- Trong khi Bộ Y tế khẳng định chất được phát hiện là dùng để tạo nạc cho heo (gồm Salbutamol, Clenbuterol) được dùng để chữa bệnh cho người thì Bộ NN&PTNT lại cho biết chất này bị cấm dùng trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

TIN BÀI KHÁC


Theo Bộ NN&PTNT thì hai Bộ cần phải thống nhất về văn bản quản lý để tránh tình trạng “bên cấm bên cho”. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cho biết nếu chất này được dùng để chữa bệnh trên người thì Bộ này đề nghị Bộ Y tế cần quản lý thật chặt việc nhập khẩu và sử dụng.

Bên cấm, bên cho

Tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol và Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc (Ảnh: VietNamNet)
Trong khi đó, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định: Thuốc Salbutamol được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

Trong sản khoa thuốc này được sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra ở tuần thứ 24-33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi. Còn Clenbuterol là thuốc được sử dụng như một chất giãn phế quản trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị hen và sử dụng ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sĩ. Nếu tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của thầy thuốc thì sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân.

Để thêm phần thuyết phục, Cục Quản lý Dược cho biết trong danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 17 do Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 2011, Salbutamol vẫn có mặt để điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Như vậy, theo Cục Quản lý Dược, trong ngành y tế Salbutamol và Clenbuterol là thuốc, việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản pháp luật về lĩnh vực dược như Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quyết định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược.

Cần thống nhất về văn bản quản lý

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về lâu dài cần rà soát lại văn bản pháp quy và chế tài xử lý. Hiện nay Bộ Nông nghiệp thì cấm hoàn toàn nhưng Bộ Y tế thì vẫn cho sử dụng trên người. Vì thế cần thống nhất về văn bản quản lý”.

Thông tin thịt lợn chứa chất cấm khiến người tiêu dùng hoang mang, người chăn nuôi gặp khó khăn vì thịt không tiêu thụ được (Ảnh: Internet)

Trước những thông tin này, Cục Quản lý dược cho biết, không phải chỉ riêng y tế Việt Nam cho sử dụng chất này để chữa bệnh trên người mà trên thế giới, một số nước vẫn sử dụng chất này để điều trị bệnh đường hô hấp. Cục này khẳng định đã và đang quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sản xuất các chất trên chứ không để mua bán tự do trên thị trường.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng Bộ NN&PTNT không đề nghị Bộ Y tế cấm sử dụng chất này trong điều trị bệnh trên người mà chỉ đề nghị Bộ Y tế quản chặt, tránh việc chuyển mục đích sử dụng từ y tế sang chăn nuôi gây hậu quả khó lường.

Theo ông Dương, Bộ NN&PTNT sẽ cho tổng kiểm tra toàn bộ thức ăn chăn nuôi bổ sung, cơ sở bán thuốc thú y bởi đây là những nơi có thể lợi dụng để bán chất cấm tạo nạc cho gia súc gia cầm. Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục lấy thêm mẫu để phân tích.

Sau khi kiểm tra toàn bộ thức ăn chăn nuôi bổ sung và các cơ sở bán thuốc thú y, Căn nuôi sẽ cho tổng kiểm tra toàn bộ nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu để xem có chứa các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm hay không. Dự kiến, việc kiểm tra này sẽ được tiến hành trong quý 2/2012.

Chất tạo nạc lan rộng ra nhiều tỉnh, thành
Đầu tiên thịt lợn chứa chất tạo nạc được phát hiện ở Đồng Nai nhưng hiện nay một số tỉnh phía Bắc cũng đã phát hiện thực phẩm chứa chất này. Cục chăn nuôi đã lấy mẫu ở 15 tỉnh từ Bắc Giang đến Quảng Nam và phát hiện có 3/136 mẫu dương tính. Tuy tỷ lệ thấp nhưng Cục chăn nuôi vẫn đề nghị truy xuất nguồn gốc để điều tra. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã phát hiện thêm một số địa phương tiêu thụ thức ăn gia súc chứa chất cấm (như Long An, TP HCM, …). Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nguồn gốc xuất xứ cũng như đường dây hoạt động của những đối tượng buôn bán, phân phối sản phẩm này.


N.Anh