Những ngày qua, việc nữ danh ca Khánh Ly công bố bút tích viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng tác phẩm của công đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, bản thân các luật sư cũng có quan điểm trái chiều nhau về tính pháp lý của bút tích trên


Có giá trị pháp lý!

Trao đổi xung quanh vấn đề trên, luật sư Vũ Quang Đức – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng nếu đó là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì giấy xác nhận này có giá trị pháp lý. Bỡi lẽ, theo quy định của pháp luật, tác giả có quyền với tác phẩm của mình. Giấy xác nhận thể hiện ý chí của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đồng ý cho Khánh Ly sử dụng bài hát của mình và giấy xác nhận cũng ghi rõ tiền tác quyền là 5.000 USD.

{keywords} 

Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng nhạc phẩm của ông

Luật sư Đức phân tích, trong tờ giấy ghi rõ thời gian lập tờ giấy là năm 2000. Thời gian này, luật chuyên ngành là luật sở hữu trí tuệ chưa ra đời nên áp dụng pháp luật điều chỉnh là Bộ luật dân sự hiện hành (thời điểm đó là Bộ luật dân sự năm 1995). Tại Điều 767 BLDS 1995 quy định hợp đồng sử dụng tác phẩm là sự thỏa thuận giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm về việc chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tác phẩm. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, bút tích mà ca sĩ Khánh Ly cung cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, có đối tượng của hợp đồng, có chủ thể hợp đồng và không vi phạm các điều cấm…Về việc, nếu có giá trị thì bút tích trên có giá trị bao lâu, trong phạm vi những bài hát nào?  

Theo Luật sư Đức, do tác giả Trịnh Công Sơn không ghi cụ thể bài hát nào mà chỉ ghi “bài hát của tôi” nên có thể hiểu là mọi bài hát của tác giả, đã là bài hát của tác giả Trịnh Công Sơn thì Khánh Ly có quyền. Tương tự, thời gian cũng vậy. Do tác giả không giới hạn thời gian nên có thể hiểu là Khánh Ly có quyền sử dụng vĩnh viễn, thời gian là vĩnh viễn.  

{keywords} 

 Nội dung giấy ủy quyền được công chứng sang tiếng Anh

Xung quanh việc “giằng co” tiền tác quyền giữa VCPMC và đơn vị Đồng Giao, luật sư Đức cho rằng ở đây cần thấy rằng VCPMC không thu tiền của Khánh Ly và thu của công ty biểu diễn. VCPMC đòi tiền công ty chứ không phải đòi tiền tác quyền với cá nhân Khánh Ly và đây cũng là chỗ “vướng” của vấn đề.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng giá vé liveshow Khánh Ly cao một phần nhờ tên tuổi Khánh Ly chứ không chỉ vấn đề tác quyền nên bên tác quyền cũng cần phải xem xét và đưa ra mức thu phù hợp.

“Chưa đủ cơ sở”

Ngược lại quan điểm trên, luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng căn cứ vào bút tích trên chưa đủ cơ sở cho rằng ca sĩ Khánh Ly có quyền tác quyền với các bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Theo luật sư Nghiêm, trước hết cần xác định đó có phải là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không. Bởi theo quy định pháp luật, muốn khẳng định bút tích trên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì phải qua cơ quan giám định để giám định chữ viết. Muốn giám định chữ viết, cơ quan giám định cần được cung cấp bản chính và chữ viết cùng thời điểm ấy và theo luật sư Nghiêm điều này không đơn giản chút nào.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty luật SBLaw (Hà Nội) phân tích: thông thường một thỏa thuận hoặc hợp đồng cấp phép của nhạc sỹ cho một bên thứ 3 sử dụng tác phẩm của mình trong hoạt động biểu diễn thường gồm những điều khoản cơ bản sau:

- Tên và địa chỉ của các bên.

- Đối tượng của hợp đồng

- Giá trị của hợp đồng

- Thời hạn của hơp đồng

- Quyền và nghĩa vụ của các bên.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận mà ca sỹ Khánh Ly cung cấp, chỉ đề cập tới đối tượng của hơp đồng là các tác phẩm của nhạc sỹ Trình Công Sơn và giá trị của tác quyền (ghi bằng ngoại tệ). Thỏa thuận còn thiếu rất nhiều điều khoản như: Không đề cập tới vấn đề thời hạn của hơp đồng, không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, không có phạm vi lãnh thổ mà ca sỹ Khánh Ly được sử dụng tác phẩm. Bên cạnh đó, thỏa thuận chỉ đề cập tới tên nghệ danh của ca sỹ Khánh Ly chứ không đề cập tới tên thật của bà.

{keywords} 

Ca sĩ Khánh Ly

Thông thường, các thỏa thuận, hợp đồng phải ghi tên thật của các bên và có thể đề cập thêm về nghệ danh. Tiền thanh toán cho tác quyền lại ghi bằng đô la Mỹ, là ngoại tệ, không phù hợp với pháp luật Việt Nam về việc thanh toán.

Vì vậy, việc khẳng định thỏa thuận nêu trên có giá trị pháp lý hay không theo pháp luật Việt Nam là một dấu hỏi lớn?

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân luật sư Hà, thỏa thuận này có rất nhiều thiếu sót, vì vậy, không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện tại, nhạc sỹ Trình Công Sơn đã mất, để giải quyết tình trạng này, cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa ca sỹ Khánh Ly và người thừa kế của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Các khả năng có thể xảy ra từ thỏa thuận này:

Khả năng thứ nhất: Nếu các bên thỏa thuận là tôn trọng ý kiến của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì có thể lập ra một thỏa thuận mới, trong đó cho phép ca sỹ Khánh Ly được quyền sử dụng các tác phẩm của nhạc sỹ và không phải trả tiền tác quyền vì đã trả một lần rồi.

Khả năng thứ hai: Các bên đồng thuận là thỏa thuận nêu trên không hợp pháp, chấm dứt hiệu lực và ca sỹ Khánh Ly không được sử dụng tác phẩm khi chưa trả tác quyền.

Khả năng thứ ba: Nếu các bên không thể thỏa thuận được về giá trị của thỏa thuận nêu trên thfi cần có một bên thứ 3 giải quyết, có thể là cơ quan giải quyết tranh chấp như là Tòa án sẽ xem xét giá trị pháp lý của văn bản nêu trên.

Cũng cần khẳng định rằng, đây là thỏa thuận riêng giữa nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly, còn nếu các đơn vị khác khi đứng ra tổ chức chương trình, có sử dụng tác phẩm của nhạc sỹ và có mời các ca sỹ tới biểu diễn, kể cả ca sỹ Khánh Ly thì vẫn phải trả phí tác quyền cho người đại diện của tác giả.

M.Phượng + Hạnh Ngân (ghi)