- Bài “Hà Nội 10 năm tới: Đi lại, kiếm việc làm ra sao?” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Không thể tập trung nguồn lực quốc gia cho một thành phố

Theo email dinhvinhcic@yahoo.com.vn thì: “Bài báo rất hay với những thông tin có tính khoa học. Nhưng theo những gì mà mình thấy được hiện nay thì vấn đề này không được tập trung nhiều lắm. Cứ để các nhà khoa học phản biện. Mục tiêu có vẻ dễ thấy hiện nay là cần tiền cho nền kinh tế, còn tiêu như thế nào, tiêu vào đâu, lúc nào thì chỉ có Chính phủ mới biết.”

Email hoangdongepu@gmail.com nhận xét: “Với số lượng người ở Hà Nội bây giờ vào giờ cao điểm đi bộ cũng… tắc, đừng nói đến đi xe! Xe là nhu cầu làm ăn sinh hoạt, thế mà lại đặt ra phí đường để giảm xe? Tôi cũng đến chịu Bộ GTVT, chỉ làm khổ dân thôi! Chỉ có cách chuyển các trường đại học ra ngoài thành phố hoặc mở các cơ sở ở tỉnh khác kéo giãn dân ra thì Hà Nội mới thông thoáng được!

Ảnh minh họa
Ý kiến của email tranmanhcuong82@gmail.com: “Chúng tôi ở miền núi đóng phí để các vị xây dựng Thủ đô à? Để rồi con em chúng tôi học xong lại không chịu về quê? Rồi chúng tôi lại bán đất đai nhà cửa gồng gánh nhau ra Thủ đô. Cố mua hoặc thuê nhà cho con rồi ở với con? Như thế thì Hà Nội làm sao mà không đông dân hơn, mà không nhiều xe cá nhân hơn? Theo tôi, cách tốt nhất để các thành phố lớn không tắc đường là phát triển nông thôn thật tốt!”

Email dantri@yahoo.com dẫn ý kiến PGS.TS.Vũ Thị Vinh cho rằng: “Không thể dốc hết dự trữ ngoại tệ cả quốc gia chỉ để làm đường cho một thành phố’ - Đề xuất của sở GTVT Hà Nội đầu tư cho giao thông giai đoạn 2011-2015 tới 13 tỷ USD là rất lớn và khó có thể hoàn thành.

Nên chuyển trụ sở cơ quan tập đoàn và nhiều cơ sở khác đến các tỉnh. Nếu chỉ ra lân cận Hà Nội như hiện nay, lưu lượng di chuyển ra vào trung tâm sẽ tăng lên vì đa số vẫn chấp nhận ở lại trung tâm, đi làm ở vùng ven. Cứ loay hoay hoài thì có khác nào ‘con kiến leo cành đa’ thôi.

Tại sao trụ sở Tập đoàn than và khoáng sản không nằm Quảng Ninh mà ở Hà Nội?”

Đề nghị của email thanhtam62@seznam.cz: “Hỡi các ngài, hãy qui hoạch lại các đô thị lớn đi! Hãy di dời các bệnh viện lớn, các trường đại học, các nhà máy và một số công sở ra ngoại thành, chỉ để lại các trường mầm non, tiểu học và một số cơ quan hành chính ở lại nội thành thôi! Tôi thấy giao thông ở các đô thị lớn của ta, nhất là Hà Nội bây giờ sao mà giống như…xơ vữa động mạch!”

Tán đồng ý kiến trên, email tamtons@gmail.com viết: “Theo tôi, nhanh chóng di dời bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, các trụ sở công ty, tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp ra các vành đai 4 và khu đô thị vệ tinh! Sẽ mất khoảng 5 năm là ok! Lấy tiền ở đâu? Ở phí giao thông hợp lý, ở ngân sách và của chính nguồn thu của các đơn vị đó! Hãy làm thật tiết kiệm và hiệu quả vì sự nghiệp phát triển đất nước! Hãy hành động càng sớm càng tốt!”

Đây là cảnh báo của email nqthang2212@gmail.com: “Đi trước đón đầu thì phải đủ năng lực để vận hành và quản lý nó! Cẩn thận kẻo quy hoạch hoành tráng, đô thị vệ tinh thành khu đô thị ‘ma’ chỉ phục vụ cho một nhóm người đủ tiền mua, đường xá vùng ngoài vành đai 3 tuyệt đẹp nhưng chỉ phục vụ vài ba cái xe phục vụ nông nghiệp và lớp choai choai phóng xe máy bạt mạng, không thèm đội mũ bảo hiểm! Đến 2030, khi các khu đô thị vệ tinh có người ở thì đường đã… xuống cấp nghiêm trọng rồi.

Sân bay gần như nhiều tỉnh cùng đòi xây dựng thì phục vụ ai? Tiền đầu tư vào đó rất lớn có phải nhặt được hoặc từ trên trời rơi xuống đâu? Sau này con cháu chúng ta nai lưng ra trả nợ nước ngoài. Thuế thì toàn dân có nghĩa vụ nộp vào NSNN, nhưng nếu chi dùng kiểu này thì làm sao giữ được lòng tin của dân đây?”

Ý kiến của email hungvuong@gmail.com cũng tương tự: “Đúng như tác giả đã nêu, đi trên đại lộ Thăng Long đường thì rộng mà xe đi lại thì ít, tôi thấy làm con đường này trong giai đoạn hiện nay là lãng phí. Đề nghị Chính Phủ nên hạn chế xây dựng các tuyến đường không cần thiết mà hết sức tốn kém trong giai đoạn này.”

Tham khảo mô hình của các nước văn minh

Email levubinh@gmail.com viết: “Tôi đang ở Mỹ. Ở đây, người ta sống ở các đô thị vệ tinh, còn gọi là suburb, làm việc trong nội đô, downtown.

Tôi thấy Hà Nội không nên sao chép mô hình này vì nó đòi hỏi mạng lưới đường cao tốc có quy hoạch rõ ràng. Thế nên dân họ mới sống xa nội ô vậy, vì đường cao tốc đi được cỡ 100 km/h. Tôi chỉ lái xe đi làm cỡ nửa tiếng mà tính ra khoảng cách cỡ 40 cây số.
Hà Nội không có đường cao tốc, không nên theo mô hình này. Mặt khác, mô hình này cũng là lạc hậu vì tiêu dùng rất nhiều năng lượng. Bạn tôi làm urban planners (quy hoạch đô thị) cũng hay nói chuyện này. Có lẽ nên học tập mô hình của Tokyo hay châu Âu, xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm thật hiệu quả. Tokyo tôi sang rồi cũng thấy ít xe buýt nhưng có đủ các loại tàu điện, nổi cũng có, chìm cũng có. Thậm chí đi từ sân bay vào nội ô có cả tàu cao tốc và tàu thường. Mô hình này hợp với Hà Nội hơn.”

Còn email fannyphan@yahoo.de cho biết: “Chúng tôi đang sống và làm việc tại nức Đức. Nếu như nước Đức không có một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, qui củ, thì có thể mỗi người cũng sẵn sàng mua 1 cái ô tô, vì ô tô ở đây rất rẻ so với thu nhập. Như vậy thì những con đường trên toàn lãnh thổ này chỉ để xếp ô tô cũng không xuể. Thế nhưng nhiều người đã chọn phương tiện giao thông công công, vì rất thoải mái, đúng giờ, tiện lợi. Mùa hè tới họ lại đi bằng xe đạp và đi bộ. Người đi bộ và xe đạp được ưu tiên đường riêng. Tôi nghĩ đây cũng là đáp án đúng cho việc cải thiện tình trạng giao thông lộn xộn ở Việt Nam hiện nay.”

Ý kiến của email m0djn@gmail.com: “Tôi mạn phép đưa ra ý kiến chủ quan về định hướng phát triển bền vững. Đó là phát triển phải gắn liền với sản xuất vật chất. Khi sản xuất vật chất là đầu tàu thì kết hợp với qui hoạch vùng sản xuất sẽ tạo ra được vùng dân cư. Mà việc tổ chức, xây dựng khu sản xuất theo tôi nghìn phần dễ hơn việc lấy đất đang ở đi xây chung cư rồi chả biết bán cho ai và cũng chả biết họ ở đấy thì làm gì?”

Theo email lehoang@gmail.com thì: “Cách tốt nhất để làm giảm tải giao thông Hà Nội là: Một không cần phải làm nhiều đường to mà nên làm đường theo kiểu ô bàn cờ. Hai là nên quyết tâm kéo các trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố. Ba là nên đầu tư các bệnh viện ở tuyến huyện được tốt hơn. Giảm tải các bệnh viện lớn trong thành phố hoặc xây dựng các chi nhánh ở vùng ngoài khu vực trung tâm. Chứ các bác cứ nghĩ thu phí hạn chế phương tiện sẽ giảm tắc đường thì chỉ chết người dân. Bởi vì dân càng có phương tiện tốt di chuyển nhiều thì sẽ càng làm ra nhiều của cải.”

Đồng ý với tác giả bài báo, email oanhco@gmail.com cho rằng: “Trong 10 năm tới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoành tráng như thế cho Hà Nội và các đô thị vệ tinh là điều không khả thi. Khi mà hiện nay dân còn phải đóng phí đủ kiểu chỉ để bảo trì bảo dưỡng đường bộ. Thì lấy đâu ra trí và lực để triển khai.

Chi bằng phát triển nâng tầm nông thôn để người dân có thể có việc làm tốt tại quê hương mình, có khả năng học tập tốt tại địa phương mình. Thế mạnh của mỗi tỉnh là gì thì tập trung làm tốt. Hà Nội chỉ nên là một trung tâm hành chính chính trị, nhường vai trò trung tâm kinh tế lại cho các địa phương. Đừng chỉ lo chăm chăm phát triển cho Hà Nội.”

Bạn Lê Văn Sáu (email vnpt_vnpt2@yahoo.com) lại khác: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương phát triển các đô thị vệ tinh. Chúng ta không thể trong chục năm có thể phá dỡ, đào bới, giải phóng mặt bằng hàng trăm ngàn hộ dân nội thành, mất hàng vài chục tỷ USD để giao thông nội thành cải thiện được thay vì thế, hãy chi chỉ một phần số tiền trên cũng đủ để đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 các đô thị vệ tinh, di chuyển một số bệnh viện, trường học…ra khỏi nội đô đồng thời xây dựng được thêm các cơ sở mới. Hãy chuyển và phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục…cần nhiều đất, nhân lực và tương đối độc lập ra khỏi nội đô đến những vùng đô thị vệ tinh tương đối đông dân và thuận tiện. Như thế vừa phát triển được các đô thị vệ tinh, vừa giảm sức ép giao thông nội đô và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước với chi phí hợp lý.”

Ban Bạn đọc