- Sáng nay (22/3), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hiệp thương lần 2 bầu cử ĐBQH khóa XIII. 100% thành viên MTTQ đã tán thành với danh sách 183 ứng viên Trung ương được giới thiệu với lý do "cứ tin tưởng theo danh sách mà hội đồng bầu cử đã lập và đưa xuống".
Kiến nghị mà không được tiếp thu
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, trong nửa tháng qua, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tiến hành giới thiệu 183 ứng viên ứng cử ĐBQH khóa XIII theo đúng cơ cấu đã được phân bổ.
Ảnh: Long Anh
Nhìn vào danh sách 183 ứng viên được các Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, các bộ ngành giới thiệu, ông Lù Văn Que nhẩm tính, chỉ có 10/183 ứng viên là người ngoài Đảng, chiếm khoảng 5%, trong khi cơ cấu phân bổ cho phép 10 - 15%.
"Nếu chọn người như thế này là trong Quốc hội chỉ toàn người trong Đảng hết. Các cơ quan Trung ương cũng đã tự phá bỏ chính cơ cấu dự kiến ban đầu. Như nhiều lần chúng ta đã nói với nhau, những trí thức, doanh nhân ngoài Đảng có khi phải mời mọc thì họ mới vào. Nhưng nếu vẫn theo cách làm thế này thì không đảm bảo có tiếng nói của người ngoài Đảng", ông Lù Văn Que nói.
Ủy viên đoàn chủ tịch, ông Lê Truyền nêu ý kiến, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ đã nêu rất nhiều đề xuất, chẳng hạn tăng ứng viên ngoài Đảng, phân bổ thêm cơ cấu cho người tự ứng cử, cho Việt kiều, song hầu như các ý kiến không được tiếp thu bao nhiêu bởi mọi dự kiến ban đầu vẫn được giữ nguyên cho dù có nhiều điểm bất hợp lý.
Bất hợp lý lớn nhất theo ông Truyền là quan điểm bầu ĐBQH mang tính chất đại diện mà không tính tới khả năng ứng viên đó có dành được nhiều thời gian cho công việc QH hay không.
Văn phòng Chủ tịch nước được phân bổ "chỉ tiêu" ba ứng viên, đó là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. "Ba vị lãnh đạo cao nhất của một cơ quan đều vắng mặt cả tháng trời để đi họp QH vì QH yêu cầu đại biểu không ai được vắng mặt thì thử hỏi cơ quan đó sẽ hoạt động thế nào?", ông Truyền thắc mắc.
Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương, ông Phạm Minh Tuyên giải thích, các đề xuất của MTTQ vừa qua đều được cân nhắc, xem xét và đối chiếu với các quy định hiện hành. Việc giữ nguyên cơ cấu như phân bổ dự kiến ban đầu là do các cơ quan bầu cử đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng.
"MTTQ muốn giảm bớt đại biểu khối hành pháp và văn phòng Chủ tịch nước, nhưng xin khẳng định là nhiều năm nay, bên văn phòng Chủ tịch nước luôn có ba đại diện trong QH và họ đã hoạt động rất tích cực", ông Tuyên nói.
Vẫn muốn thêm số dư
Một vấn đề khác khiến nhiều thành viên MTTQ chưa hài lòng là danh sách sơ bộ đưa ra vẫn không có thêm số dư.
"Nếu đã không có số dư thì MTTQ biết lấy đâu ra người so sánh để chọn người này, không chọn người kia. Bây giờ mà bỏ đi bất kỳ ai trong danh sách là sẽ mất hẳn đi 1 suất của 1 bộ ngành nào đó rồi. Danh sách hôm nay đọc lên rất dài với gần 200 người nhưng chỉ là con số vừa đủ để bầu đúng như vậy thôi chứ cũng có dư ra ai đâu để còn chọn lựa", ông Lê Truyền nói.
Ông Lê Truyền. Ảnh: Long Anh
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm chia sẻ, đây là mong muốn chính đáng từ nhiều năm nay, nhưng để làm được điều đó cần phải sửa đổi các quy định pháp lý. Khi đó, tỷ lệ số dư sẽ được quy định ngay từ khâu đầu tiên.
Là người nhiệt tình tham gia đề xuất các kiến nghị đổi mới trong những phiên họp về bầu cử của MTTQ trước đó, nhưng lần này, ông Trương Công Phú (thành viên đoàn Chủ tịch) chỉ kiến nghị; "ta đang trên tiến trình hướng tới xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp, do đó từng bước phải cải tiến và thay đổi để đặt nền tảng cho sự đổi mới". Theo ông Phú, hiện nay, mong muốn thì nhiều nhưng rất khó để đóng góp ý kiến vì chưa hiểu QH đang ở giai đoạn nào trong tiến trình đổi mới.
Ông Phạm Minh Tuyên thay mặt hội đồng bầu cử giải thích, hầu như những người được giới thiệu (đặc biệt do các bộ ngành giới thiệu) đều là các ứng viên đã được tạo nguồn để giữ những trọng trách lớn tại nhiều cơ quan. Hồ sơ của họ hầu như đã đi qua các vòng kiểm tra, giới thiệu của Ban tổ chức TƯ, cơ quan phòng chống tham nhũng nên đối chiếu với tiêu chuẩn ĐBQH thì tất cả đều đạt.
Cuối buổi sáng, 100% thành viên MTTQ đã giơ tay biểu quyết đồng ý với danh sách 183 ứng viên giới thiệu ứng cử ĐBQH.
Sau Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sự điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người được bầu và trên cơ sở kết quả hội nghị cử tri nơi cư trú thì Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIII.
Từ ngày 24/3 đến ngày 31/3 sẽ tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét, tín nhiệm đối với người ứng cử.
Trong danh sách 183 ứng
viên
Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước giới thiệu ba ứng viên là
bà
Nguyễn Thị Doan, ông Trương Tấn Sang và ông Đào Việt Trung (Thứ
trưởng
bộ Ngoại giao). Khối Chính phủ giới
thiệu 20 ứng viên là: Ông Hoàng Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể Thao và Du lịch), ông Nguyễn
Thái Bình (Thứ trưởng Bộ nội vụ),
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng
Cường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải, ông Vũ Hải - giám đốc VOV 5,
Bộ trưởng Bộ công thương Vũ
Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Ông Phạm Bình
Minh - Thứ trưởng
Bộ Ngoại giao, Ông Trần
Bình Minh - Phó Tổng GĐ Đài truyền hình VN,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ
Văn
Ninh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Chủ nhiệm
VPCP Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử,
Trần Đại Quang -
Thứ trưởng công an, Nguyễn Thị Kim Tiến -
Thứ trưởng Bộ y tế, Ngô Hà
Thái - Phó Tổng GĐ Thông tấn xã VN, Phùng Quang Thanh -
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Bùi
Quang Vinh - Thứ trưởng Bộ KHĐT. Riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng được giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhiều ĐBQH tiếp tục
tái cử
như ông Dương Trung Quốc, Danh Út, Nguyễn Ngọc Đào...