- Chưa năm nào mà tai biến sản khoa xảy ra nhiều, dồn dập như năm 2012. Đây là vấn đề nổi cộm của ngành y tế trong năm qua, dành nhiều sự quan tâm của dư luận.

Tai biến dồn dập

Vụ tai biến đầu tiên, “mở màn” cho chuỗi các tai biến liên tiếp xảy ra sau đó, là vụ tai biến tại Quảng Ngãi. Lúc 23h ngày 18/4, sản phụ Hương (23 tuổi, ở xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) vào BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chờ sinh vì có dấu hiệu chuyển dạ. 

Đến trưa ngày 19/4, chị có biểu khó thở, được chuyển vào phòng mổ đẻ. Tuy nhiên đến sáng hôm sau thì chị tử vong, bé trai chào đời đang trong tình trạng nguy kịch.

Gia đình bức xúc cho rằng bác sỹ tắc trách vì thấy sản phụ khó đẻ, gia đình đề nghị mổ nhưng bác sỹ không cho mổ với lời giải thích “vẫn đẻ thường được”.

Vụ thứ 2 xảy ra ngày 19/4. Sản phụ Mai Thị Lành, 39 tuổi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai và tử vong cả mẹ và con ngay sau khi sinh. Nguyên nhân được xác định là do bị thuyên tắc ối.

Đến ngày 20/4 thì đã có vụ tai biến thứ 5, xảy ra ở Bắc Ninh. Gia đình sản phụ Loan đã đưa cả quan tài đến bệnh viện đa khoa Kinh Bắc vì quá bức xúc.

Từ đó đến nay, liên tiếp một loạt những vụ tai biến sản khoa đã xảy ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh, cá biệt có ca xảy ra ở bệnh viện đầu ngành như bệnh viện Phụ sản Trung ương vào cuối tháng 9 vừa qua (trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Hằng).

Gần đây nhất, tai biến sản khoa xảy ra ở bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc. Vụ tai biến này đã khiến người mẹ tử vong.

Theo thống kê của ngành y tế, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 1.660 ca tai biến sản khoa, tăng 235 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có đến 60% tai biến sản khoa không được các địa phương báo cáo.

Quảng Ngãi: Điểm nóng

Trong bức tranh về tai biến sản khoa xảy ra trên phạm vi cả nước trong năm 2012 thì tỉnh Quảng Ngãi nổi lên như một điểm nóng. Chỉ tính riêng tại địa phương này, từ tháng 4 đến nay xảy ra 19 vụ tai biến sản khoa. 7 em bé sơ sinh và 3 sản phụ đã tử vong vì tai biến.

Người nhà sản phụ ở Quảng Ngãi đau đớn vì mất người thân (Ảnh: VietNamNet)

Trước thực tế đáng lo ngại này, vào ngày 18/12 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức, hội thảo "Tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi - thực trạng và giải pháp" nhằm đánh giá thực trạng tai biến sản khoa xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời tìm ra giải pháp hữu hiệu giảm tỉ lệ tử vong mẹ và con do tai biến sản khoa tại địa phương này. 

Tại hội thảo, Sở Y tế Quảng Ngãi các tai biến xảy ra trên địa bàn tỉnh đều nằm ngoài giờ hành chính. Thời gian này chỉ có kíp trực với số lượng bác sĩ và nữ hộ sinh ít, trong khi bệnh nhân đông quá tải.

Ngoài nguyên nhân do tai biến hiếm gặp dẫn đến tỷ lệ tử vong cao thì nguyên nhân khác nữa là do đội ngũ y bác sĩ khoa sản cũng như trang thiết bị còn thiếu và yếu.

Đặc biệt, trách nhiệm trong khám bệnh, theo dõi diễn biến và điều trị cho bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ chưa cao, góp phần khiến tai biến phát sinh.

Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế đã xem xét, xử lý 7 y, bác sĩ liên quan đến các vụ tai biến sản khoa từ đầu năm đến nay.

Điệp khúc “đúng quy trình, đủ trách nhiệm”

Sau mỗi vụ tai biến sản khoa xảy ra, cảnh tượng quen thuộc là cuộc giằng co căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện. Người nhà bệnh nhân bức xúc tột độ, còn bệnh viện cũng căng mình đối phó với những phản ứng tiêu cực này.

Lãnh đạo các bệnh viện – nơi để xảy ra tai biến sản khoa – cũng như các bác sỹ, y tá liên quan đều tiến hành các động thái cần thiết sau mỗi vụ tai biến, đó là họp, báo cáo, làm tường trình, gặp gỡ gia đình để giải thích, …

Nhưng kết luận cuối cùng cũng dần trở nên quen thuộc, khi mà hầu hết các báo cáo đều cho thấy bệnh viện không có sai sót chuyên môn, xử lý kịp thời, làm hết trách nhiệm. Có nhiều gia đình bệnh nhân sau một thời gian dài đấu tranh để đòi lại công bằng cho người đã mất buộc phải từ bỏ, bởi họ luôn ở thế “đuối lý” so với bệnh viện.

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng (Thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết tại Việt Nam, hệ thống thanh tra y tế chưa hoạt động độc lập và Việt Nam chưa có một hệ thống giám sát độc lập đủ sức trở thành đối trọng với ngành y tế (trên khía cạnh chuyên môn).

Do đó, trong các vụ kiện cáo, người bệnh thường không thể chứng minh lý lẽ của mình và họ đành phải chấp nhận rằng mình kém may mắn.

Chưa có cách tháo gỡ hiệu quả

Sau khi một loạt các ca tai biến xảy ra khiến dư luận lo lắng và đòi hỏi ở Bộ Y tế những động thái tích cực để thay đổi, một loạt các biện pháp chấn chỉnh chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sản phụ, trẻ sơ sinh được đưa ra nhưng chưa thể kiếm chứng hiệu quả trên thực tế.

Ông Nguyễn Duy Khê - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này là tăng cường chỉ đạo bác sĩ tuyến trên hỗ trợ giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn sản khoa cho đội ngũ y, bác sĩ ở các địa phương, …

Nhiều tai biến sản khoa khiến người dân hoang mang (Ảnh: VietNamNet)

Hiện nay, tình trạng thiếu và yếu về nhân lực, trang thiết bị ở các bệnh viện tuyến dưới đang là thực tế đáng lo ngại. Nhiều bệnh viện tuyến dưới không thể đỡ được các ca sinh non, bé nhẹ cân hoặc không xử lý được nếu sản phụ có nguy cơ gặp tai biến.

Theo ông Khê, hiện cán bộ chuyên môn sản khoa rất mỏng, trung bình ở bệnh viện huyện hiện nay có 5,5 bác sĩ sản nhi/bệnh viện, trong đó có 3,28 bác sĩ đa khoa, chuyên khoa sản chỉ có 1,52. Ngay ở tỉnh Nghệ An – địa phương khá “mạnh” của khu vực miền Trung, nhiều bệnh viện huyện chỉ có một bác sĩ sản khoa, tức không phải đêm nào cũng có bác sĩ sản khoa trực!

Cũng theo lời ông Khê, ngay ở TP.HCM, bệnh viện quận hẳn hoi mà bác sĩ chuyên khoa 2 về nội phải kiêm làm trưởng khoa sản!

Những sự kiện y tế - Sức khỏe đáng chú ý năm 2012:

Tăng viện phí:

Từ hôm nay đồng loạt áp viện phí mới
Từ ngày hôm nay (1/8), nhiều địa phương trên cả nước sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới trong thanh toán khám chữa bệnh.



 Bệnh do amip ăn não:

“Sẽ cảnh báo ở nơi có amip ăn não người”
"Người dân không nên tắm, bơi ở những bể bơi có nguồn nước chưa được xử lý, đối với những người phải làm việc, bơi ở những ao, hồ, suối cần hạn chế tối đa nước vào mũi và sau đó nên vệ sinh mũi sạch sẽ”
 
Bộ Y tế ra công văn khẩn về amip ăn não người
Hiện đã có 2 ca tử vong vì amip ăn não người. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các địa phương đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh.



Ca sinh tư hiếm gặp ở TP HCM:

Ca sinh 4 hiếm gặp của sản phụ 31 tuổi
Đã có 2 con, nay một lúc sinh thêm 4 cô con gái, bà mẹ 6 con 31 tuổi đứng trước nỗi lo miếng cơm manh áo.


Áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ:

Áo ngực Trung Quốc có chất gây ung thư?
Liên quan đến những túi dung dịch chứa hạt nhựa trong áo ngực xuất xứ từ Trung Quốc, Viện Hóa học (Viện Khoa học - Công nghệ) vừa công bố kết quả phân tích đối với các mẫu áo ngực này.

Cẩm Quyên