Trước những sự tương đồng với tình hình tại Ukraina, Moldova đang dấy lên quan ngại về phong trào ly khai tại Transnistria và hành động tiếp theo của Nga.

Ngày 21/3, Tổng thống Putin đã ký luật hoàn tất thủ sáp nhập Crưm trở thành một phần của Liên bang Nga. Hành động này ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt của các nước phương Tây, hàng loạt các biện pháp cấm vận, cô lập Nga được đề xuất và bắt đầu được áp dụng.

Ngược lại, ở trong nước, uy tín của Tổng thống Putin tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Giới chuyên môn nhận định, sau Crưm, có thể câu chuyện sẽ sớm tiếp tục mở rộng đến những vùng đất khác, mà nước cộng hòa Moldova đang là tâm điểm chú ý của những lời dự đoán. Với sự lên cao của chủ nghĩa dân tộc tại Nga kèm theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Moldova, có vẻ dự đoán này không phải là không có căn cứ.

{keywords}

Tổng thống Nga Putin, Ảnh AP

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Những ngày gần đây, ý kiến của một người có tên Artem Nekrasov đã được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi trên các mạng xã hội của Nga: "Nếu Putin có thể sáp nhập thêm Crưm và vùng Đông Nam Ukraina vào Nga một cách hòa bình, tôi sẽ tha thứ cho ông ấy về mọi thứ khác: nạn hối lộ tràn lan, quan chức hành động trái luật pháp, kinh tế yếu kém, sự lộn xộn giáo dục và báo chí..."

Còn trên truyền hình, một cựu binh Xô-viết phát biểu: "Vì sự tan rã của Liên bang Xô-viết, chúng ta đã mất Odessa và một phần của biển Baltic. Nhưng người lãnh đạo của chúng ta hiện nay đang lấy lại những vùng đất thời Xô-viết. Chúng ta đặt niềm tin vào ông ấy".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Ủy ban Luật pháp quốc tế của Nga còn đi xa hơn khi viết trên Facebook thể hiện mong muốn lấy lại tất cả những vùng đất Xô-viết đã mất, muốn lực lượng quân sự của Nga một lần nữa đứng đầu thế giới, muốn cả vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan và cả... Alaska vì "tất cả những vùng đất đó đều là của người Nga"(!).

Những ý kiến trên phản ánh tâm lý chung của người Nga trước hành động dứt khoát và mạnh mẽ của Putin: 75% dân số tín nhiệm ông Putin, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Những bước đi của Putin được sự ủng hộ rất cao của người dân, vì nó phản ánh hiện trạng cũng như làm sâu sắc thêm chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng lên cao tại nước này. Dù vấp phải những lệnh cấm vận của phương Tây nhưng dường như không gì có thể làm Kremlin nao núng. Ngày nay, người Nga đang dần tháo mở và thoát ra khỏi những khúc mắc tâm lý mặc cảm, tự ti của thời hậu Xô-viết khi kinh tế sụp đổ, mất lãnh thổ, tụt hậu, v.v...

Giờ đây, là một nước lớn, Nga thấy cần phải có những hành động " khẳng định mình" để chứng tỏ vị trí người chơi chính trên chính trường quốc tế, cũng như chấm dứt thế giới đơn cực. Một trong những đối tượng tiêu biểu, có giá trị vật chất và biểu tượng cao nhất của chủ nghĩa dân tộc là vấn đề chủ quyền lãnh thổ - người Nga tin rằng đất nước mình đang lấy lại những gì đã mất, những gì đáng ra phải thuộc về người Nga (!).

Tình hình tại Nga làm dấy lên những quan ngại đặc biệt về bước đi tiếp theo của Putin: tham vọng của ông Putin có thể sẽ không dừng lại ở Crưm, mà sẽ còn mở rộng ra những vùng đất khác.

Mối lo từ Moldova

Moldova là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết cũ, nằm trên vùng Đông Bắc biển Đen, tiếp giáp với Ukraina ở phía Tây và Rumani ở phía Đông. Sau khi Liên Xô tan rã, Moldova trở thành một nước độc lập với đa số là người Rumani và khoảng 200.000 người có quốc tịch Nga chiếm thiểu số. Mặc cho sức ép về năng lượng từ phía Nga, Moldova đã ký kết hiệp định hợp tác thương mại với EU từ tháng 11 năm ngoái.

Năm 1992, tại Moldova nổ ra xung đột giữa chính quyền và những người thiểu số Nga đòi ly khai, sống tại Transnistria - một khu vực nằm sát biên giới Moldova và Ukraina, khiến 300 người chết. Cuối năm 1992, một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, bao gồm thiết lập một khu vực phi quân sự ở Transnistra. Hiện nay, phần lớn người Nga tại Moldova đang sống tại Transnistria dưới sự bảo hộ của khoảng 2.000 binh lính Nga. Transnistra là "Đơn vị lãnh thổ tự trị với địa vị pháp lý đặc biệt" nhưng trên thực tế gần như là một quốc gia độc lập trong lòng Moldova với chế độ quân đội, cảnh sát, hệ thống bưu chính, và tiền tệ riêng.

Trước những sự tương đồng với tình hình tại Ukraina, Moldova đang dấy lên quan ngại về phong trào ly khai tại Transnistria và hành động tiếp theo của Nga. Thủ tướng Moldova phát biểu hôm thứ hai với Reuters: "Tình hình căng thẳng tại Crưm là một mối đe dọa đến an ninh của toàn khu vực. Sự tiến triển của tình hình sẽ tạo thành những vấn đề và nguy cơ mới, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cho Moldova".

Có thể thấy, kịch bản Crưm mấu chốt nằm ở vấn đề ly khai: đầu tiên, Crưm trưng cầu dân ý để tạo danh chính ngôn thuận "dứt áo ra đi" và vì thế, Nga mở rộng vòng tay tiếp nhận. Và dường như, không khó để người ta nghĩ đến kịch bản tương tự tại Transnistria - vùng đất có lịch sử ly khai lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Nga. Tuy nhiên, có lẽ Nga sẽ không xúc tiến việc này trong tương lai gần, mà giữ thế "khoan thư sức dân", tránh tạo thêm khó khăn từ các cấm vận của phương Tây và ảnh hưởng đến hình ảnh nước Nga.

Thủ tướng Moldova nói: "Tại Crưm, Ukraina đang đối mặt với những vấn đề giống hệt Moldova cách đây 20 năm". Còn nước Nga ngày nay thì không giống với nước Nga cách đây 20 năm!

Bảo Trí

Bài liên quan:

Crưm khủng hoảng, Trung Quốc sẽ lợi dụng 'ra tay'