- Sự an toàn của trẻ em khi tham gia giao thông đang trở thành mối quan tâm của nhiều bộ ban ngành trong nước và các tổ chức quốc tế.

TIN BÀI KHÁC

Cách đây 5 năm kể từ ngày 15/12/2007, một đoạn phim được chiếu trên các kênh truyền hình toàn quốc về đội mũ bảo hiểm cho người lớn đã gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội. Còn nhớ, những thông điệp được mở đầu bằng "Vì tôi sợ nó sẽ làm hỏng kiểu tóc của mình", "Vì tôi sợ trông chẳng ngầu chút nào", "Vì tôi nghĩ sẽ chẳng có chuyện gì đâu"…. thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Đoạn phim thành công này cũng là một trong những cú huých mạnh làm thay đổi nhận thức, khiến Việt Nam từng được thế giới đánh giá cao trong việc đạt hiệu quả cho sáng kiến toàn dân đội mũ bảo hiểm.

Thông điệp từ đoạn phim gây xúc động

5 năm trôi qua, tỉ lệ người lớn đội mũ bảo hiểm đã đạt con số 90%, nhưng giờ đây, vấn đề an toàn cho trẻ em lại là một thách thức mới khi các điều tra cho hay, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trẻ em đang rấp thấp, chỉ khoảng 20 - 30%. Tại thủ đô Hà Nội, tỉ lệ này đặc biệt thấp - chỉ 21%. 

Ông Takeshi Kasai, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới phát biểu trong buổi họp báo ngày 24/5/2012 tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (Hà Nội): "Chúng ta cần phải hành động khẩn cấp. Vì cứ mỗi năm ở Việt Nam có hơn 3.000 trẻ em bị chết và hàng chục nghìn em bị thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông".

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ huynh là người quyết định cuối cùng trong việc có mua mũ bảo hiểm cho con mình không. Ngoài ra nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm khi nghĩ mũ bảo hiểm sẽ có hại cho trẻ; 63,7% cha mẹ coi thời trang là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn mũ bảo hiểm cho con em mình.

"Khi con lớn lên"

Nhân vật cô bé trong đoạn phim “Khi con lớn lên”.

"Khi con lớn lên" kể về câu chuyện của một bé gái tiểu học thông minh với nhiều dự định và mơ ước tương lai. Cô bé xinh xắn sống trong tình yêu thương và đùm bọc của gia đình. Vào một ngày cuối tuần, bố chở bé đi dạo phố bằng xe máy. Khi đi qua ngã tư, mặc dù đã quan sát cẩn thận và đi đúng tín hiệu đèn giao thông, nhưng hai cha con đã bị một chiếc xa máy vượt đèn đỏ lao thẳng vào và gây tai nạn. Người cha may mắn sống sót nhờ đội mũ bảo hiểm. Nhưng anh kinh hoàng khi nhìn sang cô con gái nhỏ bé của mình đã bị văng ra khỏi xe. Cô bé thiệt mạng do bị chấn thương vùng đầu.

Những người thực hiện đoạn phim cho biết:  Thông điệp này được gửi trực tiếp tới các bậc phụ huynh. Chúng tôi muốn họ hiểu những rùi ro có thể xảy ra khi không đội mũ bảo hiểm cho con mình. Những thói quen hiện tại thật đáng hổ thẹn và chúng tôi đang cố gắng để mọi người thấy rằng việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là một hành vi không được chấp nhận. Các em có quyền được di chuyển an toàn trên đường phố.”

"Khi con lớn lên" sẽ được trình chiếu trong thời gian tới trên các kênh truyền hình quốc gia.

Thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: "Luật pháp quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên (bắt đầu đi học) phải đội mũ bảo hiểm. Sắp tới trẻ em từ 3 tuổi trở lên (lứa tuổi mẫu giáo) cũng sẽ khuyến cáo đội mũ bảo hiểm cho các em". 

Thông tin từ phía Bộ Giáo dục & Đào tạo: Lễ khai giảng năm học mới 2012 sẽ được tổ chức gọn nhẹ, dành nhiều thời gian để đưa thông tin tới các em học sinh, để các em có thể tự yêu cầu cha mẹ trang bị và đội mũ bảo hiểm bảo đảm an toàn, chất lượng cho chính mình khi cha mẹ lơ là.

Vấn nạn “mũ bảo hiểm trá hình” tại VN

“Hy vọng xã hội sẽ bất bình với mũ bảo hiểm giả như với sữa giả, vắc-xin giả…” 

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo VietNamNet về việc người tiêu dùng (đặc biệt là giới trẻ) vẫn mua loại mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá từ 20.000 VNĐ đến 30.000 VNĐ bán tràn lan trên thị trường, các cơ quan chức năng kiểm soát đầu vào của loại mũ này ra sao; ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia nói:

HH Thùy Lâm khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đội mũ bảo hiểm an toàn cho con. Ảnh: Angellittlefire

"Loại mũ được nhắc đến không phải là mũ bảo hiểm mà chỉ là loại mũ-giống-mũ-bảo-hiểm. Chưa có chế tài quản lý loại mũ này bởi người bán cũng như nhà sản xuất biện minh với cơ quan quản lý rằng họ không bán mũ bảo hiểm, mà đó chỉ là loại mũ "đội chơi", tránh mưa nắng. Người bán phủ nhận trách nhiệm về an toàn, chất lượng nếu người tiêu dùng mua về để sử dụng với mục đích như mũ bảo hiểm. Sự phức tạp này cũng đã được đưa ra trong cuộc trao đổi giữa Bộ công thương và Bộ Khoa học Công nghệ ngày hôm qua và đang được nghiên cứu các phương án xử lý trong thời gian tới".

Cùng tỏ thái độ lo lắng trước tình trạng giả-mũ-bảo-hiểm, chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, ông Greig Craft bày tỏ: "Nếu như Việt Nam đã từng bất bình trước vấn nạn vắc-xin giả, sữa giả... thì tôi  hy vọng cũng sẽ có những phản ứng như vậy với mũ bảo hiểm giả. Đó là phương tiện quan trọng bảo vệ sinh mạng và sức khỏe con người".

Đại sứ thiện chí của chương trình tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, Thùy Lâm - HH Hoàn vũ Việt Nam 2008 chia sẻ thêm: "Con trai của Thùy Lâm mới chỉ 20 tháng tuổi, gia đình di chuyển bằng ô tô là chủ yếu. Nhưng nếu sau này cháu lớn hơn, hoặc có đi xe máy chắc chắn sẽ phải cho bé đội mũ bảo hiểm. Về các loại mũ thời trang, giá rẻ, được xem là giống mũ bảo hiểm, thực sự khuyến cáo các bạn trẻ không nên dùng; dù Thùy Lâm cũng là một người yêu thích thời trang và biết các bạn ưa chuộng loại mũ đó vì nó nhẹ, không làm hỏng kiểu tóc và có kiểu dáng hấp dẫn... Nhưng hãy nhớ rằng khi di chuyển trên đường thì sự an toàn là quan trọng nhất."

Vân Sam