnh.

  • Minh Châu