- “Phim tuy đã duyệt kịch bản nhưng lúc nào cũng hồi hộp là làm xong, phim mình có được duyệt để trình chiếu hay không?”, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm nói.
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao "Trò chơi sinh tử" không được duyệt tại VN?
10 bộ phim bị cấm gây tranh cãi nhất
Cực chẳng đã mới phải cấm phim Việt!
Cấm người mẫu siêu gầy xuất hiện trên mặt báo
The Hunger Games và câu chuyện cấm phim
Công chúng, truyền thông và các nhà quản lý văn hóa thường giữ cho mình quyền “nâng lên đặt xuống”, thậm chí “ném đá” nội dung của một bộ phim. Trong nhiều trường hợp, những áp lực của những người làm phim dường như là khía cạnh ít được thông cảm. Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm, người đang điều hành một hãng phim gia đình (cùng bà xã Tawny Trúc Nguyễn và anh vợ là Charlie Nguyễn, em vợ Johnny Trí Nguyễn) chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện này.
Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm từng sản xuất các phim Dòng máu anh hùng, 14 ngày phép, Bẫy rồng, Cưới ngay kẻo lỡ, Sài Gòn Yo… |
“Long Ruồi…” cho thấy khán giả đang muốn xem gì
Sau nhiều năm về nước làm phim, anh nghiệm ra điều gì là khôn ngoan trong việc đầu tư sản xuất phim Việt hiện nay?
Tôi cảm thấy khi làm phim, mình nên định hướng rõ là mình nên làm phim cho riêng mình hay là làm phim cho khán giả. Nếu làm phim cho mình thì mình thích gì làm đó, việc tốn kém về tài chính hay thời gian thì mình bất kể. Nhưng khi làm phim cho khán giả thì mình có rất nhiều trách nhiệm. Trách nhiệm về đồng vốn huy động từ các nhà đầu tư. Trách nhiệm nghiên cứu về thị hiếu của khán giả và biết họ muốn xem thể loại phim gì. Trách nhiệm làm một bộ phim có đầy đủ chất lượng về mọi mặt. Với tôi, đấy là công thức để làm một bộ phim thị trường thành công.
Phim chiếu rạp cần vốn đầu tư lớn trong khi thời gian phát hành ngắn, thường chỉ trụ rạp từ 2 tuần đến 1 tháng. Anh có nghĩ đây phim Việt đang chơi canh bạc may rủi trong môi trường kinh doanh hiện nay?
Đối với tôi, làm phim là làm nghệ thuật chứ không phải là một canh bạc đầy rủi ro. Nếu mình bỏ hết tâm huyết vào làm phim thì mình sẽ có một tác phẩm có giá trị để lại cho mọi người sau này. Việc thua lỗ chỉ là do người thực hiện phim chưa tìm hiểu rõ thị trường và chưa biết mình nên làm gì.
Thành công về doanh thu của Cưới ngay kẻo lỡ, Long Ruồi, Để mai tính, Cô dâu đại chiến, Bẫy rồng….đã cho chúng ta thấy là khán giả đang muốn xem gì. Đây cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành của nền điện ảnh thương mại Việt Nam tại thị trường nội địa và cũng là bước mở của phim Việt ở thị trường nước ngoài khi Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng đã được các kênh phim Hollywood cũng như nước ngoài mua và công chiếu trên kênh starworld…và khắp thế giớii.
Jimmy Nghiêm Phạm và nữ diễn viên Kathy Uyên là hai trong số những gương mặt Việt kiều về nước tham gia làm phim trong thời gian qua |
Phim cho phân khúc thị trường
Sau bộ phim đầu tay Dòng máu anh hùng, công chúng và truyền thông gần đây dường như thất vọng khi hãng phim Chánh Phương của anh cho ra đời những phim hài nhảm như Cưới ngay kẻo lỡ. Do họ áp đặt kỳ vọng của mình lên thực tế, hay do hãng phim đang đặt tiêu chí thương mại lên hàng đầu và chạy theo thị hiếu số đông?
Trước khi làm phim, chúng tôi gồm nhà sản xuất, nhà đầu tư và đạo diễn phải ngồi xuống với nhau để bàn kế hoạch cho bộ phim sắp tới của mình sẽ nhắm vào thị trường nào và chúng tôi quyết định làm thể loại phim dành cho thị trường đó. Cưới ngay kẻo lỡ ra đời nhờ sự hợp tác thành công giữa Chánh Phương và Galaxy ở thể loại hài, tình cảm. Đây là bộ phim mà chúng tôi thiết kế để giải trí và chọc cười cho khán giả. Doanh thu, sự đón nhận của khán giả và những tràng pháo tay của họ khi xem xong bộ phm này đã chứng minh cho sự thành công của nó. Rất nhiều người xem phim này nói là họ thấy rất hay, cũng có rất nhiều người xem nói đây là phim “nhảm nhí”. Tôi đã làm hết sức mình có thể. Chúng tôi lúc nào cũng đón nhận ý kiến khán giả để mình có thể làm những phim sau tốt hơn. Chúng tôi rất hài lòng về doanh thu, nội dung, chất lượng của bộ phim hài tình cảm nhẹ nhàng này.
Có tin nói hãng phim vẫn chưa trả hết nợ của khoản đầu tư 1,6 triệu USD cho phim Dòng máu anh hùng, gom góp vốn liếng và vay bằng cách thế chấp tài sản. Trong khi tổng doanh thu của phim chỉ đạt hơn 1,2 triệu USD. Bộ phim dù thành công về nghệ thuật, nhưng có khiến anh tính toán lại bài toán đầu tư sản xuất phim?
Lúc thực hiện phim Dòng máu anh hùng, chúng tôi là những người làm phim trẻ và đầy nhiệt huyết. Vì là phim đầu tay của Chánh Phương tại Việt Nam nên chúng tôi chưa có gì để chứng minh cho nhà đầu tư về khả năng làm phim của chúng tôi, việc huy động vốn đầu tư rất khó khăn. Lúc đó Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Tawny Trúc Nguyễn và tôi đã gom hết tất cả tài sản mình có là tiền và tài sản không có là thế chấp nhà để lấy tiền làm phim. Sau khi phát hành, tuy là doanh thu không được như chúng tôi dự tính vì nhiều yếu tố khác nhau nhưng Dòng máu anh hùng rất thành công về chất lượng và uy tín, là một trong những phim Việt đương đại được nhắc đến nhiều ở trong và ngoài nước. Tôi không chút nào cảm thấy hối hận vì đã đầu tư hết tất cả những gì chúng tôi có và không có để thực hiện bộ phim này. Ngược lại, tôi rất hãnh diện.
Bộ phim này cũng đã mở rất nhiều cánh cửa cơ hội để chúng tôi thực hiện những bộ phim kế tiếp. Với những bộ phim chất lượng cao mà chúng tôi đã làm ra, những con số doanh thu mới phá kỷ lục của những doanh thu năm cũ, đã chứng minh tiềm năng đầu tư của những bộ phim mà chúng tôi làm. Nên giờ này chúng tôi có đầy đủ niềm tin từ nhà đầu tư và đối tác để đưa tiền cho chúng tôi làm những dự án lớn hơn trong năm nay và trong tương lai.
Không riêng gì Chánh Phương, nhiều nhà sản xuất khác từ nước ngoài về Việt Nam làm phim như Early Risers Media Group, Wonder Boy Entertainment, CocoParis..cũng đều bỏ tiền túi và huy động bạn bè, người thân hùn tiền để làm phim. Phải chăng ngành sản xuất phim ảnh ở VN chưa có những nhà đầu tư theo đúng nghĩa của nó?
Ở nước ngoài, chúng tôi làm ra được rất nhiều tiền nhưng tại sao chúng tôi lại về VN làm và phải bỏ tiền túi ra để làm phim? Tôi nghĩ, các nhà sản xuất người Việt ở nước ngoài cũng như tôi về VN làm phim là vì đam mê điện ảnh và chúng tôi muốn góp sức để đẩy nền điện ảnh của VN lên tầm vóc quốc tế. Về việc đầu tư thì rất rõ ràng là VN có rất nhiều tiền để đầu tư vào những lĩnh vực khác nhưng vì điện ảnh VN không làm ra tiền nên không thu hút được các nhà đầu tư. Chừng nào nền điện ảnh bắt đầu làm ra tiền thì chừng đó mới phát triển và thu hút đầu tư được. Người ta có thể đầu tư một phim lỗ, nhưng không thể đầu tư để làm phim lỗ từ năm này qua năm khác được. Chánh Phương cũng vậy, chúng tôi lỗ vốn sau khi làm Dòng máu anh hùng, nhưng chúng tôi lấy lại những phim sau như Bẫy rồng, Sài Gòn Yo, Cưới ngay kẻo lỡ…Trước đây, chúng tôi tự bỏ tiền ra để làm phim, bây giờ thì không cần phải làm vậy nữa, nhà đầu tư và đối tác tin chúng tôi khi giao tiền để làm phim. Họ đều là những doanh nhân và những công ty sản xuất phim thành đạt trong nước.
Cưới ngay kẻo lỡ, một phim thương mại thành công về doanh thu và nhận được nhiều bình luận khen chê trái chiều |
Hồi hộp chờ kiểm duyệt
Sản xuất phim Việt trong bối cảnh chúng ta đang có những hệ thống rạp lớn nhất thuộc sở hữu của nước ngoài, đi cùng sự áp đảo của phim Hollywood. Với anh, điều này tạo ra những thuận lợi và khó khăn nào?
Số vốn trung bình của mỗi phim là 5 – 6 tỉ, nếu cao hơn nữa thì 8 – 30 tỉ. Nếu chỉ có vài rạp thì không thể lấy lại vốn được. Đối với nhà sản xuất phim, càng có nhiều rạp chiếu thì càng có nhiều doanh thu. Do vậy, việc có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây rạp chiếu tại VN sẽ cuốn hút được nhiều người làm phim. Tình hình hiện nay là quá nhiều phim Hollywood trên rạp chiếu. Hollywood có rất nhiều tiền để làm phim. Tất cả thể loại mà họ làm như hành động, kinh dị, ma quái, tình cảm, hài…đều được chiếu tại VN. Cho nên, có thể nói là điện ảnh Việt vốn nghèo và nhỏ bé đang phải chiến đấu không cân sức với anh chàng khổng lồ, nhà giàu Hollywood. Phim Việt lại bị hạn chế nhiều mặt với giai đoạn kiểm duyệt. Phim Hollywood thì thoáng hơn phim Việt…Họ làm được nhiều thứ mà phim Việt không được làm…
Theo anh, giới sản xuất phim tư nhân trong quá trình tự thân vận động đang cần thêm những hỗ trợ cụ thể nào từ phía Nhà nước?
Thật tình thì chúng tôi làm phim tuy đã duyệt xong kịch bản nhưng trong lòng lúc nào cũng hồi hộp là khi làm xong, phim mình có được duyệt để trình chiếu hay không? Nếu được duyệt thì lo lắng là không biết phim mình sẽ bị cắt bao nhiêu chỗ? Chúng tôi hi vọng sẽ có những quy định rõ ràng để chúng tôi được biết cái gì được làm và cái gì không được làm. Theo tôi được biết thì điện ảnh các nước đều có hệ thống phân loại phim. Hi vọng, Nhà nước sẽ tham khảo những hệ thống của các nước để có những quy định riêng rõ ràng cho điện ảnh nước nhà.
Đồng thời, tôi cũng hi vọng Nhà nước có thể đầu tư cho những dự án và những hãng phim có khả năng làm phim lịch sử VN. Lịch sử có chiều dài mấy ngàn năm nhưng mình lại chưa thể khai thác làm phim vì không đủ tiền. Cho nên tôi hi vọng Nhà nước sẽ ủng hộ và cùng tư nhân đầu tư làm những bộ phim có đề tài lịch sử để các thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử và những vị anh hùng Đất Việt.
Minh Chánh thực hiện