- Sau nhiều lần lỡ hẹn, đề án cải cách tiền lương của Chính phủ vẫn chưa thể trình tại hội nghị Trung ương sắp tới.

>> Cải cách thật chứ đừng ‘gọt chân cho vừa giày’/ Toàn cảnh: Tôi muốn sống bằng lương

Trao đổi với VietNamNet về nguyên nhân của sự chậm trễ này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi lý giải, yêu cầu của cải cách lương cần phải được làm đồng bộ với các cải cách khác thì mới khả thi.

“Những mục tiêu của đề án cải cách tiền lương chưa thể làm được ngay bởi hiện nay biên chế vẫn còn quá đông”, ông Lợi cho biết.

{keywords}
Ông Bùi Sỹ Lợi: Biên chế còn quá đông. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Bài toán đặt ra cho các nhà cải cách ở đây là phải tiến hành giải pháp tổng thể sắp xếp lại bộ máy biên chế nhà nước, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Có như vậy mới tăng được năng suất lao động và tạo nguồn đề cải cách lương”, ông Lợi nói.

Những vấn đề nói trên vẫn đang được cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm giải pháp đồng bộ để thực hiện. “Làm cụ thể như thế nào thì các bộ ngành đã được giao nhiệm vụ và sắp tới sẽ có nhiều đề án được trình”, ông Lợi cho biết.

Ông Lợi cũng chỉ ra những khó khăn để thực hiện được mục tiêu cải cách lương theo lộ trình dự kiến.

Theo đó, chính sách cải cách lương đặt ra mục tiêu đến năm 2016, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 2 năm nay không có nhiều mảng sáng.

Kinh tế năm 2012 chỉ tăng trưởng 5,03%, tỷ lệ DN giải thể tăng, lao động thất nghiệp cũng tăng. Tổng đầu tư cho toàn xã hội giảm, các mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động không đạt. Lộ trình tăng lương trong năm qua cho cả khu vực DN và khối hành chính sự nghiệp đã phải trì hoãn và số tiền tăng lương dự kiến cũng đã phải cắt giảm…

“Vì vậy mới có chuyện lương tối thiểu trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ đáp ứng được 38,4% nhu cầu sống tối thiểu”, ông Lợi nói.

Đề án cải cách tiền lương do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và chờ đợi của dư luận suốt thời gian qua một phần bởi tính chất quan trọng. Nhưng một phần khác cũng bởi chuyện đề án này liên tục được nâng lên, đặt xuống, rồi trì hoãn nhiều lần…

Một năm trước, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã cam kết phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cải cách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình hội nghị Trung ương 5 vào tháng 4/2012. Tuy nhiên, đến sát hội nghị Trung ương, cơ quan soạn thảo lỡ hẹn bởi chưa thể chốt phương án tiền lương, và rằng, đây là một đề án lớn, phức tạp...

{keywords}
Phải tiến hành giải pháp tổng thể sắp xếp lại bộ máy biên chế nhà nước... Ảnh minh họa: Bình Minh

Hội nghị Trung ương 5 khi đó đã yêu cầu trong năm 2012-2013 phải ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động.

Trung ương Đảng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả; tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác.

Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 dự kiến sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 7 sắp tới. Nhưng rồi, cùng với sự chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách đồng bộ khác, đề án này lại tiếp tục “treo”.

Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ xác định, đến năm 2020, lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Nhưng với lộ trình cải cách như hiện nay, cùng với tình trạng suy thoái kinh tế chưa thể phục hồi trong một sớm một chiều, xem ra mục tiêu “trung bình khá” vẫn còn quá xa vời.

Lê Nhung