- Một trong những bản giao hưởng không dài, không đồ sộ nhưng hiển nhiên kì vĩ, đẳng cấp và đã gây tiếng vang lớn cho nhạc cổ điển Việt Nam trên trường quốc tế mới đây, đó là Lệ Chi Viên (2009).

Điều kinh ngạc nhất khi đứng trước nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đó là việc nhận thức được rằng một con người tài năng lại có thể giản dị, hiền lành và ít nổi tiếng như vậy giữa cuộc đời náo động và xô bồ mà rất ít người nổi tiếng thực sự có tài năng.


Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1973) là trường hợp duy nhất của thế hệ nhạc sĩ trẻ đã liên tiếp 4 năm liền đoạt các giải nhất của Hội nhạc sĩ Việt Nam tại các hạng mục khí nhạc và thanh nhạc với những tác phẩm sáng tác từ năm 2007 đến nay.

Bắt đầu từ năm 2007 anh đoạt liền 2 giải thưởng của Hội, một giải Nhất về liên khúc giao hưởng (tác phẩm Một nửa cõi trầm) và một giải Nhì về ca khúc thính phòng (Gió lộng bốn phương). Năm 2008, anh tiếp tục đạt một giải Nhất về khí nhạc (Tứ tấu đàn dây số 2). Năm 2009 là 2 giải Nhất, thể loại thanh nhạc với ca khúc thính phòng Giấc mơ mùa lá và thể loại khí nhạc với tác phẩm giao hưởng thơ Lệ Chi Viên. Năm 2010 anh gửi 3 tác phẩm dự thi và cả 3 tác phẩm này đều giành giải - 2 giải nhất và 1 giải nhì. Giải nhất ca khúc Thế giới không chiến tranh và Giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long, tác phẩm viết cho đàn bầu với tiêu đề Đất mẹ giành giải nhì.

Trần Mạnh Hùng không chỉ là một nhạc sĩ trẻ cực kì thành công với ca khúc nghệ thuật, anh còn là nhà soạn nhạc trẻ tuổi và tài năng nhất hiện nay của Việt Nam. Giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long được viết cho Dàn nhạc giao hưởng VN biểu diễn trong chương trình những tác phẩm chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - đã được vang lên lần thứ hai ở trong chương trình Điều còn mãi 2010. Năm 2009, Giao hưởng thơ Lệ Chi Viên của Trần Mạnh Hùng đã oai hùng chinh phục thánh đường nhà hát Beethovenhalle tại nước Đức, và vào ngày 2/9/2011,  hòa nhạc Điều còn mãi lần thứ 3 lại tiếp tục chọn tác phẩm này  để giới thiệu và tôn vinh trước công chúng.

Lệ  Chi Viên được Trần Mạnh Hùng sáng tác từ những xúc cảm sâu sắc của anh với án oan ngút trời của đại thi hào Nguyễn Trãi - người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Tác phẩm được sáng tác theo đặt hàng của Festival Âm nhạc Beethoven tại Đức vào tháng 9-2009. Đó thật sự là một cú sốc ngọt ngào với người nghe nhạc Châu Âu. Bản nhạc đã ngay lập tức cuốn hút hàng nghìn khán giả Đức vốn là những tai nghe sành sỏi. không chỉ là những tràng vỗ tay nồng nhiệt của 1.700 khán giả Bon mỗi đêm và 2.200 khán giả Berlin, mà các báo của Đức cũng đã không tiếc lời khen ngợi.


Dàn nhạc giao hưởng trẻ VN trong Lễ hội âm nhạc Beethoven - Ảnh: Beethovenfest Bonn & Deutsche Welle Copyright 2009

Trình diễn cùng “Rhapsody Việt Nam” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và hai trích đoạn tác phẩm khác của Beethoven, Lệ Chi Viên đã gây được ấn tượng kinh ngạc với công chúng Đức đến nỗi, ngày hôm sau, trên mặt báo Đức đã xuất hiện rất nhiều lần các cụm từ Trần Mạnh Hùng, Bùi Công Duy, Việt Nam....

Báo chí Đức viết: “Thật cảm động khi khán giả một đất nước xa xôi biết tới một nhân vật lịch sử, hiểu được tình cảm của thế hệ hôm nay đối với người anh hùng trong lịch sử nước nhà”. “Ngay từ khi còn đi học, vụ án Lệ Chi Viên dẫn đến thảm án Nguyễn Trãi cùng ba họ bị tru di, Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ bị rơi đầu và oan khuất đã ám ảnh tôi mãi" - Trần Mạnh Hùng tâm sự sau ngày từ Đức trở về.

Những ai đã nghe giao hưởng thơ "Lệ Chi Viên" của Trần Mạnh Hùng đều không khỏi bị ấn tượng và choáng ngợp. Đó là một bản giao hưởng không dài, không đồ sộ nhưng hiển nhiên kì vĩ, mang đẳng cấp quốc tế - và hơn thế nữa - đậm màu âm nhạc Việt Nam ở lối kể chuyện, dẫn giải, những đoạn tự sự đắt giá, những tình cảm mênh mang...

Lệ Chi Viên đã được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn cực kì thành công. Sau cánh gà, đích thân giám đốc kênh truyền hình đối ngoại của Đức – Deutsche Welle (DW) thông báo đến nhà soạn nhạc - họ đo được thời gian tràng pháo tay của khán giả dành cho của Lệ Chi Viên là tràng pháo tay dài nhất so với toàn bộ các tác phẩm được biểu diễn trong đêm nhạc Beethoven - trên quê hương của chính Beethoven. Giám đốc Đài truyền hình xúc động nói với tác giả "Tôi rất thích cấu trúc tác phẩm của anh - một cấu trúc rất là đặc biệt!", nhạc sĩ Danhoff (Đức) thổ lộ "Giai điệu của anh cứ ở trong đầu tôi mãi".Có được những điều này - sự khác biệt về cấu trúc và giai điệu, đó là bởi Trần Mạnh Hùng đã làm theo cách của mình - chứ không hề bắt chước theo âm nhạc cổ điển Châu Âu.


Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trong buổi tọa đàm do báo VietNamNet tổ chức

Giao hưởng Lệ Chi Viên đã ra đời bằng sự chờ đợi của “The Orchestra Campus” (dự án dành riêng cho những dàn nhạc giao hưởng trẻ trên toàn thế giới), của kênh truyền hình đối ngoại Đức – Deutsche Welle (DW) - đơn vị đã mời Trần Mạnh Hùng sáng tác một tác phẩm giao hưởng đương đại, mang hơi thở Việt Nam, và bằng những kí ức, tình cảm, tri thức và tuổi thơ của Trần Mạnh Hùng - một nhạc sĩ/nhà soạn nhạc tài hoa với tâm hồn giản dị.

Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" ngày 2/9/2011 tới sẽ giới thiệu “Lệ Chi Viên” trực tiếp và đầy đủ đến khán giả Việt Nam, không phải chỉ với sự tưởng thưởng dành cho Trần Mạnh Hùng, mà còn là niềm kính phục và yêu mến.

Clip giới thiệu về Trần Mạnh Hùng và Poem Symphony (giao hưởng thơ Lệ Chi Viên), của kênh Deutsche Well, bằng tiếng Đức.

Hồ Hương Giang