- Nếu có thể hướng dẫn cho xã hội tiêu tiền vào những giá trị văn hóa…


Giá trị của tranh Việt

Lứa họa sĩ sau thời kỳ đổi mới, thế hệ của Thành Chương, Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương, Đinh Quân, Đặng Xuân Hòa, Mai Anh, Lê Thanh Sơn, Trương Tân, Đào Hải Phong,… đã tạo ra được những gạch đầu dòng đáng kể cho hội họa Việt Nam. Nhiều năm sau, cũng khó có thể tìm ra người vẽ ý tưởng như Thành Chương, triết lý như Lê Thiết Cương, ngây thơ như Quách Đông Phương và Trương Tân, đam mê như Đào Hải Phong... Họ chính là những thách thức của thế hệ trẻ khi đến với mỹ thuật.

Và, để trả lời cho câu hỏi: Liệu tranh Việt có giá trị khi đi ra thế giới, các họa sĩ đều khẳng định là nếu không có giá trị, đã chẳng thể có một lứa họa sĩ thành danh; giá tranh hiện tại cũng đã không cao đến thế.

Tranh Đặng Xuân Hòa, treo tại Ngàn Phố Gallery (Hà Nội)
Tranh Việt, công bằng mà nói, cũng mới chỉ gây ấn tượng được với một số nước trong khu vực, người nước ngoài sống tại Việt Nam và Châu Á thôi, chứ chưa thể tấn công và chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Nhưng hội họa vốn có thế mạnh vượt qua rào cản ngôn ngữ để hòa đồng với tâm thế nhân loại, mang tính toàn cầu. Tranh Việt hoàn toàn có thể làm “đại sứ văn hóa” để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới và đã thật sự tạo ra được một cảm xúc thẩm mỹ thanh bình, hiền hòa, ẩn chứa chiều sâu với tính chất triết lý của ngôn ngữ và thiền định của tư tưởng.

Tranh Việt có thể thua xa thế giới về kỹ thuật nhưng ngược lại có sự gửi gắm rất lớn về tình cảm, sự đam mê – cái mà xã hội đương đại vô cùng thiếu thốn. Các nước phát triển thường vướng phải bi kịch khi đời sống trôi quá nhanh và tâm hồn con người cũng “bê tông hóa” theo tốc độ phát triển của đô thị.

Trong hoàn cảnh đương đại, tranh Việt với những khung cảnh làng quê, sông nước, con người hiền hòa…, dù là tả thực hay ý niệm, vẫn nói lên một tâm thế xã hội khác hẳn. Và tuy vẫn hòa chung vào với khu vực châu Á nhưng tranh Việt có nét duyên dáng, quyến rũ riêng biệt, dễ nhận ra bởi các chi tiết, đẹp trong từng đường nét tỉ mẩn lột tả cuộc sống, chỉ riêng điều đó đã là thành công khi đi ra thế giới.


Tranh sơn dầu của Lê Thanh Sơn

Tranh của các họa sĩ trẻ Việt Nam được giới thiệu trên http://www.artyii.com - một trang web bán tranh lớn của Sigaporre. Nhiều tác giả Việt cũng đã bán được tranh với giá khá cao trên website đấu giá Sotheby' s. Bảo tàng Singaporre và một số nước châu Á mua khá nhiều tác phẩm của họa sĩ Việt, bởi vì họ chấp nhận treo tranh của các tác giả trẻ, thế hệ sinh năm 1970-1972, miễn là tác phẩm gây được tiếng vang trong đời sống mỹ thuật, còn ở Việt Nam thì Bảo tàng Mỹ thuật thờ ơ với điều này.

Rất nhiều ý kiến đã phản ánh căng thẳng về việc Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam chỉ treo tranh của các tác giả già, đã chết, và phần nhiều trong số đó là tranh chép. Người xem tranh cực kỳ ức chế khi bỏ tiền thật để vào tham quan những tác phẩm giả. Và, mọi người gọi đó là “bảo tàng chết” vì nó chẳng có chút sinh khí nào của đời sống mỹ thuật Việt đương đại.

“Tâm bão” của cơn hoảng loạn mỹ thuật

Năm 2012 sẽ có Thế vận hội Olypic London… - Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết - Giả sử họ có đưa lời mời Việt Nam chọn lấy 10 họa sĩ mang tranh sang triển lãm chung với mấy chục nước trên thế giới, thì hội đồng nào sẽ lựa chọn để giới thiệu tranh Việt? Lại là một hội đồng mà nói thật là toàn những ông đại dốt. Với kiểu làm việc và cơ chế như hiện tại thì mọi thứ sẽ vẫn chả đi đến đâu. Muốn cải tổ, phải có một hội đồng mỹ thuật quốc gia kiểu khác, với sự thẩm định thật sự, có tự trọng và sâu sát với đời sống mỹ thuật Việt chứ không phải đội đồng không biết nhục như hiện tại. Người mua tranh ở tận đâu đâu đến Việt Nam người ta còn biết ngay tranh của ai thì có giá trị, giá trị đến đâu. Tại sao người làm quản lý trong nước lại không biết điều đó? Tại sao lại thờ ơ sống chết mặc bay, không ghi nhận ai cũng chẳng quản lý gì, để mặc cho thị trường (hiểu theo nghĩa tiền bạc) tung hoành điều phối mọi thứ?"

Tranh Lê Thiết Cương

Đâu là “tâm bão” của cuộc hoảng loạn thị trường tranh Việt? Mỹ thuật Việt có thật có vấn đề? Hay vấn đề chính nằm ở chỗ các cơ quan quản lý mỹ thuật và những con người cụ thể quản lý mỹ thuật.

Buông lỏng quản lý dẫn tới thị trường tranh chép, tranh nhái, tranh giả loạn xạ, việc đưa tranh Việt ra nước ngoài để giới thiệu hình ảnh VN, văn hóa VN gần như hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân các họa sĩ chứ các cơ quan ban ngành về văn hóa không giúp được gì nhiều.

“Đưa tranh ra nước ngoài chủ yếu là những người buôn tranh, mà đã là buôn tranh thì đương nhiên họ cần lãi, và thích buôn kiểu có lãi chứ chả ai buôn kiểu nghệ thuật cả. Hơn nữa, buôn tranh giả lãi hơn tranh thật rất nhiều lần. Cá nhân nghệ sĩ đành phải tự thân vận động nếu muốn đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài. Sự vận động đó là tất nhiên để tồn tại thôi, chứ thật ra thì rất đau lòng. Bởi vì ở sâu trong văn hóa là học thuật và đạo đức. Lẽ ra, những người làm quản lý văn hóa phải cao hơn nghệ sĩ một cái đầu, có đủ tâm và tầm để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật” – Họa sĩ Lê Thiết Cương phát biểu.

“Có lẽ, người Việt mình bị rỗng văn hóa từ khá nhiều thế hệ, cho nên hiện tại rất khó có thể làm cho số đông hiểu rõ, nhìn nhận đúng và tôn vinh một giá trị - Ông Lê Trung Thành, chủ gallerry Ngàn Phố tâm sự - Trước đây, thời ông tôi còn sống, cho dù nhà nghèo, nhưng cứ mỗi năm Tết đến, ông lại ra phố, đặt mua một bức tranh Chữ, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… về treo trang trọng trong nhà. Thời chiến tranh, loạn lạc, khó khăn gấp bội, tôi thấy cha tôi vẫn làm như vậy. Nhưng bây giờ, thử hỏi có mấy gia đình thích gìn giữ, trân trọng những nét văn hóa đó?...”

Tranh của họa sĩ Lê Phổ - bức “Phong cảnh Bắc Kỳ” - từng đứng hạng 6 với mức giá 2,06 triệu HKD, tương đương hơn 264.000 USD. Bức “Thiếu phụ quàng khăn xanh” cũng của Lê Phổ, có giá dự kiến 800.000 – 1,2 triệu HKD cũng được bán với giá 1,5 triệu HKD, tương đương 202 USD (năm 2010)

Phải bình tĩnh mới không bị lũ cuốn

Bảo tàng thì già cỗi, thị trường thì loạn, “chợ tranh” cả TP.HCM lẫn HN đều èo uột, các cánh cửa đưa tranh ra nước ngoài chủ yếu phụ thuộc vào quan hệ cá nhân… Khó khăn chồng chất như thế, các họa sĩ Việt có nản lòng?

Chính những khó khăn hiện tại, lại đang làm cho mỹ thuật Việt trở lại với giá trị thật của nó – đa phần các họa sĩ đều nhận định như vậy.

 “Thật ra thì tôi không bị ảnh hưởng nhiều lắm về chuyện giá tranh, tranh nhái, tranh chép… mặc dù nhìn vào thực trạng thì vẫn đau lòng. Bởi vì tôi đã có quá trình hoạt động nghệ thuật, tạo được tên tuổi, được người yêu hội họa chấp nhận, và sống lương thiện bằng tiền bán tranh của mình” - Họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ ngắn gọn: “Nếu thấy xã hội bất an mà tâm mình cũng loạn theo thì chỉ chứng tỏ anh chưa tích lũy đủ một tầm mức văn hóa cần thiết”.

Từ góc nhìn của người làm nghệ thuật, họa sĩ Đào Hải Phong tâm sự: “Bán tranh bây giờ có thể khó gấp nhiều lần trước kia, vì xã hội đã có nhiều thứ để quan tâm hơn, và đồng tiền, hơn lúc nào hết lại quá mất giá. Nhưng chính như thế, mỗi bức tranh bán được chứng tỏ mạnh mẽ sự kết hợp cả hai yếu tố: Tiền và Tri thức cộng lại. Người chơi tranh càng ngày càng đông lên vì đương nhiên con người ta mỗi ngày càng hiểu biết, nhất là trong thời đại kết nối toàn cầu như bây giờ. Vì thế, các họa sĩ cần sống thật với chính mình, với năng lực và xúc cảm của mình. Nội lực và sự tưởng tượng phải rất mạnh mẽ mới có thể bứt phá và đẩy lên thành một nét riêng. Điều quan trọng nhất đối với một tác giả là đưa ra quan điểm nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ đúng đắn, từ đó, chắc chắn sẽ được công chúng số đông hưởng ứng, đón nhận”.

Họa sĩ Đào Hải Phong trong xưởng vẽ

Nếu như nhà quản lý ra tay dẹp loạn, chủ gallery đủ tầm để không đem bán toàn bộ những “đứa con tinh thần” của họa sĩ chỉ với mục tiêu kiếm tiền, mà còn là nơi trưng bày, giới thiệu, hướng dẫn cho xã hội tiêu tiền vào những giá trị văn hóa; bảo tàng chọn lọc được những tên tuổi có ảnh hưởng mỹ thuật đương đại, thì lo gì không có cơ hội đặt được một số tác phẩm lên ngai vàng thật sự để tôn vinh.

Hòa Bình

>>Bài tiếp theo: Tính cách người Việt hiện đại màu gì?