- Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ một góc nhìn thú vị về tính cách người Việt hiện đại…
Phải đánh mạnh vào tâm thức nghệ thuật Việt
Vàng thật dứt khoát phải khác vàng mã

Tài sản của người họa sĩ phải là tranh!

"Tôi không muốn làm người giàu nhất ở nghĩa địa"

Làm thế nào để có bức tranh chép tử tế?

Tranh chép: thay đổi cả “da” lẫn “lông”

Tranh chép không có tội

Bát nháo, phẫn uất vì tranh chép

Buôn giấy vệ sinh rồi buôn tranh chép

Kinh hoàng tranh chép giá bèo


Làm cái nhỏ thì tốt, cái lớn thì vứt đi
- Thưa họa sĩ, theo ông, có màu nào đại diện được cho con người Việt Nam đương đại? Thể hiện cả mặt phải lẫn mặt trái trong tính cách người Việt?
-  Tôi chọn màu vàng thổ. Vì nó là mầu trung độ. Người Việt Nam không có triết học, chỉ là trung tính, trung độ, làm gì cũng không  đến nơi đến chốn. Tất nhiên không nhất  thiết mỗi quốc gia phải sinh ra một triết gia. Ý tôi là điều này phù hợp với tính cách người Việt. Người Việt chỉ hợp những gì be bé, xinh xinh. Cứ đi sâu vào tiểu tiết thì rất ổn, rất tinh xảo, có thể nâng lên đến tầm nghệ thuật. Nhưng làm cái gì hoành tráng, tổng thể thì vứt đi. Ví dụ Đại Nam tiên cảnh, Chùa Bái Đính, tượng Mẹ Việt Nam anh hùng… tóm lại những kỷ lục Guiness VN rất xấu.
Cứ ngắm những đại công trình mới xây dựng mà xem, có cả tỉ vấn đề ở đó. Nào là sự ăn cắp ý tưởng thiết kế, nào là bê tông hóa, nào là rút ruột công trình, nào là sự cẩu thả, dốt nát…
Ảnh họa sĩ Lê Thiết Cương
- Vậy còn cái đẹp của màu vàng  thổ?
- Với con mắt mỹ thuật của một họa sĩ, tôi nhìn thấy rất nhiều tính tích cực của màu vàng thổ và sự trung độ của người Việt. Vẻ đẹp mỹ thuật luôn ẩn mình trong những chiếc bát Lý, lư hương đời Lê, thạp đời Trần, con rồng triều Mạc, những mảng điêu khắc nhỏ, mái đình, đầu dư, kẻ hiên, viên gạch lát nền, con tò he, chó đá,  chén đĩa Bát Tràng…
Cái đẹp trong chiếc bát Lý là sự thô mộc, âm trầm, gia công không đều, kiểu “sáng rửa cưa, trưa màu đục”, bàn xoay không chuẩn, men ngọc không đúng nghĩa nhưng lại ra một loạt biến tấu: ngọc nước dưa, ngọc nước rau muống luộc… tương phản với sự kỹ lưỡng, chỉn chu, khéo léo đến hoàn hảo của gốm Tống.
Chính cái sự  nửa vời không đều khi vẽ hoa văn, khi chất củi lửa chỗ nhiều chỗ ít lại cho ra kết quả là tính nghệ thuật rất cao. Bởi vì nó gửi gắm rất nhiều tình cảm của con người lao động thủ công ở trong đó, mang tính đơn bản thực sự chứ không đẹp đều như những sản phẩm làm bằng máy hàng loạt.
Còn người Việt hiện đại thì rất khó để có thể nhận xét ra được đặc tính. Tôi chỉ nhìn thấy toàn sự dối trá, dốt nát, chậm tiến, bảo thủ, kiêu ngạo, học đòi… thích to (to nhưng xấu) và bệnh vô cảm.
Nếu xã hội chỉ chạy theo đồng tiền
- Ông có cho rằng thật ra thì văn hóa của người Việt không dở với cả chiều dầy lịch sử bồi đắp, nhưng chính là văn hóa của người Việt hiện đại không hay?
Tranh Lê Thiết Cương
- Tôi luôn băn khoăn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao văn hóa của người Việt mình trước kia hay và đẹp như thế, cho đến thời kỳ chiến tranh cũng vẫn còn duy trì được, nhưng tính từ sau đổi mới đến nay thì hiện tại lại tệ thế này?
Đáng lẽ đổi mới kinh tế dẫn tới xã hội phát triển hơn, cuộc sống đủ đầy hơn thì phải nghĩ đến chuyện văn hóa chứ. Không lẽ nhiều nhà cao hơn, nhiều xe đẹp hơn mà mất văn hóa hay sao? Biết bao vụ án dã man không thể tưởng tượng nổi như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, cho đến thầy cô giáo cũng xuống cấp về đạo đức như vụ Sầm Đức Xương… đã bung ra khiến cả xã hội kinh hoàng.
Chính vì cả xã hội tôn vinh vật chất, chạy theo giá trị đồng tiền, cho nên thành ra như thế. Quá nhiều hàng hóa, quá nhiều sự du nhập những thói quen sống, sinh hoạt từ khắp nơi trên thế giới mà giới trẻ chưa có chút vắc xin nào để chống trả.
Nếu như bây giờ thời gian có thể quay ngược về đêm trước đổi mới, chắc chắn là nhiều người hiểu cần phải xây dựng nền móng văn hóa vững chãi trước khi phát triển kinh tế, hoặc chí ít cũng đẩy cả hai cùng song hành trên một tuyến đường.
Hãy bớt đi những thói xấu
- Từng trao đổi với nhiều người Nhật, tôi thấy kính phục họ khi không chỉ khóc thương thân nhân và tài sản mà nước Nhật mất đi trong thảm họa động đất sóng thần mà còn coi đó là điểm tụt xuống cần thiết để khởi động lại quá trình vươn tới, dựng xây và cố gắng hướng đến những chân trời mới, tốt đẹp hơn. Những gì mà nền mỹ thuật Việt, và nghệ thuật Việt nói chung đang khủng hoảng không phải bỗng dưng xảy đến. Kể cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà tất cả các nước trên thế giới chúng ta đang hứng chịu cũng không vô tình đột ngột diễn ra. Tất cả đều là hệ quả của những hành vi mà xã hội đã tích lũy sau một quãng thời gian và nhiều diễn biến. Ông có chia sẻ điều này? Và, theo ông, người nghệ sĩ cần làm gì cho hiện tại và tương lai?
- Tôi nghĩ rằng có nhân thì có quả, điều đó là chính xác. Khi chúng ta đang nhìn thấy nơi này là ban ngày thì chỗ khác ắt phải là đêm. Hãy dẹp bớt những thói xấu: đánh tráo khái niệm, ảo tưởng, lừa mị, tự dối mình, bịt mắt dò đường. Người làm nghệ thuật bắt buộc phải vượt qua những “tử huyệt”, như mỹ thuật là tình trạng na ná, ăn cắp chất xám của nhau một cách tinh vi.
Tại sao lại không có cơ quan nào đứng ra xử lý việc ăn cắp sáng tạo? Các loại ăn cắp khác bị bắt, bị xử, tại sao mỹ thuật lại không? Toàn bộ các cửa hàng chép tranh đều ở mặt các phố lớn đấy chứ? Hà Nội thì Nguyễn Thái Học, Hàng Trống… TP.HCM thì Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Họ hiện diện sờ sờ ra như thế, ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết là phạm luật, tại sao cả xã hội lại chấp nhận nhìn người khác ăn cắp và coi đấy là việc bình thường, cơ quan quản lý không bắt, còn người tiêu dùng sẵn sàng mua về treo.
Người làm nghệ thuật hơn người khác là có năng khiếu, nhưng đó chỉ là một chút thuận lợi cho chặng đường đầu tiên thôi. Còn lại, yếu tố quan trọng nhất phải là văn hóa. Tôi nghĩ, cái cần nghĩ đến và hành động nhiều nhất với mỗi người nghệ sĩ là phải bồi đắp văn hóa, có khi mất cả mấy chục năm nạp vào rồi lại mấy chục năm quên đi để chỉ thể hiện lại những nét văn hóa đã ngấm sâu vào trong mỗi người nghệ sĩ, trở thành bản chất của anh ta chứ không phải là biểu hiện bề ngoài như nhiều người vẫn nhìn thấy hiện nay.
Ở chỗ này, cần nhắc lại một chút về màu vàng thổ, tôi chọn nó còn vì sự tươi sáng và tính chất ở giữa, cốt lõi của nó. Không phải nhìn thấy xã hội loạn lên thì tâm thế của mình cũng bất an. Mà là, mỗi người nên nhìn nhận ra vấn đề, tổng thể cũng được, riêng rẽ cũng được, theo cách của từng người, và mỗi người mỗi ngày chỉ cần làm thêm một việc tốt dù nhỏ bằng con kiến thì cũng khiến xã hội tích cóp lâu ngày sẽ có những chỗ tốt đầy lên, phình to ra.
Hòa Bình (thực hiện)

Bạn đọc nghĩ gì về chủ đề này? Xin mời gửi thư về địa chỉ email: vnn.vanhoa@gmail.com hoặc hoabinh.nguyen@vietnamnet.vn để trao đổi cùng báo VietNamNet  về chủ đề Nhận diện người Việt.