- Bài báo “Sẽ cần gói kích cầu 2012?” thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC:


Rất cần thiết, ngay lúc này!

Bạn Trường Thành (email greatwall_war@yahoo.com) khẳng định: “Rất cần thiết ngay lúc này! Tên ‘gói kích cầu’ mọi người hay dùng mới mang một nửa ý nghĩa giá trị của nó. Theo tôi, thật cần thiết thực hiện ngay một ‘gói kích thích tăng trưởng kinh tế’, điều này mang lại lợi ích cho cả hai vế của thị trường đó là kích thích sản xuất hàng hóa và kích cầu tiêu dùng sản phẩm. Nền kinh tế vận hành như một ‘bánh răng’ quay nhờ những ‘mắt xích’ như dòng tiền đang lưu chuyển kéo theo sự vận động của nền kinh tế. Khi nền kinh tế vận hành chậm lại kéo theo dòng tiền chậm lại, đồng nghĩa tại một thời điểm nhất định lượng tiền lưu thông trên thị trường sẽ cũng ít đi tương ứng với tốc độ quay của nền kinh tế, điều này gây ra giảm phát như hiện nay. Vậy việc cần làm lúc này là tăng ngay lượng tiền tương ứng để để bù đắp sự thiếu hụt cung tiền đồng thời kích thích sự năng động trở lại của nền kinh tế.”

Bạn Quốc Minh (mail quocminh703@gmail.com) cũng đồng tình: “Gói kích cầu là cần thiết. Không kích cầu thì doanh nghiệp chết hết, đời sống nhân dân ngày càng khổ thêm vì không có thu nhập, thất nghiệp... Nhưng phải kích cầu đúng lúc, đúng chỗ. Thời điểm này kích cầu là đúng rồi, đợi thêm nữa doanh nghiệp phá sản hết kích cầu cũng đâu có tác dụng? Nên nhớ doanh nghiệp là cột trụ của nền kinh tế không dễ gì thành lập một doanh nghiệp, lại không dễ gì có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nên ta phải chú trọng đến doanh nghiệp. Nền kinh tế chúng ta phát triển được như vậy là nhờ doanh nghiệp. Nếu không cứu doanh nghiệp, kinh tế sẽ bị thụt lùi, tăng trưởng kinh tế các năm sau sẽ rất khó khăn và hậu quả là ta ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Nên phân loại doanh nghiệp và cứu các doanh nghiệp có kế hoạch làm ăn tốt, thậm chí trợ vốn hoặc lãi suất thấp cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu với cam kết hạ giá thành sản phẩm, vừa cứu doanh nghiệp vừa làm giảm lạm phát...”

Email dovanhung195@yahoo.com phân tích: “Nền kinh tế có thể ví đang ‘chết lâm sàng’, điểm thắt là nợ xấu. Cởi trói chính từ BĐS. Tôi đã có ý kiến lần trước là không nên ‘nguyền rủa’ ai cả, như vậy là cực đoan. Trạng chết, Chúa cũng băng hà. Phải tập trung cứu kinh tế, đó là cuộc sống của nhân dân. Khắc phục và tránh sai lầm đã qua. Nhu cầu nhà ở còn rất lớn, mà hàng tồn nhiều đó không phải là nghịch lý sao? Nhà nước và dân cùng bỏ tiền vào, dân sẽ có nhà ở, nhà nước huy động được sức dân. Sai lầm là đã để BĐS lên quá cao, đồng tiền không đi vào đúng nơi cần để sinh lời, lãng phí, thất thoát lớn.

Đề nghị Nhà nước cam kết ổn định vĩ mô lâu dài và phải làm được như vậy. Hãy làm lành mạnh, trong sạch nền kinh tế. Còn tên gọi là gì thì cũng là bơm tiền vào nền kinh tế. Nguồn lực trong dân là vàng rất lớn, nhà nước sao không huy động? Vấn đề là phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh những sai lầm đã nêu. Xưa có khẩu hiệu ‘nói và làm’ thì nay nên thêm chữ ‘thật’vào, là ‘nói và làm thật’. Không nên ‘ảo’, mọi điều cuối cùng phải quay về ‘thật’.”

Bạn Nguyễn Hữu Phúc (email nguyenhuu69@gmail.com) nêu ý kiến: “Cần giải pháp thật! Ngân hàng kêu ca đã giảm lãi suất cho vay xuống thật thấp để ‘cứu’ doanh nghiệp nhưng DN không vay! Thật tội nghiệp cho ngân hàng, cảm ơn lòng tốt này lắm! Nhưng lãi suất thật hiện nay cho DN vay là 17%/năm, nếu NH thực sự có lòng tốt với DN thì hãy giảm ngay LS cho các hợp đồng tín dụng hiện có đi! Có làm được không, hay chỉ là ‘chém gió’? Xin đừng nói nữa mà hãy làm đi, trước khi DN chết hẳn. Xin thưa DN chết thì NH sống với ai? Có sống được không?”

‘Gói kích cầu’ chỉ cứu đại gia?

Bạn Cao Minh Viên (email Mvienst@yahoo.com.vn) không tán thành ‘gói kích cầu’ trên cơ sở phân tích: “Gói hỗ trợ 29 ngàn tỷ tiền thuế thực ra chỉ tạo ra gánh nặng thêm cho doanh nghiệp vì tới tháng 12 năm nay doanh nghiệp phải trả nợ, nợ nầy sẽ chồng thêm vào thuế phát sinh trong tháng 12/2012 và các tháng đầu năm 2013. Doanh nghiệp phải làm gì đây khi nền kinh tế đang giảm phát và lãi suất ngân hàng vẫn là gánh nặng của doanh nghiệp? Tại sao đối với hàng hoá nhập khẩu thì điều chỉnh thuế suất VAT nhập khẩu được, còn với những gì khó khăn doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu thì có nên được giảm VAT đi hay không? Những người lãnh đạo ngân hàng hiện đang coi doanh nghiệp là ‘con nợ’, chỉ là hạ lãi suất nửa vời thôi!”

Tán thành ý kiến trên, bạn Hữu Trần (email androidmyphoness@gmail.com) viết: “Gói kích cầu này thực chất là gì? Nếu không muốn nói là cứu các đại gia và làm khó dân nghèo. Vì sao? Nếu bơm tiền như năm 2009 thì chắc kết quả cũng sẽ như vừa qua, chưa nói là hiện nay một lượng tiền lớn còn nằm trong hệ thống NHTM không đi ra sản xuất. Nếu vẫn bơm ra lượng tiền khổng lồ thì lạm phát còn kinh khủng hơn những năm 2010 và 2011. Như thế hậu quả là như thế nào? Chắc chắc người giàu ảnh hưởng không nhiều mà có thể nói là họ được lợi, nhưng đại đa số dân nghèo thì khó khăn thêm. Năm vừa rồi người dân nào cũng loay hoay, suy tính mỗi khi đi chợ. Nếu như gói kích cầu mà bung ra nữa thì chắc người nghèo càng khó khăn thôi. Tuy nhiên chính người dân cũng là một đối tượng có thể hành động để bảo vệ lấy mình, đó là không sử dụng phung phí hàng hóa không thiết yếu và đắt đỏ.”

Lo ngại của email maivaly@viettel.vn: “Với cơ chể quản lý tài chính lỏng lẻo, tham nhũng như hiện nay, bỏ tiền ra kích cầu chỉ nuôi béo các nhóm lợi ích và làm cho lạm phát bùng phát trở lại, nền kinh tế lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái kinh tể đang diễn ra trong thời điểm này không phải chỉ có ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, các nước đều phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để tồn tại chứ không phải tung tiền ra để kích cầu thì như muối bỏ biển mà thôi. Những nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, đừng phung phí nguồn lực của đất nước, là tiền thuế của dân và tiền đi vay ở nước ngoài.”

Email gyutrjhge56je@ftyj54h6g.com lại cho rằng: “Nền kinh tế chẳng sao cả để phải kích cầu! Khi doanh nghiệp khó khăn thì họ phải giảm giá bán hàng hóa. Đó là điều bình thường. Tình hình hiện tại là hàng hóa chẳng hề giảm giá, vật giá vẫn cao. Suy ra, DN không hề khó khăn như họ kêu than.”

Bạn Khang (email khangfsf@yahoo.com) bày tỏ quan điểm: “Nền kinh tế thế giới đi xuống, việc thu hẹp sản xuất và sản lượng là đương nhiên. Việc ném quá nhiều tiền năm nay thì năm sau lại tiếp tục lạm phát. Nên duy trì tăng trưởng vừa phải, tiếp tục xử lý nợ xấu cũng như tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.”

Đề nghị của email haiasia19@yahoo.de: “Làm sao để năm sau người dân không phải đóng góp gói kích cầu cao hơn năm trước? Thực chất nền kinh tế đang dựa trên những gì? Những nguồn lực của đất nước phát huy tác dụng đến đâu? Mọi người cần được biết, được tham gia đề xuất giải pháp giải quyết. Khi thực hiện những người điều hành phải công khai để đại diện của dân kiểm tra, giám sát.”

Ban Bạn đọc