Trước các lời đe dọa ngày càng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc, một thăm dò dư luận do hãng tin CNN thực hiện cho thấy rất nhiều người Mỹ đang lắng nghe một cách nghiêm túc.
Tên lửa KN-08 của Triều Tiên được cho là có thể bắn tới Mỹ
Thăm dò cho thấy lần đầu tiên đa số công chúng Mỹ lạc quan rằng tình hình liên quan tới chương trình tên lửa Triều Tiên có thể được giải quyết chỉ cần bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế.
Theo đó, 41% người Mỹ giờ đây nghĩ Triều Tiên là mối đe dọa trước mắt đối với Mỹ. Đây là kết quả cao nhất từ trước tới giờ.
"Nếu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn công chúng Mỹ phải chú ý, chiến lược của ông ta có vẻ như đã bắt đầu có tác dụng" - Giám đốc Thăm dò dư luận của CNN là Keating Holland nói.
41% người khác được hỏi cũng nói rằng Triều Tiên chính là mối đe dọa về lâu dài đối với Mỹ và chỉ 16% nói rằng Bình Nhưỡng không phải là mối đe dọa.
Thăm dò này cũng cho thấy cứ 10 người thì có sáu người ủng hộ đáp trả Triều Tiên bằng quân sự nếu như Hàn Quốc bị tấn công.
Thăm dò này được CNN tiến hành khảo sát trên 1.012 người lớn trên toàn nước Mỹ, sai số là cộng/trừ 3%.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo cơ quan giám sát nguyên tử Liên Hợp Quốc hôm qua đã nói việc Triều Tiên định khởi động lại khu vực hạt nhân là 'gây rắc rối'.
Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cũng nói thêm nhóm làm việc của ông không thể xác định xem liệu Bình Nhưỡng có lên kế hoạch thử hạt nhân lần nữa hay không vì họ không được tiếp cận.
"Điều này rất rắc rối vì họ đang đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" - ông Amano nói.
Ông Amano nói rằng IAEA không biết nhiều về các hoạt động của Triều Tiên và chủ yếu dựa vào quan sát qua vệ tinh kể từ khi Bình Nhưỡng không cho nhân viên của tổ chức này ở lại vào năm 2009.
Chỉ trong ngày hôm qua, Hàn Quốc đã đưa ra hai thông tin trái chiều về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư. Ban đầu, Seoul nói rằng có thể Bình Nhưỡng sẽ cho thử hạt nhân vào thứ Tư này, sau đó họ đính chính lại thông tin trên.
"Những gì chúng tôi biết về hoạt động của Triều Tiên thật sự rất hạn chế. Tôi không thể dự đoán được là khi nào và liệu Triều Tiên có thử hạt nhân lầ nữa hay không" - Amano nói.
Trong lần thử hạt nhân trước đó vào hồi tháng Hai, Triều Tiên mới tiến hành thử ở một đầu của hầm ngầm. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Triều Tiên vẫn còn nửa hầm ngầm còn lại để thực hiện thêm vụ thử hạt nhân khác.
Lê Thu (theo CNA/Reuters)