- Sau khi đọc các bài “Sách lược mới của đề án tái cơ cấu kinh tế”, “Tái cơ cấu kinh tế: Chi phí ở đâu ra?” , nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Trước hết cần tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)

Với giọng băn khoăn, email vuvanthanh688@yahoo.com viết: “Bao chục năm rồi chúng ta đưa chính sách chủ trương, kế hoạch thì hay lắm, to tát lắm, nhưng nền kinh tế của ta vẫn ậm ạch, phân hóa giàu nghèo càng ngày càng rõ rệt, một bộ phận (công chức, đại gia, công tử…) trong xã hội suy đồi là vì sao?”

Email nghiencuu@gmail.com sốt sắng: “Cần thiết lắm rồi!.”

Ảnh minh họa
Quan điểm của email thanhln.kbnd@gmail.com gọn và rõ: “Đổi mới cơ chế quản lý, rút gọn đầu mối quản lý, đánh giá hiệu quả và chịu trách nhiệm bản thân về quyết định của mình.”

Cụ thể hóa hơn, email huynguyen.pme@gmail.com viết: “Để thực hiện Đề án tái cấu trúc nền kinh tế của nhà nước, cơ quan công quyền của nhà nước cần đi theo những qui luật của nền kinh tế thị trường; XD và quản lý nền kinh tế trong sạch, công bằng giữa các thành phần trong nền kinh tế là đủ. Phần còn lại do DN thuộc các thành phần kinh tế + Người dân trong môi trường kinh doanh đó.

Không nên tạo các mục tiêu… to tướng làm gì.”

Theo email tohe_tnk@yahoo.com thì: “Thiết nghĩ nên xem xét nguồn lực của Việt Nam trên cả phương diện nội lực, con người, địa kinh tế để tập trung vào những vấn đề phát triển thiết thực hơn, thực sự phù hợp.”

Email dohoa@imevietnam.com cho rằng: “Đề án tái cơ cấu phải thể hiện yếu tố chiến lược cạnh tranh quốc gia. Do vậy cần xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc tế.

Chúng ta không nên chỉ đặt ra các con số mục tiêu dựa trên những mong muốn chủ quan mà phải định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới, với một tầm nhìn dài hạn, dựa trên những phân tích chiến lược, những dự báo xu hướng từ các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn, và chiến lược của các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam, so sánh với họ trên từng chỉ tiêu quan trọng.”
Ý kiến của email tamtons@gmail.com: “Phân bổ lại nguồn lực quốc gia vào các lĩnh vực ưu tiên! Tôi đồng ý! Nguồn lực này là: Vốn (vốn vay ODA khoảng 50%GDP rồi), đất đai, ưu đãi thuế, phí, đào tạo nhân lực.. ! Mục tiêu của việc tái cấu trúc: Hiệu quả cao và tăng trưởng bền vững của quốc gia!

Nhưng theo bài viết của tác giả Khánh Huyền đăng trên tờ báo An ninh Thủ đô ngày 27/11/2011, xin trích dẫn:

’Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA. Nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN chỉ đóng góp khoảng 37%-38% GDP.

Có đến 31% số DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.’

Vậy theo tôi, cái cần ‘tái’ trước hết là tái cơ cấu DNNN. Làm nhanh, làm mạnh giải quyết vấn đề quan hệ sở hữu trong DNNN như: CPH, bán đứt, cho phá sản… các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ! Không làm nhanh là vài năm nữa nền kinh tế không còn gì để mà ‘tái’, mà phân bổ đâu!”
Ý kiến một bạn khác phụ họa: “Không tái cơ cấu kinh tế thì chi phí còn cao hơn gấp vạn lần. Duy trì thể chế kinh tế hiện nay thì DNNN sẽ ‘đốt’ hết dự trữ ngoại tệ quốc gia và vay thêm nợ nước ngoài.”

Lo ngại của email tainanshan@yahoo.com.tw: “Vấn đề là ai thực hiện chiến lược này? Doanh nghiệp nhà nước không nhảy vào, tư nhân cũng thờ ơ với nền sản xuất hàng hóa (chỉ chạy theo bất động sản, tài chính hoặc gia công dệt may, giày da...), doanh nghiệp FDI là của nước ngoài nên linh kiện, vật liệu, nhiên liệu ...lại đi nhập khẩu của nước họ hoặc nhập ở những công ty nước họ nhảy vào VN chế tạo phụ trợ cho họ, các nhà sản xuất VN không thể nhảy vào hệ thống chuỗi cung ứng phụ trợ...Một vòng luẩn quẩn đi đến những cái ‘chết’ biết trước:Vitek VTB, Hanel, xe máy Sunfat, lisohaka...

Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển lành mạnh.

Email td_thanhthuy@yahoo.com.vn phân tích: “Tái cấu trúc nền kinh tế có thể nói trên rất nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, nhưng phải có một cái trục định hướng. Theo tôi cái trục đó là: Kiên quyết cắt giảm khu vực nhà nước, chuyển mạnh sang khu vực tư nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển lành mạnh.

Tôi rất đồng ý là cần làm rõ nguồn kinh phí để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế lấy ở đâu ra? Thiếu phần cơ bản này thì mọi đề án sẽ chỉ nằm trên giấy với những lời hô hào suông. Các khoản nợ xấu trong các DNNN, của hệ thống ngân hàng cần được làm sạch thì nền kinh tế mới vận hành tốt được.

Theo thói quen của chúng ta, mỗi khi thiếu tiền thì việc đầu tiên nghĩ đến là đi xin tài trợ từ nước ngoài, từ các các tổ chức quốc tế. Gánh nặng nợ nần cứ thế tăng lên hàng năm.
Ở Nga và các nước Đông Âu, trong thời kỳ tái cấu trúc kinh tế, chỉ trong 1 thời gian ngắn (ở Nga là 500 ngày), họ đã tư nhân hoá hầu hết các DNNN, kể cả trong ngành dầu khí, các ngân hàng quốc doanh. Từ đó taọ ra một nguồn kinh phí to lớn cho Chính phủ để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của mình.

Thiết nghĩ Việt Nam cũng nên đánh giá, học tập kinh nghiệm nói trên. Nếu Nhà nước cho phép mọi ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước...đánh giá lại toàn bộ tài sản của mình, bao gồm nhà xưởng, đất đai, công sở, các công trình hạ tầng, phương tiện đi lại...trên cơ sở đó lựa chọn cái gì nên giữ lại cho khu vực nhà nước, còn lại cho bán hoá giá hết cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài. Đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chấp nhận bán lỗ vốn (để cắt lỗ phát sinh tiếp). Nguồn tiền thu về được tập trung vào Quỹ tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ nhằm xử lý nợ xấu và đầu tư tiếp cho các công trình trọng điểm quốc gia. Khu vực tư nhân sẽ tự tái cấu trúc những gì họ mua lại được từ khu vực nhà nước bằng nguồn vốn của họ.
Mong Chính phủ ta cũng kiên quyết làm như thế.”

Email hungnguyenkim@gmaill.com cho rằng: “Về đề án tái cơ cấu kinh tế (TCCKT), theo tôi nghĩ lần này chúng ta phải có cái nhìn chi tiết hơn, xem lại cách quản lý luật đầu tư, các vấn đề còn sót lại xử lý dứt điểm luôn. Trong đề án TCCKT phải nêu rõ trách nhiệm và cách xử lý rõ ràng, mục tiêu và lộ trình chắc chắn.”

Theo email trieungoclieu3@gmail.com thì: “Đề án tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề kinh tế vĩ mô rộng lớn, cần đánh giá hiện trạng đầy đủ và toàn diện để tìm ra được rào cản trong quá trình 25 năm thực hiện đổi mới kinh tế. Trước hết phải đánh giá mô hình ‘nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ đã có đủ lý luận và thực tiễn trên phạm vi thế giới hay chưa? Theo triết học Max- Lenin thì Lý luận không có Thực tiễn là lý luận suông, Thực tiễn không có Lý luận là thực tiễn mù quáng. Vậy chúng ta đã vận dụng cơ sở lý luận nào để thực hiện mô hình kinh tế 25 năm qua? Lý luận đó đã được thực tiễn kiểm nghiêm chưa? Bài học thực tiễn từ cải cách ruộng đất, phong trào Hợp tác hoá, cải cách công thương nghiệp tư bản tư doanh sau ngày giải phóng, rồi khoán hộ của ông Kim Ngọc, khoán 100...Cái gì kìm hãm? Cái gì tạo động lực to lớn cho sự tăng trưởng? Tuy đất nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng tụt hậu quá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi đồng tình với bài viết và đề nghị không làm hời hợt phần ngọn mà phải đi từ bản chất và có tầm nhìn dài hạn. Điều quan trọng nhất là thể chế kinh tế tạo động lực cho sự phát triển. Phải có đột phá trong tư duy cả về Lý luận và Thực tiễn.”

“Tập trung hệ thống, củng cố quyền lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của những người làm lãnh đạo, tham gia bộ máy nhà nước trước. Xây dựng mô hình đào tạo chuẩn với những người muốn tham gia đại biểu HĐND, lãnh đạo ở các cấp cũng cần học, hiểu rõ, biết cách quản lý, điều hành. Trước khi tham gia ứng cử phải qua kì thi về năng lực.

Còn về tái cơ cấu kinh tế là cả một vấn đề, người tham gia xây dựng đề án phải hiểu trước khi tái cơ cấu kinh tế cần cơ cấu lại hệ thống quản lý kinh tế trước. Việc hiện nay cần làm là rà soát lại hệ thống quản lý kinh tế hiện tại, xem xét bố trí lại cho phù hợp lực lượng ở từng đơn vị, nếu có vấn đề phải bố trí lại, những người làm lãnh đạo ở các cấp cao phải hiểu rõ đến từng đơn vị cấp dưới của mình, để khi triển khai công tác hành động là ‘nhất hô bách ứng’. Ở các cấp hoạt động phải đúng vị trí, vận hành trơn chu. Bộ máy còn lộn xộn thì dù …tái đi tái lại, mục tiêu chính vẫn khó đạt được”, đó là ý kiến của
email sieuclub@gmail.com.

Ban Bạn đọc