- Nỗi lo của rất nhiều các ông bố, bà mẹ khi đi công tác nước ngoài là khi về Việt Nam con sẽ không theo được môn Văn vì ¨Tây¨ không học làm văn như ở Việt Nam. Và trường quốc tế được coi như một lựa chọn tốt nhất khi những ¨du học sinh¨ này trở về nước sau khi bố/ mẹ hết nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài.

Có con đang học lớp 2 ở nước ngoài, tôi cũng mang theo nỗi lo lắng chung ấy và luôn bắt con phải học môn tiếng Việt, tập làm văn Việt.

Nhưng có lẽ nỗi lo lắng của tôi hơi quá bởi vì trẻ ¨Tây¨ cũng học văn tuy cách học có đôi chút khác biệt. Vậy trẻ ¨Tây¨ học văn như thế nào, có gì đặc biệt?

Một bài văn của học sinh lớp 2. Ảnh: tác giả cung cấp

Các dạng bài tập làm văn tương tự như văn Việt

Ngay từ lớp 1, ngày nào các bé cũng tập viết câu theo nhiều cách: có thể là sắp xếp các từ cho sẵn thành một câu hoàn chỉnh, có thể bé phải viết một câu trong đó có chứa một hoặc vài từ cho trước, đôi khi, bài tập cho một loạt từ có liên quan đến nhau, mỗi từ bé viết thành một câu để thành một đoạn văn.

Đây là bài tập hàng ngày bé phải làm. Tương tự như bài tập làm văn của Việt Nam, các bé cũng tập viết một đoạn hội thoại (thường từ 6-8 câu) theo những tình huống khác nhau. Bé cũng tập viết thư cho bạn bè hoặc người thân lâu ngày không gặp.

Sau khi nghe cô đọc chuyện tại lớp, bé phải làm bài tập là viết lại tên truyện, tác giả, nhân vật chính trong truyện, bé thích hay không thích câu chuyện đó, lý do?

Hơn nữa, bé lớp 1 còn phải làm bài văn kể lại câu chuyện mà bé đã được đọc, được nghe, trong đó, bé phải viết được tên truyện, lý do bé thích câu chuyện đó, tóm tắt nội dung chính của chuyện và vẽ tranh minh họa.

Sau mỗi kỳ nghỉ, bé sẽ phải viết một bài văn tại lớp kể về những điều thú vị diễn ra trong kỳ nghỉ của mình.

Kết thúc năm học, bé viết bài nói về cảm xúc của mình trong năm học đã qua và khi chia tay lớp học. Bài văn được viết vào vở hoặc giấy A4, bé được khuyến khích vẽ tranh minh họa.

Lên lớp 2, các bài tập này bé phải làm thường xuyên hơn, mỗi thứ 2 hàng tuần, tiết học đầu tiên bé sẽ viết về ngày nghỉ cuối tuần của mình và từng bé một sẽ đứng lên trình bày trước lớp.
Ngoài ra, bé có thêm bài tập kể chuyện theo tranh và tự sáng tác truyện với nhiều thể loại khác nhau.

Một bài văn của học sinh lớp 2. Ảnh: tác giả cung cấp

Cách làm văn kích thích sự sáng tạo

Dạng bài tập làm văn thì tương tự như bài tập làm văn Việt nhưng cách học văn của các bé ¨Tây¨ có nhiều điểm khác biệt so với bé Việt Nam.

Trước hết, luyện câu và từ rất được chú trọng. Từ luôn được gắn liền với câu, với ngữ cảnh. Với mỗi từ mới được học, bé được học rất kỹ, nào là điền thêm ký tự còn thiếu trong từ, sắp xếp các ký tự lộn xộn thành từ hoàn chỉnh, điền từ vào câu.

Đặc biệt, với tất cả các từ mới được học, bé phải viết câu với mỗi từ đó. Luyện câu cũng kỹ như vậy. Ngày nào, bé cũng phải học từ mới, tập viết câu cả ở lớp và ở nhà.

Bé ¨Tây¨ được dạy làm văn từ dễ đến khó. Với bài tập về câu, lúc đầu bé chỉ viết câu độc lập, sau đó mới tập viết hội thoại.

Với bài kể chuyện, lúc đầu bé nghe cô đọc và làm bài tập đơn giản chỉ cần viết tên truyện, tác giả, bé thích hay không thích, lý do.

Tiếp đó, bé phải tự nhớ lại chuyện mình đã được đọc, được nghe để viết lại những dữ kiện như trên và cao hơn là phải tóm tắt lại nội dung câu chuyện đó.

Với bài tập kể chuyện theo tranh, lúc đầu bé kể theo tranh được xếp theo thứ tự, sau đó, bé phải tự sắp xếp tranh rồi mới kể chuyện. Với bài tập viết truyện, lúc đầu bé được lựa chọn nhân vật và nội dung theo những gợi ý cho trước, chỉ phải viết phần kết thúc câu chuyện; sau đó, bé phải tự sáng tác truyện của riêng mình.

Đề bài luôn ¨mở¨ và kích thích sự sáng tạo. Đây là điểm khác biệt lớn nhất mà tôi cảm nhận thấy so với văn Việt.

Nếu với bài văn ngắn tả mùa hè của học sinh lớp 2 diễn ra tình trạng các bé ¨Việt¨ có bài viết na ná giống nhau mà không hề chép bài của nhau do làm theo những gợi ý trong sách thì điều này sẽ không xảy ra với bé ¨Tây¨ vì đề bài tập làm văn của bé luôn ¨mở¨, kể cả khi bài có một số gợi ý cho trước, để mỗi bé có một bài văn ngộ nghĩnh khác nhau.

Nếu như với mỗi bài tập làm văn, bé Việt luôn được cô gợi ý, hướng dẫn làm bài thì cô giáo ¨Tây¨ lại không hề gợi ý chút nào mà để cho bé ¨tự do suy nghĩ¨, ¨tự do viết¨.

Ví dụ, khi kể chuyện theo tranh chỉ có tranh đầu tiên và cuối cùng được xếp sẵn, còn những bức tranh ở giữa, các bé tự sắp xếp theo trí tưởng tượng của mình mà không hề có gợi ý nên mỗi bé sẽ có một cách xếp tranh theo thứ tự khác nhau để có những câu chuyện khác nhau.

Tập viết truyện (phần dễ, có gợi ý cho trước), bé được lựa chọn 1 trong ba nhân vật cho trước, chọn 1 trong ba tiêu đề cho trước, chọn 1 trong 3 nội dung chính của câu chuyện cho trước nhưng đến phần kết bé sẽ phải tự nghĩ ra ba kết thúc cho câu chuyện của mình rồi chọn 1.

Khi tập viết truyện, các bé tự nghĩ ra câu chuyện cho riêng mình, không bắt buộc theo khuôn mẫu gợi ý nào, bé có thể viết truyện về con vật, về các nhân vật hoạt hình, truyện cười, thậm chí, cả truyện kinh dị, truyện ma… Bé có thể viết tất cả những gì bé thích, bé có thể.

Đề bài và thời điểm làm bài gần gũi, thân thuộc với bé. Trái với tình trạng bé Việt phải tả mùa hè khi đang là mùa xuân để rồi lúng túng không biết mùa hè thế nào, lại phải nhờ đến bố mẹ hoặc cô giáo gợi ý cho bé nhớ lại xem mùa hè năm ngoái thế nào để tả mùa hè năm nay hay bé phải tả về biển trong khi có bé chưa được đi biển bao giờ, tả con chim sâu khi bé chưa biết nó thế nào như phản ánh trong bài báo ¨Giáo viên giỏi văn hướng dẫn tả mùa hè¨, bé ¨Tây¨ làm bài tập làm văn về những điều vừa xảy ra với bé hoặc xung quanh bé.

Bài tập làm văn bé phải viết và trình bày vào sáng thứ hai hàng tuần hoặc ngày đầu tiên đến lớp sau mỗi kỳ nghỉ là một điển hình.

Bài tập này không chỉ rèn cho bé khả năng viết mà còn có thể tập cho bé khả năng quan sát sự vật, sự việc xung quanh và đặc biệt là khả năng lựa chọn sự kiện, chi tiết cho bài viết của mình.

Mỗi khi đi chơi, tham quan hay đi nghỉ ở đâu bé đều phải quan sát, để tâm đến mọi việc xung quanh mình để sau đó còn viết bài ở lớp.

Chỉ với một khoảng thời gian ngắn khoảng 10-15 phút để viết và 5-10 phút để trình bày, bé không thể tả hết vườn thú mà bắt buộc phải lựa chọn chỉ tả 1 hoặc 2 con vật mà bé thích nhất khi bé được đi thăm vườn thú trong ngày nghỉ. Bé không thể tả hết những nơi bé đến mà chỉ có thể chọn tả nơi mà bé cho là hấp dẫn, thú vị nhất.

Bé không thể kể hết những gì diễn ra trong ngày nghỉ, kỳ nghỉ của bé mà chỉ có thể kể những việc ¨ý nghĩa¨ nhất bé làm trong ngày nghỉ cuối tuần, trong những kỳ nghỉ hè, nghỉ  lễ, nghỉ Noel…

Chính vì những điều kể trên nên dễ dàng nhận thấy rằng bé ¨Tây¨ làm văn thoái mái, tự do hơn bé Việt, không bị gò vào những khuôn mẫu cho sẵn, bé được viết theo cách của mình cho dù câu văn của bé chưa hay, còn ngô nghê, vụng về, chưa sâu sắc.
Với tôi, đây là một cách học ¨tích cực¨ và tôi có thể yên tâm rằng, con tôi sẽ vẫn biết làm văn cho dù học ở nước ngoài.

  • Nguyễn Thị Huệ