- Cuộc sống đang êm ả thì mỗi lần về thăm nhà đều không gặp vợ, mà chỉ thấy con trai ốm đau nheo nhóc. Hỏi bà ngoại vợ con đâu thì bà bảo nó toàn đi chơi bời cờ bạc nói không nghe.

TIN BÀI KHÁC:

Kính thưa Ban bạn đọc, tên tôi là Bùi Đức Mân ở huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Hiện nay, tôi đã 52 tuổi, lấy vợ được 21 năm, có hai con, một trai, một gái. Con lớn đang học đại học năm hai, cháu gái học lớp 9. Tôi rất đau khổ và uất hận vì lòng nhân đức và vị tha của tôi đã đặt nhầm chỗ. Tôi cưới vợ năm 1991, lúc đó cô ấy mới 18 tuổi. Năm 1992 chúng tôi sinh cháu đầu lòng. Lúc này tôi là sĩ quan quân đội, chưa có nhà riêng nên phải ở nhờ nhà mẹ vợ. Được hai năm thì tôi phải mua lại ngôi nhà của bố mẹ vợ. Lúc này thì tôi phải chuyển công tác ra đảo, vợ tôi ở nhà nuôi con và làm nghề may quần áo.

Cuộc sống đang êm ả thì mỗi lần về thăm nhà đều không gặp vợ, mà chỉ thấy con trai ốm đau nheo nhóc. Hỏi bà ngoại vợ con đâu thì bà bảo nó toàn đi chơi bời cờ bạc nói không nghe. Thế là tôi quyết định đưa vợ ra đảo sinh sống. Tôi thuê nhà, vay vốn cho vợ mở quán bán hàng trả nợ ngân hàng. Được hơn năm làm ăn rất tốt, tôi đang tin tưởng vợ sẽ tu chí làm ăn nhưng sét đánh ngang tai, nghe mọi người nói vợ tôi lại chơi bài thua nhiều tiền, phải trừ dần tiền hàng. Tôi rất giận định bỏ vợ nhưng thương con quá sợ ra toà sẽ giao con cho cô ấy thì con mình sẽ khổ và hỏng đời.

Ảnh minh họa
Thương con, thương ông bà và không muốn đảo lộn cuộc sống, tôi lại thôi cố động viên vợ tu chí làm ăn nhưng chứng nào tật ấy. Cô ấy lại chơi và lại thua hết. Vì tương lai danh dự cá nhân, tôi đã lại bán tiếp 03 cái nhà mà mình gây dựng để trả nợ, để con cái có bố mẹ. Nhưng đến đợt này thì nghiêm trọng quá rồi. Cô ấy vẫn lao vào cờ bạc, nói dối chồng, dối cơ quan để đem người vào nhà chơi bạc. Cô ấy lừa dối tôi nhiều lần, dùng con cái làm áp lực để không cho tôi bỏ vợ. Nhưng không quá tam tám bận mất nhà, mất đất cứu vợ, giữ hạnh phúc gia đình nhưng cô ấy cố tình phá bỏ. Không còn tình yêu và lòng tôn trọng tôi thì tôi còn níu giữ làm gì?

Tôi đã nộp đơn ra toà, đã nộp án phí. Nhưng theo tôi, cô ấy rất ranh ma, cô ấy doạ làm mất danh dự cán bộ của tôi, cô ấy bảo chưa đến mức phải li dị.

Vậy xin hỏi các luật sư: Việc tôi bỏ vợ lúc này có hợp đạo lý không?

Tôi yêu cầu cô ấy ký vào phần tự thoả thuậu phân chia tài sản, công nợ, nhưng cô ấy không ký thì giải quyết sao? Trong khi nếu không bán nhà trả nợ thì không có tiền. Cô ấy xin tôi bình tâm vì hai con, nhưng tôi không chấp nhận sự lừa dối vô trách nhiệm của cô ấy, tôi quyết tâm li dị.

Vậy xin hỏi các luật sự, tôi sẽ phải làm gì để được li hôn, cô ấy chấp nhận chia tài sản? (Bạn đọc Bùi Mân).

Luật sư tư vấn:

Pháp luật Việt Nam không có văn bản nào cấm việc bạn đơn phương xin ly hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 tại điều 85 còn ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, chỉ loại trừ duy nhất một trường hợp đó là: khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Để ly hôn, bạn cần làm đơn theo mẫu và gửi về Tòa án nơi vợ chồng bạn đang sinh sống. Tòa án sẽ xem xét tình trạng hôn nhân và yêu cầu của vợ chồng bạn, nếu đủ căn cứ quy định tại điểu 89 luật HNGĐ thì sẽ quyết định cho ly hôn.
“Điều 89. Căn cứ cho ly hôn
1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.”

Về vấn đề chia tài sản khi ly hôn, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì trong đơn ly hôn, bạn cần ghi rõ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì và đề nghị Tòa án giải quyết việc chia tài sản theo luật. Nguyên tắc chia tài sản trong luật HNGĐ năm 2000 như sau:

“Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.”

* Về lệ phí xin ly hôn như sau:
Nếu không tranh chấp về tài sản: 200.000 đồng
Nếu có tranh chấp về tài sản: 200.000 đồng + án phí dân sự về tranh chấp tài sản (từ 2- 4% giá trị tài sản tranh chấp).

* Về Hồ sơ xin ly hôn:
- Đơn xin ly hôn theo mẫu;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- CMND + Hộ khẩu của bạn (bản sao chứng thực);
- CMND + Hộ khẩu vợ bạn (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con chung (bản sao chứng thực);
- Bản sao chứng thực Giấy tờ về tài sản có tranh chấp (nếu có).

Tư vấn bởi Công ty Luật Huy Quang. Địa chỉ: 165 khu giãn dân Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội. ĐT: 04.2261.6666

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).