Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói: Vấn đề gỗ của ai đang chờ cơ quan điều tra. Chắc chắn là gỗ lậu nhưng rõ là của ai, nay mai sẽ tìm ra.

TIN LIÊN QUAN:

‘Trảm’ kiểm lâm

- Trong vụ tai nạn xe chở gỗ lậu của lực lượng kiểm lâm áp tải gây tai nạn thảm khốc trong đêm làm 18 người chết và bị thương trên dốc Pù Huột, ông có bình luận gì?

Trước hết tôi khẳng định đây là vụ vận chuyển gỗ lậu. Trong đó, có một số đối tượng và có cả cán bộ kiểm lâm tham gia vận chuyển. Sự việc xảy ra đã làm cho 10 người chết và 8 người bị thương. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp, Kiểm lâm kiểm điểm làm rõ vụ việc.

Hơn nữa, chúng tôi chỉ đạo Công an tỉnh nhanh chóng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, với tinh thần thật nghiêm minh. Để từ đó lập lại hoạt động trong ngành kiểm lâm.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

- Sự việc kiểm lâm trực tiếp bảo kê cho lâm tặc hoạt động công khai như trên các cung đường gỗ lậu mà cụ thể là đã có 4 cán bộ kiểm lâm đã bị bắt, ông có thấy lực lượng này đang có “vấn đề” không?

Theo tôi nghĩ thì những cán bộ kiểm lâm theo trên chuyến xe đó (xe gỗ lậu bị lật - PV) chắc chắn là có vấn đề, có những thông đồng với lâm tặc để vận chuyển gỗ lậu.

Cho nên đây là vấn đề không bình thường. Tôi cho rằng phải xử nghiêm khi điều tra đầy đủ và có cơ sở.

Tỉnh cũng chỉ đạo cho cơ quan điều tra quyết liệt, phải làm sớm đưa ra kết luận cuối cùng để xử lý.

- Không riêng gì địa bàn quản lý của lực lượng Kiểm lâm Pù Huống mà trên toàn tỉnh Nghệ An hiện nay tình trạng kiểm lâm ’có vấn đề’ không ít. Sắp tới, đội ngũ cán bộ kiểm lâm trên toàn tỉnh Nghệ An có cần được sàng lọc không?

Qua vụ việc này đặt ra một yêu cầu rất lớn đối với lực lượng kiểm lâm. Tôi đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nông thôn phải nhanh chóng phản ánh hiện trạng đang diễn ra. Đề xuất cách quản lý sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Hơn nữa phải cũng cố lại hệ thống tổ chức kiểm lâm ở cơ sở. Đặc biệt là ở các hạt kiểm lâm các huyện và các hạt trong các khu vườn, khu bảo tồn. Từ đó, để làm sao bảo vệ được nguồn rừng một cách tốt nhất.

Bởi, trong thời gian qua, việc bảo vệ này chưa đạt hiệu quả. Vẫn đang còn hiện tượng kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc. Cụ thể là việc vừa rồi rất nguy hiểm.

- Đến nay, cơ quan công an đã xác định chủ gỗ đứng đằng sau kiểm lâm là ai chưa?

Vấn đề này đang chờ cơ quan điều tra. Chắc chắn là gỗ lậu nhưng rõ là của ai, nay mai sẽ tìm ra.

- Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An khai thác bao nhiêu diện tích rừng và bao nhiêu khối gỗ “hợp pháp”?

Những chỗ mà có kế hoạch, có quyết định cho phép khai thác thì có. Còn chỗ lâm tặc đang hoạt động hoặc có trường hợp kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc thì chưa kiểm soát được. Và, chính từ đây đã mất rất nhiều gỗ, chúng ta cần nhanh chóng chấn chỉnh quản lý tốt hơn trong thời gian tới.

Anh Kha Văn Tám (SN 1977) là người đầu tiên đến hiện trường vụ tai nạn thảm khốc và một trong những nhân chứng nói với VietNamNet có kiểm lâm ngồi trên xe gỗ bị lật. Ảnh: Quốc Huy

Đổ dồn hết trách nhiệm

- Theo như Chi cục trưởng kiểm lâm Nghệ An và Giám đốc Sở nông nghiệp nói thì hiện nay biết gỗ lậu có mặt khắp các huyện miền Tây Nghệ An, rất nhiều trong nhà dân. Nhưng đến nay, vẫn chưa có biện pháp mạnh nào để xử lý thật nghiêm tình trạng lâm tặc phá rừng. Theo ông có cần phải phối hợp với các lực lượng khác để truy quét lâm tặc không?

Chúng ta đã có lập ban giải quyết vấn đề cấp bách về rừng, trong đó có lực lượng liên quân để xử lý vấn đề này. Nhưng đến thời điểm hiện nay chưa có biện pháp thật mạnh để giải quyết việc này một cách hiệu quả.

Cho nên, đến giờ phút này, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là gỗ không có nguồn gốc đang ở trong dân rất nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng, công tác vận động quản lý của kiểm lâm chưa tốt.

Sau vụ tai nạn thì càng phải chấn chỉnh hơn nữa, trong thời gian sắp tới sẽ xử lý đến nơi đến chốn. Còn số lượng gỗ bao nhiêu thì chưa tính được.

Mỗi năm hàng ngàn cây gỗ trên địa bàn khu vực miền Tây Nghệ An bị chặ hạ, máu rừng vẫn chảy dưới sự tiếp tay của kiêm lâm và lâm tặc. Ảnh: Quốc Huy.

- Dư luận đang xôn xao rằng, vụ việc vận chuyển xe gỗ có sự tiếp tay trực tiếp của cán bộ kiểm lâm như trên là có sự “bao che”, đứng đàng sau là một quan chức cấp tỉnh. Ông đánh giá như thế nào?

Trước hết là do kiểm lâm có sự thông đồng với lâm tặc để vận chuyển. Còn kết quả phải chờ đến cơ quan điều tra của công an tỉnh.
 
- Người dân chặt gỗ nói rằng: “Nếu chặt một cây gỗ xuống, đem đi bán thì cả nhà chúng tôi sống thêm được hơn 1 tuần. Nhưng ngăn chặn mà không cho vào rừng chặt cây gỗ thì cả nhà sẽ chết… đói ngay”. Ông bình luận như thế nào về thực tế này ở Nghệ An?

Câu nói đó có phần đúng. Nhưng đó chỉ là sự biện bạch làm việc xấu mà xã hội đang lên án. Đằng sau đó làm sao mình biết được, nghe câu nói mà bình luận là đúng thì việc này cần phải thận trọng và xem xét.

Quan trọng là cơ quan chức năng được phân công xử lý, nhiệm vụ gì, ở đâu. Sẽ làm tốt việc quản lý để ngăn chặn việc trên. Chặt lậu thì không ai cho, khai thác rừng thì phải có kế hoạch của Nhà nước. Câu nói trên là biện minh cho việc tàn phá rừng.

- Qua vụ lật xe gỗ “lòi” ra kiểm lâm. UBND tỉnh Nghệ An đã tự thấy trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài nguyên rừng cũng như con người có còn quá buông lỏng không?


Tôi cho rằng công tác quản lý của Kiểm lâm Nghệ An trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng so với yêu cầu thì cần phải nhanh chóng chấn chỉnh, lập lại trật tự hoạt động.

Xin cảm ơn ông!


Quốc Huy (thực hiện)