Những người như bầu Hiển hoặc con ông mới không cần phải chứng minh là họ giàu.

Cách đây ít lâu, Đỗ Quang Vinh, 25 tuổi, con trai lớn của bầu Hiển, lần đầu tiên lên báo. Khác với hình dung của nhiều người, và gây bất ngờ với những người tin rằng thái tử nhà đại gia phải thế này thế kia, Vinh đã gây một làn sóng mới trong dư luận với thổ lộ "không đi siêu xe, không dùng đồ hiệu, khoái dùng xe máy, mua hàng sale off và ăn quán vỉa hè".

Con đại gia đã biết giản dị...

Trước mắt, qua những chia sẻ này, tạm thời có thể thấy Vinh có vẻ là người giản dị. Theo Vinh, đó là kết quả từ sự dạy dỗ của gia đình bầu Hiển, trong đó có việc dạy bằng chính thực tế bản thân cha mẹ.

Ông Đỗ Quang Hiển được nhiều người biết đến với tên gọi “bầu Hiển” từ khi ông đầu tư sang làm bóng đá. Ông Hiển là Chủ tịch của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng - một đội bóng giành được nhiều thành tích cao của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây. Ông cũng là một người khá kín tiếng trước truyền thông.

{keywords}

"Cả nhà em vẫn sống trong căn nhà cổ mà ông bà để lại, nơi đó vẫn còn đặt bàn thờ tổ tiên. Hai anh em vẫn ở chung một phòng, bà nội là đầu bếp chính trong nhà. Căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ, dùng chung với một hàng xóm khác, không đủ cho ô tô đi vào. Mẹ em thường phải gửi xe tại bãi đỗ”, Vinh kể.

Thực ra, không ít doanh nhân thành đạt đang dạy con sống giản dị và tự lập như vậy. Một doanh nhân ở Hà Nội tuy có đầy đủ điều kiện để con du học tự túc như bạn bè, song đã kiên quyết không chu cấp khoản này. Quan điểm của ông là nếu con thích du học thì tự thi hoặc tìm kiếm học bổng mà đi. Con ông sau đó đã làm được điều ấy, với một suất học bổng du học nước ngoài.

Có doanh nhân lại hành xử theo kiểu đối tác sòng phẳng với con cái trong gia đình như trên thương trường. Nghe con muốn vay tiền làm ăn, một vị doanh nhân đã bắt con phải lập đề án đưa cho ông xem. Sau khi đọc đề án, ông từ chối cho vay vì chưa thấy được tính khả thi và khả năng đứa con làm mất vốn là cao.

Triết lý dạy con sống giản dị và tự lập được không ít doanh nhân lớn công khai trước thiên hạ. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gạch Đồng Tâm, chỉ cho đứa con tốt nghiệp loại ưu một trường đại học danh tiếng ở Mỹ là Võ Quốc Lợi bắt đầu với chức vụ là nhân viên pháp chế tại phòng Pháp chế của Ngân hàng Kiên Long thay vì một vị trí cao hơn mà ông hoàn toàn cất nhắc được.

“Tôi không có quan niệm cho con tôi làm sếp ngay từ đầu. Phải va chạm thực tế thì việc học mới làm tốt được. Không làm việc nhỏ thì không thể làm việc lớn”, ông Thắng nói.

{keywords}

... hay không cần phải khoe?

Quay trở lại trường hợp của Vinh, trước những chia sẻ này, cộng đồng cho rằng Vinh là người giản dị, không thích khoe của. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mang tính triết lý.

Giả sử Vinh không phải con bầu Hiển, không phải là người mà ai cũng biết đó là ai, thì hẳn cậu cũng khó tránh khỏi những hành vi cố tình thể hiện mình, điều mà nhiều người trẻ muốn thể hiện.

Sở dĩ Vinh không cần đi siêu xe vì nếu Vinh đi xe đạp, người ta cũng hiểu đó là con bầu Hiển đang đi xe đạp. Và rõ ràng đã là con bầu Hiển thì đi xe đạp là vì môi trường, là nét đẹp của lòng giản dị. Còn nếu bạn học của cậu đi xe đạp, đó sẽ được lý giải là vì cậu ta không có khả năng tài chính để đi xe tốt hơn.

Còn Vinh, chỉ cần nói mình là con bầu Hiển đã là quá đủ. Ông Đỗ Quang Hiển được nhiều người biết đến với tên gọi “bầu Hiển” từ khi ông đầu tư sang làm bóng đá. Ông Hiển là Chủ tịch của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng - một đội bóng giành được nhiều thành tích cao của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây.

Đó là câu chuyện của người đã được biết đến. Như tỷ phú Warrent Buffett, người đã nổi danh toàn cầu về sự giàu và đầu óc thông tuệ của mình. Ông không cần chứng minh với ai, vì thiên hạ đã biết ông là ai. Nếu như các giám đốc quỹ đầu tư khác phải đi Roll-Royce, mua máy bay riêng để tiện giao dịch đúng với đẳng cấp của mình, thì với ông, cái tên và sự có mặt của ông đã là đẳng cấp. Mọi hành động chứng minh đều là thừa thãi.

Vinh cho biết: "Ngoài những món đồ hiệu như đồng hồ, thắt lưng được bố tặng như một phần thưởng khi đạt được thành công nào đó, còn trang phục đồ dùng của em đều bình thường. Giá trị cả bộ đồ em mặc hôm nay, cùng giày, không quá 2 triệu đồng".

Những tiết lộ của Vinh không khỏi khiến người ta liên tưởng đến trường hợp ngược lại, trường hợp Lý Nhã Kỳ.

Kiều nữ này là người nổi tiếng không phải vì nghề nghiệp diễn viên hay sắc đẹp quá tuyệt đỉnh của mình. Khi đọc thấy thông tin trên báo về cô, người ta thường đọc được những dòng tựa: Lý Nhã Kỳ mặc váy 400 triệu, Lý Nhã Kỳ mang nhẫn 2 tỷ...

Ngoài danh hiệu Đại sứ du lịch, rất ít người biết Lý Nhã Kỳ làm gì, giàu có cỡ nào. Do vậy, những lần xuất hiện của cô luôn kèm với hàng hiệu đắt tiền, như một sự chứng tỏ, như một thông điệp muốn mọi người khắc ghi. Có lẽ, cô muốn chứng tỏ độ giàu, phong cách đại gia của mình.

Ở Việt Nam, chuyện khoe hàng hiệu đã thành sở thích của vô số người. Họ cần sự tôn trọng, cần sự đánh giá cao, bởi giàu có luôn đồng nghĩa với sự giỏi giang, với sự danh giá.

Chỉ những người như bầu Hiển hoặc con ông, hoặc xa hơn như Buffet, mới không cần phải chứng minh thêm về điều đó. Bởi họ đã được công nhận. Nếu chưa, không ai biết họ có phải miệt mài chứng tỏ nữa hay không.

Có điều, dù giản dị hay tự lập thì họ vẫn có một xuất phát điểm khó có thể tốt hơn. Giản dị hay tự lập đôi khi chỉ là một phương thức nhỏ. Con đường giản dị và tự lập của họ chắc chắn vẫn thênh thang sáng lạng hơn con đường giản dị đầy cát bụi đường quê.

Theo Lao động