- Hoà nhạc “Điều còn mãi!” nên được ghi nhận là chương trình nghệ thuật chính thống chào mừng Quốc khánh 2/9 hàng năm.


Chương trình hoà nhạc “Điều còn mãi!” được long trọng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn, không chiêu trò, không PR rầm rộ… Giữa cái thời khắc thiêng liêng của toàn thể dân tộc hướng về ngày Quốc khánh, buổi hoà nhạc “Điều còn mãi” được vang lên ngay tại Nhà hát Lớn thủ đô Hà Nội. Nói một cách ngắn gọn: Đó là một sản phẩm tử tế “hiếm hoi” trong thời điểm này, bởi nó được kết tinh từ những người nghệ sĩ tài năng, lao động nghệ thuật và làm nghề một cách nghiêm túc nhất!

Do ảnh hưởng quá lớn của kinh tế thị trường, một điểu rất dễ nhận thấy năm nay là giới showbiz không tận dụng sản xuất, tổ chức những chương trình ca nhạc theo kiểu "mì ăn liền" với cái mác "Chào mừng ngày quốc khánh…!". Sau những ồn ào của thế giới giải trí theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó” với những chương trình ca nhạc đại loại như thế chúng tôi cũng khá nghi ngờ về các chương trình được tổ chức vào dịp 2/9.

Qua một người bạn, thông tin buổi hoà nhạc "Điều còn mãi” đến với chúng tôi hơi muộn. Sau chuyến công tác về Hà nội lúc 1h chiều, cũng thật khó khăn và phải chấp nhận trả một cái giá khá đắt (để có được tấm thiệp mời từ dân phe vé) chúng tôi mới vào được bên trong nhà hát.

Đúng 14h, chương trình mở màn với giai điệu của bài Quốc ca do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi với sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Không khí thật trang nghiêm, đầy tự hào và hồi tưởng.

Đăng Dương và Duyên Huyền thể hiện thành công "Trường ca sông Lô".

Chương trình được kết cấu hai phần nối nhau. Phần khí nhạc và phần thanh nhạc đã dẫn dắt người nghe một cách tài tình. Âm nhạc đã lay động trái tim, khơi gợi trong mỗi chúng ta một tình yêu hướng về nguồn cội! Điều đó không phải chương trình nào cũng làm được!

Những tác phẩm gắn liền với những tên tuổi lớn, những nhạc sĩ trẻ tài năng như: Tiếng sáo Quê hương (Nhạc sĩ Văn Chung), Thăng Long (Nhạc sĩ Đỗ Kiên Cường), Ráng Chiều ( Hoàng Cương), Vàng Son (Việt Anh), hay Scherzo của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam lần lược được thể hiện một cách hoàn hảo nhất dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Từ cây sáo flute, bộ gõ, violon, hay màn độc tấu piano…. trong từng tác phẩm với những âm hưởng riêng đã tạo nên một không gian âm thanh mang sắc màu dung dị nhất!

Nếu nhìn một cách tổng quan, chương trình vẫn còn vài chi tiết nhỏ chưa được hoàn chỉnh so với tầm vĩ mô của buổi hoà nhạc. Nhưng trong phạm vi bài viết tôi xin phép không nhắc lại hay phân tích sâu những gì mà các nghệ sĩ đã trình diễn, đã cống hiến bởi sự đón nhận của công chúng đã quá rõ ràng và cần phải được tôn vinh.

Một lần nữa hoà nhạc “Điều còn mãi” đã cho ta thấy cái cái hồn trong từng tác phẩm, sự trường tồn với thời gian, đơn giản là những điều dung dị nhất, là vô giá cần phải giữ gìn và phát huy! Chất dân gian mộc mạc lắng đọng, biểu cảm gần gũi, chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc gắn liền với đời sống, lịch sử thăng trầm con người Việt. Điều này minh chứng một sự thật rằng các bậc “tiền bối” của âm nhạc nước nhà dù ở cương vị nào vẫn không thể quay lưng với cái hồn dân tộc như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói “ra đi là để quay về!”

Sự thăng hoa của phần khí nhạc, đã làm cho phần thanh nhạc lại càng được mong đợi hơn rất nhiều. Vẫn là những bài hát xưa cũ: "Quê hương anh bộ đội” (Xuân Oanh), “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng), “Hương Xưa” (Cung Tiến) lần lượt được thể hiện qua các giọng ca Mỹ Linh,  Thanh Lam, Hồng Nhung …. Mỗi người một vẻ, đẳng cấp và tươi mới!

Nguyên Thảo vụt sáng với "Tình ca" của Phạm Duy.

Nhưng riêng bản thân tôi, vì có một thông tin trước đó NSUT Thanh Lam sẽ hát ca khúc “Quê nhà” ( Trần Tiến) nhưng đã thay đổi, tôi vẫn mong đợi và tiếc! Bù lại khi hiện diện trước mắt là một Nguyên Thảo đầy bản lĩnh trong giọng hát, đậm chất “tình” như không thể “tình” hơn với Tình Ca (Nhạc sĩ Phạm Duy)…. Câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi….” hoà chung bao thế hệ. Khán phòng như lặng đi, quê hương Việt Nam như trải dài trong từng khoé mắt. Sự tinh khôi, đẹp đẽ nhất của người ca sĩ, sức lan toả như trào dâng mãnh liệt. Nguyên Thảo quá xuất sắc!

Không có gì phải bàn cãi khi nhạc sĩ Dương Thụ chọn Đăng Dương, Trọng Tấn nhưng có lẽ phải nói rằng bản thân ông và chương trình hoà nhạc “Điều còn mãi” đã có công giới thiệu một gương mặt mới, giọng ca opera Phạm Thị Duyên Huyền đến công chúng yêu nhạc trong một chương trình trang trọng đến vậy!

Chương trình đã khép lại trong sự tiếc nuối. Qua “Điều còn mãi”, chúng ta có thể tự tin một điều rằng: chúng ta có một kho tàng âm nhạc đồ sộ mà không cần phải “bới tìm”, quan trọng là những tác phẩm ấy cần được “đổi mới” theo sự phát triển mang tính thời đại. Điều này thì nhạc trưởng Lê Phi Phi và nhạc sĩ Dương Thụ đã làm được.

Bỏ qua những ồn ào, những nhận định mang tính cục bộ, một chiều… chúng ta có quyền tin tưởng và cũng không khó để tìm kiếm những tài năng thực thụ cho nền âm nhạc nước nhà. Có thể nói lúc này hơi sớm nhưng chúng ta có quyền mong đợi sự hội ngộ của “Điều còn mãi” với rất nhiều lý do: tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước của mọi thời đại, văn hoá chuẩn trong âm nhạc… Đó là giá trị thực như chính tên gọi của chương trình!

Hoà nhạc “Điều còn mãi!” rất cần sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan đơn vị, những nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc để ngày một hoàn thiện hơn trên mọi phương diện. Đó sẽ là một món quà ý nghĩa nhất trong đời sống văn hoá âm nhạc. Chúng ta nên ghi nhận đây là một chương trình nghệ thuật chính thống chào mừng Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 2/9/2012. “Điều còn mãi” được tài trợ bởi Ngân hàng thương mại thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (Nhà tài trợ Vàng), tập đoàn Vingroup (Nhà tài trợ Bạc), Tổng Công ty  cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (Nhà tài trợ Đồng) và công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ). Hoà nhạc “Điều còn mãi!” nên được ghi nhận là chương trình nghệ thuật chính thống chào mừng Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Thuần Việt
Ảnh: LAD