Khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia đã im tiếng súng sau 3 ngày giao tranh liên tiếp giữa quân đội hai bên. Tuy nhiên, hy vọng cho một giải pháp ngoại giao mờ dần vì các cuộc đàm phán bị hủy.


TIN LIÊN QUAN


Thái Lan và Campuchia lại bắn nhau 
Binh sĩ Thái, Campuchia giao chiến tại biên giới
ASEAN họp nội bộ về xung đột Campuchia - Thái Lan
Biên giới Thái Lan - Campuchia nóng ran
Thái Lan-Campuchia ngày càng nặng sức ép ngoại giao
Hàng nghìn người lánh nạn vì giao tranh Thái - Campuchia
Việt Nam lo ngại xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan



Các binh sĩ Thái Lan đưa đồng đội bị thương vì đọ súng với lính Campuchia tới bệnh viện. (Ảnh: EPA)

Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, dự định sẽ tới Thái Lan và Campuchia để hội đàm trong hôm nay song chuyến đi của ông bị hủy - các quan chức chính phủ Campuchia và Thái Lan cho biết.

Ông Natalegawa đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình được Liên Hợp Quốc ủng hộ hôm 22/2, theo đó sẽ bố trí các quan sát viên quân sự phi vũ trang từ Indonesia tới dọc vùng biên giới tranh chấp. Thỏa thuận này chưa bao giờ được thực thi. Thái Lan nói các quan sát viên quốc tế là không cần thiết, khẳng định hai bên có thể tự giải quyết tranh chấp.

Theo phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn, chuyến đi của ông Natalegawa bị hủy do Bangkok và Phnom Penh vẫn chưa dàn xếp được điều khoản về các quan sát viên Indonesia. 

Tâm điểm của đợt tranh chấp biên giới mới nhất giữa Thái Lan và Campuchia là hai ngôi đền Hindu có từ thế kỷ 12, Ta Moan và Ta Krabey, nằm ở khu vực rừng rậm nhiều mìn mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.

Thái Lan khẳng định hai ngôi đền nằm ở tỉnh Surin còn phía Campuchia tuyên bố hai tàn tích cổ tọa lạc trên lãnh thổ nước này. 

Giao tranh hôm qua (24/4) đã cướp mạng sống của 1 binh sĩ Thái Lan, nâng con số thương vong chính thức trong 3 ngày liên tiếp lên 5 binh sĩ chết và 25 người bị thương ở phía Thái Lan còn 6 người thiệt mạng và 17 người bị thương ở phía Campuchia. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi hai bên "đối thoại nghiêm túc" để tạo ra một lệnh ngừng bắn hiệu quả, đồng thời ngưng bắn phá bằng pháo và lựu đạn.   

Chiều qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ra một thông báo buộc tội phía Campuchia bắn vũ khí hạng nặng để dọn đường cho một nỗ lực xâm lược của bộ binh vào lãnh thổ Thái Lan nhằm "bao vây và giành quyền kiểm soát" đền Ta Moan. Thông báo nói phía Thái Lan đã đáp trả "một cách tương xứng" sau khi binh lính của nước này và các ngôi làng lân cận bị tấn công.

Phía Campuchia cũng đưa ra một thông điệp tương tự, cáo buộc Thái Lan định ép nước này phải tham gia đàm phán song phương.  

Phnom Penh muốn sự hòa giải ba bên từ ASEAN nhằm chấm dứt các hành động thù nghịch, nói rằng Thái Lan nên tôn trọng thỏa thuận hồi tháng 2 nhằm cho phép triển khai các quan sát viên phi vũ trang đến từ Indonesia. 

Thanh Hảo (Theo Reuters)