- Vụ việc cơ quan chức năng cử người cưỡng chế, giám sát hòn đá; câu chuyện “tuyển nhầm” những đối tượng nghiện vào ngành công an hay vấn đề xử phạt xe không chính chủ…là những sự kiện gây nhiều luồng dư luận trái chiều trong năm 2012.


Cưỡng chế ... hòn đá

Ngày 29/3, chính quyền UBND huyện Chư Sê và UBND xã H’bông (Chư Sê, Gia Lai) đã tổ chức lập biên bàn thu hồi 2 hòn đá của gia đình ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông.

Giải thích lý do thu hồi 2 hòn đá, lãnh đạo huyện Chư Sê khẳng định đây là “tài sản quốc gia nên tiến hành lập biên bản thu giữ”.

Hòn đá của ông Dũng

Việc thu hồi hai hòn đá này đã bất thành do sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Dũng cũng như hàng trăm người dân chứng kiến bởi 2 hòn đá này được phát hiện ngẫu nhiên tại nhà ông Dũng, được ông đưa về nhà ngắm chơi nhưng chính quyền lại cho là khai thác khoáng sản trái phép.

Vụ việc này cũng khiến dư luận không đồng tình về cách thực thi pháp luật. Sau khi thu hồi bất thành 2 viên đá của gia đình ông Dũng, UBND huyện Chư sê đã giao cho chính quyền xã H’bông giám sát 2 hòn đá nhằm không để gia đình ông Dũng tẩu tán.

Cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng

Một vụ cưỡng chế khác khiến báo chí tốn không ít giấy, mực là câu chuyện cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Thực hiện quyết định cưỡng chế 19,3 ha của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, ngày 5/1, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức lực lượng cưỡng chế gồm hơn 100 người.

Gia đình ông Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Vụ việc đã làm 4 cảnh sát và 2 cán bộ huyện đội bị thương.

Những gì còn lại sau vụ cưỡng chế

 

Chiều cùng ngày, huyện Tiên Lãng đã phát lệnh phá nhà trông đầm và đốt lều của ông Vươn, thuê máy xúc đến phá dỡ.

Sự việc trên đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Cuối cùng, sau một tuần xảy ra cưỡng chế, Hải Phòng đã chính thức tổ chức cuộc họp báo và thừa nhận đã “cưỡng chế quá tay”.

Tuyển nhầm 8 “con nghiện” vào công an

Một vụ việc khiến dư luận khá ngỡ ngàng là việc “tuyển nhầm” 8 đối tượng có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy vào tập trung học nghiệp vụ, quân sự tại trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công an tỉnh Long An.

Sau thời gian 3 tháng, các chiến sĩ này sẽ được đưa về một số đơn vị, công an huyện nhận công tác. Trong số các “con nghiện” này, có con út của 1 lãnh đạo công an tỉnh, con của lãnh đạo công an 1 huyện, 2 con của đội trưởng nghiệp vụ công an tỉnh, cùng con của lãnh đạo một số ngành khác.

Theo quy trình tuyển chọn vào lực lượng nghĩa vụ công an, tất cả các khâu kiểm tra, khám sức khỏe, xét nghiệm nước tiểu đều do bệnh xá Công an tỉnh Long An trực tiếp thực hiện.

Thế nhưng, không biết bằng cách nào, 8 trường hợp này đã "lọt sổ" để nhận quyết định vào học tập trung 3 tháng (từ tháng 9-2012).

Ngày 8/11/2012, Công an tỉnh đã có quyết định buộc thôi học và trả về địa phương quản lý tất cả 8 chiến sĩ này.

Hà Nội quyết làm bãi đỗ xe “tai tiếng”

Dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh tại Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mặc dù vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, thế nhưng, UBND quận Hai Bà Trưng và chủ đầu tư cũng kiên quyết thực hiện.

Như VietNamNet đã phản ánh, dự án bãi đỗ xe tĩnh “tai tiếng” triển khai tại KĐT Đầm Trấu, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân.

Mặc dù chưa giải quyết những ý kiến phản đối, khiếu kiện của các hộ dân, ngày 12/11/2012, UBND quận Hai Bà Trưng dưới sự chỉ đạo của PCT UBND quận Lâm Anh Tuấn và chủ đầu tư (Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long) đã công bố kế hoạch xây dựng bãi đỗ xe Đầm Trấu.

Động đất ở Sông Tranh

Trong vòng một năm qua, gần 100 trận động đất lớn nhỏ xảy ra ở Quảng Nam. Tại huyện Bắc Trà My - nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2, gần 900 nhà dân cùng 8 công trình công cộng bị hư hỏng do động đất.

Các đoàn kiểm tra liên tục về khảo sát, những cuộc họp, những buổi hội thảo liên tiếp được tổ chức… Nhưng động đất vẫn tiếp diễn với mật độ ngày càng dày, cường độ ngày một lớn hơn.

Hiện nay, nhiều hộ dân tái định cư thủy điện trên địa bàn Quảng Nam không có đất sản xuất, nhiều hộ dân đã bỏ đi ở nơi khác hoặc vào rừng đốt nương làm rẫy; cơ sở hạ tầng nhiều công trình xuống cấp nhanh chóng, nguy cơ sạt lở cao đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Lãnh đạo các huyện miền núi bức xúc trước tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân các khu tái định cư thủy điện. Còn lãnh đạo huyện Bắc Trà My khẳng định: Từ nay, các đoàn đến Bắc Trà My huyện sẽ không tiếp đón nữa, vì không giải quyết được vấn đề gì!

Chính chủ

Nghị định 71/2012 của Chính phủ có đề cập đến nội dung về nâng mức xử phạt ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ đã châm ngòi một cuộc tranh luận dữ dội trong dư luận.

Câu chuyện xử phạt xe không chính chủ gây nhiều tranh cãi -  (Ảnh minh họa)

Nhiều điểm chưa hợp lý đã lộ ra khi Nghị định 71 được ban hành và đi vào thực tế.

Trong cuộc họp báo của Chính phủ tháng 11/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong lúc chờ soạn thảo lại thông tư, CSGT không được xử phạt xe không chính chủ và Chính phủ đã giao các bộ xem xét để có mức phí phù hợp và thủ tục đơn giản hơn.

Huyện quyết tâm, dân vẫn nuôi hổ

Sau khi VietNamNet có loạt bài phản ánh về tình trạng "nuôi nhốt hổ như nuôi lợn" ở huyện Yên Thành (Nghệ An), cơ quan chức năng đã vào cuộc truy bắt nhưng chưa có kết quả thì thông tin công an huyện Diễn Châu vừa bắt được 2 cá thể hổ có nguồn gốc từ xã Đô Thành khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngại.

Tại cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Thể, người nuôi hổ khai nhận, giữa 10/2012 vừa qua, báo chí phản ánh tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép ở Đô Thành, cơ quan chức năng vào cuộc truy bắt, một số hộ dân ở đây đã mang hổ đi đến nơi khác gửi nên bà cũng làm theo.

2 cá thể hổ mà Công an huyện Diễn Châu đã bắt giữ ngày 06/12 có nguồn gốc từ xã Đô Thành

Liên quan đến vụ việc người dân nuôi hổ trái phép ở huyện Yên Thành, PV VietNamNet đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, cả trực tiếp và qua điện thoại nhưng đều nhận được cái “lắc đầu” vì “đang bận việc”.

Thực tế, dù Bộ NN&PTNT đã có công văn số 3587/BNN-TCLN yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý và báo cáo về bộ trước ngày 10/11, nhưng đến thời điểm hiện tại lãnh đạo Nghệ An nói chung, huyện Yên Thành nói riêng lại vẫn tỏ ra băn khoan trước câu hỏi “Có hay không việc nuôi nhốt hổ ở Đô Thành”, dù VietNamNet đã phản ánh khá tỷ mỉ và xác thực.

L.Lam (Tổng hợp)