Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài Được cứu nợ xấu: Ngân hàng, BĐS lại lên hương. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


Cứu ‘nợ xấu’ là đẩy lỗ cho nhà nước, cho người dân?

Bạn Hùng, email Hung19575@yahoo.com nhận xét bài viết của Huấn Tú là rất hay và cho rằng: Các ngân hàng phải chịu trách nhiệm với nợ xấu của mình. Các ông chủ ngân hàng phải chịu mất vốn, mất tiền cho các khoản nợ xấu mình gây ra. Với BĐS, các doanh nghiệp phải chịu lỗ do phát triển quá nóng, chứ không thể đẩy lỗ cho nhà nước, cho người dân được.

Ý kiến Nguyen Thi Huyen, email huyen_huyen1804@yahoo.com cũng tương tự: Với BĐS, các doanh nghiệp phải chịu lỗ do phát triển quá nóng, chứ không thể đẩy lỗ cho nhà nước, cho người dân được. Nếu như vậy thì nhóm lợi ích càng ngày càng lớn, càng rộng hơn, càng tham hơn và chỉ mấy năm nữa lại xảy ra nợ xấu như hiện nay. Vậy nhà nước (tiền của người dân) không thể cứ cứu mãi được và không đủ để cứu.

Nhìn nhận của email goldmonkeycpc@yahoo.com.vn: BĐS có thời kỳ phát triển nóng cao hơn giá trị thực là do một nhóm lợi ích đẩy giá lên cao. Bây giờ thu đủ rồi thì rút. Nếu so với giá thực thì BĐS vẫn chưa phải là lỗ. Một điều đơn giản là nếu doanh nghiệp nào kêu lỗ thì lãnh đạo nên nghỉ việc hoặc thôi việc. Đằng này nhiều doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế kêu lỗ nhưng lãnh đạo hưởng lương cao ngất ngưởng. Lỗ thì bắt dân phải chịu.

Lê Văn Anh, email levananh1957@gmail.com thắc mắc: Khi kinh doanh có lãi các ngân hàng hưởng lợi, khi thua lỗ nhà nước phải bỏ tiền do dân góp để giải cứu. Nếu được giải cứu thì bất động sản lại tăng giá trên trời, dân lao động làm sao mua nổi (như hiện nay giá cũng còn cao quá sức dân). Vậy nhà nước lập quỹ xử lý nợ xấu vì ai? Vì dân hay vì lợi ích của một nhóm người?

Ai cũng biết câu nói về giới ngân hàng ‘sống bằng lương giầu bằng thưởng’. Họ giàu bằng trí tuệ của họ hay giầu nhờ tỷ lệ cho vay bất hợp lý và những hợp đồng cho vay bất hợp lý để rồi nay tạo nên cục nợ xấu? Còn bất động sản, ai cũng biết đại gia bất động sản cho dù họ kêu cứu ầm ĩ nhưng tiền của họ đời cháu xài không hết. Hãy để các đại gia đó tự cứu lấy mình, chấp nhận cắt lỗ 1/3 giá nhà đất là tự họ cứu được họ rồi. Tốt nhất hãy để họ tự bỏ tiền túi ra cứu lấy họ, thì mới chữa được căn bệnh nợ xấu trong tương lai”, đó là ý kiến của email mrs_vuha@yahoo.com.

EmailCindy555888@gmail.com cho rằng: Cứu nợ xấu là quá bất công với đại đa số người lao động chân chính nói chung. Các chủ ngân hàng, chủ công ty BĐS ăn quá nhiều rồi, các quan chức các tổng công ty thì tham nhũng giầu nứt đố đổ vách ra, giờ thành lập công ty mua nợ xấu thực chất là lấy tiền của dân để cứu những đối tượng này.

Theo Nguyen Dinh, email nguyendinhbn@gmail.com thì: Phương án lập công ty mua nợ xấu mà kiểu cách hoạt động rất mù mờ. Thêm vào đó bản chất của việc giải quyết là chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang nhà nước, mà tiền nhà nước thì là tiền của dân. Vậy thì một lần nữa (và không còn biết bao nhiều lần nữa) dân lại phải cam chịu khổ cực?

Lo ngại của email KIENDUCSINH@YAHOO.COM.VN: Nếu nhà nước cứ bỏ tiền ra mua nợ xấu ngân hàng, thì mua xong rồi, khoảng 5-7 năm nữa lại phải bỏ tiền ra mua nợ xấu tiếp, vì vẫn con người ấy, tính cách ấy thì đâu lại vẫn vào đó, tham nhũng cứ tham nhũng, lợi ích nhóm thì tiếp tục phát triển. Theo tôi anh nào kém thì bán lại cho người có khả năng điều hành, quan trọng là phải kiếm được người tài và có đức nữa.

(ảnh minh họa)

Đã là kinh tế thị trường, hãy để nó tự điều tiết

Phạm Văn Hiệu, email vanhieu.pvsh@gmail.com nêu ý kiến: Giải cứu bất động sản như thế nào và ra sao là một vấn đề lớn cần phải bàn bạc và quyết định chính xác, đừng đi sai với mục đích khiến quyền lợi nằm ở nhóm lợi ích. Miếng bánh cần được san sẻ nhưng hãy chú trọng san sẻ cho những người thiếu thốn và cần miếng bánh đó thực sự.

Theo Nguyễn Văn Đoan, email nguyenvandoandd@gmail.com thì: Đã là kinh tế thị trường thì hãy để nó tự điều tiết, giả sử có công ty nào đó đủ mạnh để mua nợ thì đó là điều hoàn toàn bình thường và hợp quy luật. Đằng này nhà nước đứng lên thành lập công ty mua lại nợ xấu, mà tiền nhà nước là tiền của dân, hoá ra cuối cùng lấy tiền của dân để xử lý cho cái bất cập, cái yếu kém.

Toàn Văn Cừ, email dnaco46@yahoo.com tán đồng: Hãy để nền kinh tế vận hành một cách tự nhiên, những khối u của xã hội sẽ được loại bỏ. Nếu lập công ty mua bán nợ xấu, chẳng khác nào người bệnh đang có khối ung thư, thay vì phẫu thuật cắt bỏ thì lại cho ăn đồ bổ dưỡng với hy vọng phục hồi sức khỏe, khiến khối u càng phát triển, di căn ...sẽ làm sụp đổ nền kinh tế.

Email vietthuat22@yahoo.com đề nghị: Chính phủ dẹp ngay những ngân hàng làm ăn thua lỗ, xử lý những giám đốc, ông chủ ngân hàng ấy, chứ thành lập công ty mua nợ xấu, rồi lại tiếp tục vòng quay nợ xấu, tạo cho họ ý thức ỷ lại vào Chính phủ. Hãy cho họ cái cần câu, chứ đừng cho họ con cá.

Nguyễn Việt Tiến, email Tiennvlilama@gmail.com ‘tố’: Khi nghe nói công ty mua nợ xấu (VAMC) với vốn khoảng 100.000 tỷ đồng sẽ được thành lập để xử lý nhanh nợ xấu, tôi biết có cán bộ ngân hàng đã bảo chủ nợ BĐS là ‘miếng đất thế chấp 3,5 tỉ thì cứ ghi hẳn 4 tỉ vào’.

Quan điểm của email huyen_ppd@yahoo.com.vn: Người dân đang sống vất vả, giá cả tăng cao, lương không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu thì ai cứu? Lương tăng được 100k nhà nước cũng phải cân nhắc, thế thì không thể lấy 100.000 tỷ đồng tiền của dân ra để cứu mấy ông BĐS, ngân hàng được.

Tán đồng của Phạm Ngọc Anh, email pham250170@gmail.com: Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại đã không bảo đảm nguyên tắc khiến nợ xấu cao. Tại sao các ngân hàng thương mại luôn báo lãi mà không thể xử lý nợ xấu được? Nhà nước không thể để thiếu trường học, thiếu giường chữa bệnh, thiếu cầu đường đi lại ở vùng sâu vùng xa …trong khi lại muốn lấy tiền của dân giải quyết nợ xấu thay cho các ngân hàng thương mại.

Tuấn Anh, email type317@gmail.com thắc mắc: Giải cứu nợ xấu ở BĐS là đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhưng hiện tại giá từng m2 của những căn hộ đang cao hơn rất nhiều so với khả năng của người tiêu dùng. Thử hỏi các vị đưa sản phẩm với giá xa vời đấy đến tay người tiêu dùng thế nào?

Theo tôi, công ty mua nợ xấu (VAMC) vận hành như 1 số tập đoàn tư bản lớn về BĐS tư nhân trên thế giới thì sẽ hiệu quả, thậm chí sẽ mang lại lợi nhuận rất cao cho NHNN”, đó là ý kiến của Nguyễn Đức Tân, email tan@tmd.com.vn.

Ban Bạn đọc