- Hàng trăm tàu hút cát lớn nhỏ nổ máy suốt ngày đêm, hàng chục bến, điểm tập cát sỏi chất đống hai bên bờ; chưa bao giờ con sông Cả (hay còn gọi là sông Lam - Nghệ An) lại bị “giày xéo”, cưỡng bức một cách ồ ạt và thô bạo đến thế.

Tàu, bến cát mọc như nấm

PV. VietNamNet đã có chuyến di chuyển ngược sông Cả, xuất phát từ TP. Vinh qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương đến huyện Anh Sơn, để tận mắt chứng kiến những “điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép” trên con sông vốn rất đẹp này.

Theo ghi nhận, hầu như khúc sông nào cũng có mặt các thuyền hút cát. Đủ loại thuyền lớn nhỏ, trong đó phần lớn là những thuyền “cỡ bự” có thể chở được trên 50m3 cát.


Tại khu vực cầu Yên Xuân (Nam Đàn), nơi hiện tượng sạt lở xảy ra nghiêm trọng vẫn có nhiều tàu hút cát hoạt động.

“Nhộn nhịp” nhất là ở các đoạn sông chảy qua địa bàn 3 huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn và Thanh Chương. Chỉ cần đứng trên cầu Nam Đàn độ 30 phút cũng có thể đếm được hàng chục thuyền bự đầy cát từ khu vực xã Nam Thượng giáp ranh huyện Thanh Chương “tấp nập” chạy về.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn, một trong những điểm “nóng” nhất về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, đội quân “cát tặc” đã dàn trải khắp mọi khúc sông, tuy nhiên tập trung nhất vẫn là ở các xã Vân Diên, Nam Thượng, Nam Tân, Khánh Sơn, Nam Trung , Nam Cường.

Ông Nguyễn Hồ Tiến, Phó phòng TNMT huyện Nam Đàn cho biết, huyện này có 70 thuyền hút cát lớn nhỏ. “Trên địa bàn mới chỉ có một đơn vị được cấp phép khai thác thăm dò, số tàu thuyền trên sông là của tư nhân, phần lớn là những hộ dân nghèo quanh năm sống bằng nghề cát” – ông Tiến cho biết.

Theo số liệu tại Phòng CSGT đường thủy, CA tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có tới hơn 200 thuyền hút cát. Đa số các thuyền đều không đăng ký nên rất khó kiểm tra, quản lý.


“Đội tàu” hoạt động khu vực gần cầu Nam Đàn

Bên cạnh sự xuất hiện ồ ạt của các tàu thuyền hút cát, thời gian qua dọc tuyến sông Cả, các bến tập trung cát sỏi cũng mọc lên như nấm. Đa số các bến này đều tập trung dưới chân những cây cầu, như tại cầu Yên Xuân (Nam Cường, Nam Đàn), cầu Nam Đàn (thị trấn Nam Đàn), và khu vực gần cầu Bến Thủy (TP. Vinh).

Khảo sát tại huyện Nam Đàn, địa bàn chỉ với khoảng 30km đường sông nhưng đã có đến 17 điểm tập kết cát sạn, riêng thị trấn Nam Đàn đã có đến 8 bến cát. Điều đáng nói, trong tổng số 17 bến, điểm tập kết, chỉ có 1 bến có Giấy phép mở bến (Dũng Nhi, Nam Giang) còn lại đều chưa có giấy tờ cấp phép hợp lệ.

Tại các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên tình hình cũng diễn ra tương tự khi lượng tàu thuyền, bến cát xuất hiện hàng loạt, hoạt động trái phép.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Toản, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TNMT tỉnh Nghệ An, trong năm 2012 tỉnh không cấp phép khai thác cát sỏi thêm cho bất kỳ đơn vị, cá nhân nào.

“Luồng lạch sông Cả thay đổi liên tục !”

Đó là thông tin do ông Trần Ngọc Hiếu, cán bộ kỹ thuật phụ trách mảng đường thủy – Công ty CP Quản lý, Xây dựng giao thông Thủy bộ Nghệ An – cung cấp.


“Đua thuyền” trên sông Cả

Ông Hiếu cho biết, dòng chảy của sông Cả hiện nay đã khác vài năm trước, và thay đổi liên tục. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc xây dựng nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản kim loại đầu nguồn, và khai thác cát sỏi.

Việc khai thác cát sỏi ngày càng ồ ạt đang là nguyên nhân quan trọng khiến luồng lạch khu vực hạ lưu biến đổi từng ngày” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Hiếu cho biết thêm, mặc dù đơn vị đã tổ chức cắm biển phân luồng, biển cấm tại các khu vực theo quy định nhưng các tàu thuyền vẫn tổ chức khai thác trái phép.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật cho người dân tại các “điểm nóng” nhưng hiệu quả vẫn chưa được như ý muốn" - ông Hiếu nói.

"Các đoàn kiểm tra liên ngành và lực lượng chức năng cũng thường niên tổ chức kiểm tra xử lý nhưng chỉ được một lúc là đâu lại vào đấy. Nói thật, với tình hình như hiện tại, việc quản lý hoạt động khai thác cát sỏi là vô cùng khó khăn” – vẫn lời ông Trần Ngọc Hiếu.

Một khi luồng nước sông Cả thay đổi, những hậu quả để lại là khôn lường…

Cao Nam – Duy Tuấn

(Còn nữa)