-Thật khó tin là Hãng này hiện nay không có bộ phận hóa trang, không có người lo phục trang, chỉ có hai người làm đạo cụ. "Bao trùm Hãng phim truyện VN là không khí mệt mỏi, chán nản", Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam đề cập đến thực trạng hiện nay của Hãng phim truyện VN.

Càng tồn tại, càng suy yếu


ĐD Vũ Xuân Hưng phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nghệ sĩ điện ảnh
- Được biết mới đây Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc đột xuất với Hãng phim truyện VN. Nhiều nghệ sĩ cũng đã có ý kiến chi tiết về thực trạng hiện nay của Hãng. Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung cuộc gặp này cũng như tình hình thực tế của Hãng ra sao?

- Theo tôi được biết Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái được Bộ giao trách nhiệm phụ trách ngành Điện ảnh. Thông thường lãnh đạo Bộ khi mới được bổ nhiệm thì có chuyến thâm nhập thực tế. Không chỉ đến Hãng phim truyện VN, Thứ trưởng còn đến thăm nhiều Hãng phim khác, mục đích là để nắm tình hình chung của ngành. Còn riêng với Hãng phim truyện VN, Thứ trưởng đến thăm là muốn biết thực trạng chung của Hãng, nắm được tình hình, tâm tư nguyện vọng không chỉ của lãnh đạo mà còn là của các anh em nghệ sĩ. Qua đó để xem có giải pháp nào phù hợp cho tình hình của Hãng.

- Hiện nay mỗi năm Hãng phim truyện VN được nhà nước cấp bao nhiêu tiền thưa ông?

- Hiện nay hãng không còn được cấp tiền nữa mà phải theo hình thức đấu thầu bằng dự án phim và họ chỉ cho tiền theo dự án thôi.

- Vậy năm nay Hãng được cấp tiền cho bao nhiêu dự án?

- Chúng tôi có 3 dự án kéo dài từ năm trước. Đó là phim của chị Nhuệ Giang - Tâm hồn mẹ. Phim Mùi Cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười thì đã xong và đang làm hậu kỳ. Bộ phim khác đang chuẩn bị làm là Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Tổng cộng 3 dự án này được cỡ gần 20 tỉ nhưng chia cho 2 năm.

- Và số tiền này không dành hết cho các bộ phim mà còn phải trích ra để nuôi cán bộ công nhân viên của hãng?

- Nguyên tắc kinh doanh là đầu tư, bán sản phẩm ra thị trường, thu lại vốn và có lãi trên số tiền đầu tư. Nhưng với kiểu đầu tư của nhà nước hiện nay cho các đơn vị thì người ta vẫn cắn vào vốn. Trong tiền đầu tư đã tính cả lương, bảo hiểm, quản lý phí nên nói tiền tỉ như vậy nhưng không phải tất cả đều được đổ vào phim. Thêm nữa, sản phẩm của chúng ta làm lại không hướng tới thị trường, khán giả mà lại phục vụ vào mục đích chính trị, xã hội nào đó. Do vậy sản phẩm đến khi làm ra thì không có tiền để PR, không có chiến dịch để marketing cho bộ phim để thu hút khán giả. Và vì không nghiên cứu thị trường và công chúng nên nhiều khi chúng ta làm ra những thứ mà khán giả không quan tâm hoặc không thích.

Các rạp chiếu phim thì đang bị tư nhân hóa. Họ có nguồn phim riêng của mình qua đường nhập khẩu phim hoặc tự sản xuất, các phim nhà nước muốn vào thì phải thông qua họ nên thường lại không nằm ở trong diện ưu tiên phát hành trong thời gian dài. Do vậy phim của ta rất khó đến được với khán giả, từ nội dung đến cách thể hiện chưa tới, chưa tạo được một sản phẩm hấp dẫn, lúc làm xong thì lại thiếu hẳn một quá trình để đưa đến khán giả nên không có hiệu quả lắm về mặt xã hội cũng như văn hóa, nghệ thuật. Điều đó lại càng làm cho khán giả nói chung cũng như các cấp quản lý nói riêng có cảm giác rằng ngành điện ảnh này có hay không có cũng được. Ngành điện ảnh qua các hoạt động cụ thể của mình chưa làm cho các cấp lãnh đạo thấy rằng phải có chúng tôi.

Yếu về sức khỏe, yếu cả tâm trạng

ĐD Vũ Xuân Hưng là một trong những nghệ sĩ có nhiều thế hệ từng làm việc tại Hãng phim truyện VN.
- Thực ra thực trạng hiện tại của Hãng phim truyện VN thì nhiều người cũng đã biết, được nhắc đến nhiều nhưng thời gian gần đây nó lại được xới lại khi có quá nhiều nghệ sĩ từng gắn bó với Hãng phim truyện VN tỏ ra đau đớn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nó có nguyên nhân khách quan, chủ quan của nó. Nhìn lại lịch sử phát triển của điện ảnh VN có thể thấy Hãng phim truyện VN là một đơn vị được thành lập đầu tiên của ngành điện ảnh và trong suốt quá trình hoạt động của nó đã đóng có những đóng góp quan trọng cho ngành điện ảnh VN. Hãng phim truyện VN cũng đã có 7 thế hệ nghệ sĩ trưởng thành ở cái nôi số 4 Thụy Khuê. Theo xu thế chung, nếu qua thời gian hoạt động như thế thì nó phải phát triển thì Hãng phim truyện VN lại đi theo xu hướng ngược lại là càng tồn tại, nó lại càng suy yếu dần đi.

Điều nhìn thấy rõ nhất là sự suy yếu về hạ tầng cơ sở, một khu nhà cũ nát. Với hạ tầng cũ nát như vậy thì nó phản ánh ngay được hiện thực là không phát triển. Nó cũng có những nguyên nhân của nó nhưng nguyên nhân gì thì nguyên nhân nhưng khi nhìn vào hãng người ta nhìn thấy sự suy tàn. Thể hiện thứ hai là thông qua con người. Thế hệ đầu tiên đang mất dần, chỉ còn lại vài người, thế hệ trẻ gần như chưa có, giờ chỉ còn thế hệ giữa với lứa tuổi trung bình trên 40. Cũng chỉ có vài người đang hoạt động hiệu quả còn nói chung mọi người đều yếu về sức khỏe và yếu cả tâm trạng.

Mọi người đều rơi vào tình trạng cảm thấy mệt mỏi. Những người đã từng gắn bó với hãng phim truyện VN nhìn vào cảnh đó thì đều thấy buồn. Nhà cửa thì xuống cấp, con người thì già nua. Đó là điều đáng buồn. Với một cơ sở có đóng góp lâu dài cho điện ảnh đáng lẽ ngày càng phải phát triển thì ở đây ngược lại, nó lại càng ngày một suy tàn. Đó là nỗi đau lòng của những người đã có một thời gắn bó với Hãng, chưa kể có những người có nhiều thế hệ từng làm việc ở đây như gia đình tôi hay gia đình đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân. Không ai vui được khi nhìn vào hiện thực như vậy.

- Nhìn vào hiện trạng đó nhiều người nói Hãng phim truyện VN đang sống thực vật, người thì nói nó chẳng khác gì đang chết lâm sàng. Trên thực tế nếu không có biển đề tên Hãng phim truyện VN bên ngoài thì khó mà nhận ra đó từng là một hãng phim lớn có thương hiệu. Lãnh đạo Hãng trong một thời điểm khó khăn, nhiều nghệ sĩ đã từ lâu không làm phim cho Hãng nữa mà ra ngoài bươn chải kiếm sống, muốn có một cú sốc để thay đổi tình trạng hiện tại, theo ông cần làm gì trước hết?

- Tôi đã không dưới một lần nói lên suy nghĩ của mình không phải với Hãng phim truyện VN mà với cả ngành điện ảnh VN vì theo quan điểm của tôi, để vực dậy bất cứ cơ sở nào trong ngành điện ảnh VN thì không phải là tác động trực tiếp vào cơ sở ấy mà phải tác động vào toàn ngành. Hiện nay toàn ngành điện ảnh VN đang hoạt với 10 cơ sở, kể cả Cục Điện ảnh. 10 cơ sở này ngày trước hoạt động với 5 cơ chế khác nhau: sự nghiệp, sự nghiệp có thu, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp cổ phần. Bây giờ thì các cơ sở này hoạt động với 3 cơ chế: sự nghiệp có thu, doanh nghiệp cổ phần và công ty TNHH 1 thành viên.

Về tổ chức là 10 đơn vị nhưng không có sự gắn kết nào về mặt tổ chức hành chính hết. Các đơn vị trong ngành điện ảnh đang hoạt động theo cơ chế thân ai nấy lo, không có quan hệ hữu cơ. Do vậy thành công, thất bại của một đơn vị không trở thành thành công hay thất bại của cả một ngành. Nếu cứ để mãi tình trạng này thì không chỉ có hãng phim truyện VN mà sẽ còn nhiều đơn vị khác trong ngành điện ảnh suy yếu.

Để giải quyết cho bất kỳ đơn vị nào trong ngành thì không chỉ giải quyết cho riêng đơn vị đó vì chúng ta đã làm điều đó vào những năm 1990 khi chấn hưng ngành điện ảnh. Một số tiền chia cho mỗi anh một ít, người mua thiết bị người xây được cái nhà, cũng có cảm giác cơ sở khang trang thêm một chút, có điều kiện làm việc hơn một chút nhưng lại không thể giải quyết được vấn đề chiến lược lâu dài mà chỉ mang tính giai đoạn.

Do vậy giải quyết vấn đề của ngành điện ảnh hôm nay phải bắt nguồn từ cơ chế điều hành và cơ cấu tổ chức để toàn ngành là một khối. Mỗi anh có thế mạnh và thế yếu của mình nên làm thế nào để tạo sự gắn kết để giải quyết vấn đề yếu của từng anh. Phải tạo một tổ chức mang tính thống nhất như tập đoàn điện ảnh VN hay mô hình tổng công ty. Đã đến lúc ngành điện ảnh phải đứng trên đôi chân của mình chứ không thể lúc nào cũng ngửa tay xin tiền nhà nước.

Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng