-Mời độc giả tiếp tục theo dõi các sự kiện nổi bật của năm 2013 do báo điện tử VietNamNet bình chọn.

Phần 1: VietNamNet bình chọn 10 sự kiện nổi bật 2013 (I)

6 - Chống tham nhũng bắt đầu bằng những "đại án"

{keywords}
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa

Chiều 16/12, HĐXX đã tiến hành tuyên án vụ Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô xảy ra tại Tổng CTy Hàng Hải VN (Vinalines).

HĐXX tuyên án tử hình với hai bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng GĐ) cho tội tham ô tài sản và cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo khác nhận mức án từ 4 - 22 năm tù.

Trước đó, một vụ án tham nhũng khác tại Công ty cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cũng đã được đưa ra xét xử tại TP.HCM. Một số cựu lãnh đạo đã bị tuyên án tử hình.

Đây được xem là những "cú đấm" mở màn tấn công tham nhũng, với hàng loạt "đại án" sẽ được xử trong thời gian tới, chẳng hạn vụ bầu Kiên. .

Thống kê sơ bộ, Việt Nam đã xét xử 278 vụ án tham nhũng trong năm nay và các thanh tra nhà nước đã phát hiện 80 trường hợp gian lận mới liên quan tới công quỹ nhà nước, Bloomberg trích dẫn báo cáo chính phủ công bố hôm 12/11.

7. Thủy điện xả lũ "đúng quy trình" và "quy trình đúng".

{keywords}
Khung cảnh tan hoang sau lũ dữ

Từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của 12 cơn bão và 4 áp thấp, làm 258 người chết và mất tích, gần 800 người bị thương, gần 12.000 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại về vật chất trên 25.000 tỷ đồng. So với năm ngoái số cơn bão, lũ đổ vào nước ta liên tiếp và tăng bất thường.

Đặc biệt, ngày 19/11, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho hay, đợt mưa lũ giữa tháng 11 đã làm 41 người chết và 5 người mất tích, 74 người bị thương.

Nhiều ý kiến đặt ra trách nhiệm của các thủy điện trong việc xả lũ. Bởi theo quan sát, ở miền Trung, mặc dù lượng mưa trong đợt lũ này không lớn bằng những trận mưa gây nên trận lũ lịch sử năm 1999, nhưng việc các thủy điện đồng loạt xả lũ đột ngột với lượng lớn, có nơi chỉ báo cho dân là sẽ xả lũ trước 5 - 10 phút, khiến người dân vùng hạ du miền Trung trở tay không kịp.

Nhiều ĐBQH, chuyên gia đã lên tiếng về quy trình xả lũ của các hồ chứa thủy điện và mổ xẻ, tìm nguyên nhân gây ra lũ dữ. Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo một số cơ quan chức năng lại cho rằng thủy điện xả lũ đúng quy trình.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng, phân tích, trong đợt mưa lũ lớn lần này các thủy điện hoàn toàn không có tác dụng cắt lũ. Theo ông Thắng, thượng nguồn mưa lớn nên lượng nước lũ về các hồ thủy điện tăng đột biến, các hồ thủy điện buộc phải xả lũ, tuy xả đúng quy trình nhưng hạ du vẫn ngập nặng là vì các hồ chứa thủy điện không có tác dụng trữ nước cắt lũ.

"Các nhà máy xả lũ đúng quy trình, nhưng không phải quy trình đúng", ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại kỳ họp thứ 9 khóa VIII, HĐND tỉnh Quảng Nam ngày 11/12, nhận định.

8. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo.

{keywords}

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hội nghị TƯ lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quyết định. Đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu của đổi mới lần này, TƯ chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội.  Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định, ngành giáo dục coi lần đổi mới này như một "trận đánh lớn, nó xứng tầm như một cuộc cách mạng".

9. Ngành y tế rúng động sau vụ bác sỹ vứt xác bệnh nhân

{keywords}

Vụ án bác sỹ vứt xác nạn nhân đã khiến toàn xã hội phẫn uất

Năm 2013, ngành y tế trở thành "điểm nóng" với hàng loạt vụ việc chấn động: bác sỹ ném xác bệnh nhân xuống sông tại thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội); nhân viên y tế "ăn" bớt vắc xin khi tiêm phòng trẻ em tại 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội); Nhân bản xét nghiệm máu ở BV Hoài Đức (Hà Nội); Trẻ tai biến sau tiêm vắc xin...

Đặc biệt, vụ án bác sỹ vứt xác nạn nhân đã khiến toàn xã hội phẫn uất, hoang mang vì sự ra tay lạnh lùng của một bác sỹ được đào tạo bài bản. Từ đây, vấn đề y đức càng được đặt ra bức xúc.

Bộ Y tế đã cho tiến hành rà soát tất cả các thẩm mỹ viện trên toàn quốc, cũng như nhanh chóng cho lập "đường dây nóng" để người dân có thể phản ánh trực tiếp đến Bộ. Tuy nhiên, ở một đất nước vừa chào đón "công dân thứ 90 triệu" này, đó chỉ là những giải pháp tình thế.

Hàng loạt sự việc nghiêm trọng xảy ra khiến người dân đặt ra vấn đề vị tư lệnh ngành y tế cần phải cương quyết đưa ra một lộ trình chấn chỉnh, xử lý gấp.

10. Án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động nhân tâm

{keywords}

Vỡ òa niềm vui ngày ông Chấn được tha tù - Ảnh: Minh Quang

Sau hơn 10 năm kêu oan, cuối cùng ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng được trả tự do. Trước đó, ông Chấn đã bị kết án tù chung thân vì tội giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan.

Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm tội "Giết người". Sau hơn 10 năm kêu oan, chỉ khi đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận hành vi thì ông Chấn mới được minh oan.

Vụ án oan đã gây chấn động và khiến dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn về ép cung, mớm cung... của điều tra viên trong quá trình điều tra các vụ án hình sự.

"Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên cũng không kém gì y đức, vì họ là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác. Những vấn đề liên quan tới biên chế, áp lực công việc có ảnh hưởng đến những quyết định tố tụng hay không?", ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi.

VietNamNet

Nhìn lại 2013 - Kỳ vọng 2014:

Ấn tượng trong năm: Tầm vóc thời đại và sự tái sinh

Ấn tượng trong năm: Nỗi đau "thập kỷ" và tiếng gọi đáy sông

Việt Nam có thực tâm muốn cải cách

Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường

Vẫn ham hố dự án lắm tiền nhiều của

Vinashin giải thế, nợ để ai trả?

Việt - Trung: Sóng gió chẳng có lợi cho ai

Đúng quy trình là cách rũ bỏ trách  nhiệm

Có sự cố, chỉ ngay kẻ phải "giơ đầu" chịu

Một năm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Tài chính và túi tiền quốc gia