- Số tiền ba và mẹ kế em mượn bên nhà ngoại mẹ kế cũng đã trả hết. Mẹ kế em có 1 đứa con riêng trước khi kết hôn với ba và cũng đã có 1 đứa con chung với ba...

TIN BÀI KHÁC

Ba mẹ em chia tay khi em còn rất nhỏ. Khi em 14 tuổi thì ba em đi thêm bước nữa. Khi đó cả ba và mẹ kế của em đều không có tài sản gì? Sau kết hôn nhờ gia đình bên mẹ kế giúp vốn làm ăn nên tài sản bây giờ là 6 chiếc xe tải lớn do mẹ kế em đứng tên, 1 chiếc xe hơi do ba em đứng tên và 1 ngôi nhà trị giá hơn 4 tỉ.

Số tiền ba và mẹ kế em mượn bên nhà mẹ kế cũng đã trả hết. Mẹ kế em cũng có 1 đứa con riêng trước khi kết hôn với ba và cũng đã có 1 đứa con chung với ba. Mẹ kế chỉ làm nội trợ nhưng lúc nào cũng nghĩ là nhờ tiền bạc của bên gia đình mẹ kế nên mới được như hôm nay nên lúc nào cũng muốn lấy hết tài sản.

Xin cho em hỏi :
- Khi chia tài sản giải quyết như thế nào khi 80% tài sản mẹ kế đều đứng tên (sau khi kết hôn với ba em)
- Khi chia tài sản thì có phải phần của mỗi người đều giống nhau.
- Khi ba hoặc mẹ kế qua đời mà không để lại di chúc thì chia cách nào?

(nguyen_ngoctuyen@...)

(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Căn cứ điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về tài sản riêng thì tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được phân chia đó; đồ dùng, tư trang cá nhân. 

Như vậy, ngoài các loại tài sản riêng được liệt kê nêu trên thì các loại tài sản khác hình thành trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là tài sản chung của vợ chồng, kể cả một người đứng tên. Bạn có thể căn cứ vào quy định trên để xác định tài sản cụ thể và chính xác các loại tài sản nêu trên là tài sản chung hay riêng của cha và mẹ kế của bạn. Theo những thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi nhận định các loại tài sản bạn nêu trên là tài sản chung của cha và mẹ kế của bạn. 

Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này,…Bạn có thể tham khảo các nguyên tắc phân chia tài sản chung theo quy định tại khoản 2 điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 như sau:

Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Trường hợp khi ba của bạn mất mà không để lại di chúc thì căn cứ vào điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định thì phần di sản của ba bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật, bạn và các đồng thừa kế khác của ba bạn sẽ được hưởng những phần bằng nhau. Trường hợp mẹ kế của bạn mất mà không để lại di chúc, bạn cũng có thể được hưởng phần di sản mà mẹ kế của bạn để lại nếu bạn chứng minh được bạn và mẹ kế của bạn có quan hệ nuôi dưỡng và chăm sóc cho nhau (căn cứ điều 679 Bộ luật Dân sự 2005).

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).