- Những ý kiến đóng góp của các nhà báo về buổi hòa nhạc” Điều còn mãi” sẽ được lưu dấu như một phần trong lịch sử  phát triển của chương trình, nhìn từ góc những nhà quan sát.

Các nhà báo là một phần quan trọng không thể thiếu của đội ngũ tri thức yêu nước, là người có sức mệnh truyền tải kinh nghiệm và tri thức của họ, là cầu nối cho nhận thức về thông tin tới hàng triệu độc giả. Những ý kiến đóng góp của các nhà báo về buổi hòa nhạc Điều còn mãi sẽ được lưu dấu như một phần trong lịch sử phát triển của chương trình, nhìn từ góc những nhà quan sát.

Nhà báo Chu Minh Vũ: Tôi rất ấn tượng với những gì VietNamNet và nhạc sĩ Dương Thụ đã kiên nhẫn theo  đuổi. Điều còn mãi đã thành hình dạng của một sự kiện âm nhạc. Ở sự kiện đó, gồm cả hai lý do.

Một là một sự kiện một năm chỉ có một lần quy tụ được rất nhiều tài năng âm nhạc trong nhiều vai trò (sáng tác, biểu diễn, chỉ huy), nhiều màu sắc (thính phòng, cổ điển, nhạc nhẹ). Đó là một cơ hội cho cả người nghe và biểu diễn thể hiện tình yêu với âm nhạc Việt Nam một cách thánh thiện nhất.

Nhà báo Chu Minh Vũ

Hai là, sự kiện âm nhạc nhưng mang một trọng trách "kỷ niệm" một cách hấp dẫn, vừa nhắc nhở mọi người về một thời khắc lịch sử khó quên của dân tộc, nhưng lại lôi cuốn một cách tự nhiên không khô cứng về cách làm như đọc một bài diễn văn hoặc hát đi hát lại những bài tráng ca lịch sử. Với cách làm của "Điều còn mãi", kho tàng âm nhạc Việt và những tài năng Việt sẽ còn nhiều năm nữa để làm "Điều còn mãi" một cách thành công.

Tôi ấn tượng đặc biệt với nhạc trưởng Lê Phi Phi vì cách anh làm chủ được sân khấu với hàng trăm con người. Cách liên kết mọi người của Lê Phi Phi thuyết phục cả người nghe, bằng chứng là một chương trình âm nhạc rất chỉnh tề và nhiều cảm xúc. Riêng cá nhân nghệ sĩ, ấn tượng tuyệt vời dành cho Nguyên Thảo, một cái tên nhỏ bé nhưng lại gây bất ngờ vì sự tinh tế và chau truốt trong từng câu chữ của bài hát "Hướng về Hà Nội".

Nhà báo Vương Hà: "Điều còn mãi" còn là cơ hội thật sự hiếm hoi cho các tác phẩm giao hưởng - thính phòng trong gia tài rất đáng kể của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được trình diễn. Ví như "Bài ca chim ưng" của cố nhạc sĩ Đàm Linh viết cho violin và dàn nhạc là một trong những tác phẩm kinh điển của nền khí nhạc Việt Nam, nhưng từ khi ra đời vào thời kỳ đầu của âm nhạc cách mạng đến nay, rất ít có cơ hội dàn dựng và biểu diễn.Vậy mà qua tài năng của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, với tiếng đàn da diết đầy ma lực của mình, đã đem đến cho khán giả một bản giao hưởng đỉnh cao trên sân khấu Nhà hát Lớn.

Bên cạnh đó, chương trình còn dành thời gian đáng kể cho việc giới thiệu những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực khí nhạc hiện nay, như Trần Mạnh Hùng, Đặng Tuệ Nguyên, Phó An My... mà hiếm thấy có chương trình nào làm được điều này. Lâu nay, khi nói đến hòa nhạc, khán giả thường nghĩ ngay tới những tác phẩm đỉnh cao của các nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới. Nhưng ở “Điều còn mãi”, chương trình đã phản ánh sự “thuần Việt” hiếm có trên sân khấu âm nhạc Việt Nam khi toàn bộ chương trình đều dành cho các tác phẩm âm nhạc và nhạc sĩ-những người con đất Việt.

Nhà báo Trần Thị Trường (Tạp chí Âm nhạc)

Nhà báo/nhà phê bình âm nhạc Trần Thị Trường

Đứng ở cương vị một người thụ hưởng âm nhạc và nghệ thuật tôi thấy rằng "Điều còn mãi" đã tổ chức được một chương trình quá lớn về mặt nghệ thuật, lựa chọn được nhiều tác phẩm hay. Trong chương trình này, có những tác phẩm mới và cũ. Đặc biệt nếu như tên tác phẩm, tên tác giả đã cũ - là những tên tuổi kinh điển và rất quen thuộc - thì nhạc sĩ đã làm mới được nó trong hình thức khi đến với công chúng. Đây là một điều rất đáng kính nể nhất đối với cá nhân tôi. Đồng thời với những tên tuổi mới cũng đầy sức hấp dẫn đối với những người trong giới chuyên môn, trong báo giới cũng như công chúng. Và cuối cùng, cảm ơn báo VietNamNet đã làm được một việc đáng kinh ngạc khi tổ chức thành công chương trình này liên tiếp trong ba năm.

Nhà báo Lê Thoa: Tôi cảm thấy đây là một hoạt động nghệ thuật rất có ý nghĩa mà báo VietNamNet đã làm được trong những năm gần đây, đó là một trong những cách để định hướng độc giả đến những giá trị nghệ thuật đích thực. Cho đến nay, khi hồi tưởng lại chương trình, tôi vẫn thấy nguyên vẹn cảm xúc, giống như mình đang được nghe Hồng Nhung đầy nghệ sĩ, Mỹ Linh đẳng cấp, giọng hát của Trọng Tấn thể hiện cái tình với Hà Nội. 

Nhà báo Quỳnh Hương:  Tôi nhớ lại về buổi hòa nhạc Điều còn mãi năm 2010. Khi bản hợp xướng cuối cùng vang lên, tôi đã khóc. Và tôi nhìn sang lô ghế của mình thấy hai khán giả bên cạnh cũng rơm rớm nước mắt. Lúc đó, tôi cảm nhận một cách giản dị nhất "mình đang rất yêu Tổ quốc của mình". Tôi bước qua sảnh Nhà hát lớn ra ngoài, tôi nhìn thấy bầu trời Hà Nội có một màu khác hẳn. Tôi đã nhắn tin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ, nhưng chăc chắn khi đó chú không thể biết ai đã nhắn tin cho mình vì nhạc sĩ không có số điện thoại của tôi và hẳn là khi đó sẽ có rất nhiều tin nhắn đến chú.


Nhà báo Quỳnh Hương (Báo Phụ nữ TP HCM)

Nhà báo Hữu Việt: “Tôi đã theo sát với Điều còn mãi qua 2 năm 2009 và 2010. Đến năm 2011 này dù chưa được xem biểu diễn, nhưng ấn tượng chung của tôi về chương trình đó là sự nhất quán về ý tưởng. Điều còn mãi vẫn bao gồm 2 phần thanh nhạc và khí nhạc. Phần khí nhạc đã đưa được những tác phẩm và tác giả kinh điển vào trong một tổng thể. Các tác giả đương đại là những gương mặt trẻ, đã từng xuất hiện ở những chương trình Điều còn mãi trước, nhưng là tác giả tiêu biểu cho thế hệ nhạc sĩ tài năng mà chúng ta có hiện nay. Điều đó chứng tỏ, dòng nhạc kinh điển vẫn có sức sống và sức hấp dẫn người sáng tác.

Về phần thanh nhạc, ngoài những gương mặt cũ từng tham gia Điều còn mãi, năm nay có sự xuất hiện của ca sĩ  Hà PhạmThăng Long. Đây là những ca sĩ chất lượng, có tên tuổi nổi bật hiện nay. Điều này cho phép nghĩ đến chất lượng chương trình sẽ duy trì được phong độ đỉnh cao như nó vốn có.

Một điểm thú vị mà tôi thấy, đó là năm nay, những người làm chương trình dường như đã chú ý đến sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả khi mong muốn có những bài hát khán giả có thể cùng đứng lên hát theo nghệ sĩ và dàn nhạc (Đại hợp xướng "Việt Nam quê hương tôi" - tác phẩm kết chương trình). Như vậy, Điều còn mãi sẽ trở thành một cuộc mit tinh bằng âm nhạc thực sự, để lại dư âm mạnh mẽ cũng như sự hòa đồng vốn rất khó đạt được đối với dòng nhạc nghiêm túc, sang trọng.


Nhà báo Hữu Việt - Phó tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô

Tôi mong và tin Điều còn mãi sẽ được viết tiếp cùng với những tác phẩm âm nhạc hàng năm, và các tác giả sẽ viết tiếp lịch sử tâm hồn của người Việt - như nhạc sĩ Dương Thụ đã nói".

  • Hà Sơn - Hồ Hương Giang