- Rất nhiều xe quá tải lưu thông trên tuyến đường QL10 dễ dàng “qua mặt” trạm cân mà không bị kiểm tra tải trọng. Lãnh đạo CSGT Nam Định giải thích: chỉ kiểm tra tải trọng những xe “nghi” quá tải qua quan sát bằng… mắt và kinh nghiệm!?

LTS: Những con đường vừa làm xong bị 'giết chết' một cách không thương tiếc. Những tai nạn đau lòng do hậu quả từ 'ổ voi', 'ổ trâu', 'con lươn', 'luống khoai' trên quốc lộ. Những mối bất an mỗi khi lưu thông trên quốc lộ. Tất cả đến từ xe quá tải, quá khổ...

Làm gì để ngăn chặn, 'dẹp loạn'?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành cần liên tục kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24h/ngày và 7 ngày/tuần, kiên quyết chấm dứt.

Bộ trưởng GTVT đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm phải cơ bản kiểm soát được xe chở quá tải, bởi nếu không nhiều tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng lại sẽ bị phá hỏng.

Bộ GTVT thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ôtô chở quá tải tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại 31 tỉnh thành trong cả nước.

Đích thân Bộ trưởng, Thứ trưởng và Tổng cục trưởng của Bộ GTVT đã không dưới một lần đi 'bắt' xe quá tải.

Nhưng, trên nhiều tuyến đường, xe quá tải vẫn tìm cách né trạm và hoạt động tinh vi, thủ đoạn hơn. Và những con đường lại tiếp tục bị 'giết' một cách không thương tiếc.

Từ 8/9, VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Xe quá tải giết chết những con đường"..

Việc đặt trạm cân một chiều, vô hình trung, đã khiến chiều còn lại, các xe quá tải được “buông” một cách… hợp lệ!

Quá tải… một chiều!

Nam Định là địa phương “trung chuyển” của các xe chở hàng từ Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình sang Hà Nam, Hà Nội…

{keywords}
Xe chở tải lưu thông theo hướng Ninh Bình - Nam Định qua trạm cân đặt tại chân cầu Lộc An (Km111 Nam Định) vào chiều ngày 19/8 mà không gặp bất cứ sự "cản trở" nào!

Theo phân trần của Chánh thanh tra giao thông tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Minh Thụy, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với lưu lượng xe chở tải lưu thông qua địa phương này.

Cho nên, đường QL trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp lỗi chính là do các xe chở tải của các địa phương khác lưu thông qua đường Nam Định.

Tuy nhiên, một thực tế vẫn kéo dài từ thời điểm áp dụng đợt cao điểm kiểm tra tải trọng xe từ 01/4 đến nay, trạm cân xe quá tải của Nam Định chỉ được đặt… một chiều.

Thời điểm từ đầu tháng 4 đến khoảng tháng 7/2014, trạm KTTT của Nam Định được đặt tại khu vực gần với đền Trần – Cầu Đá (cách cầu Tân Đệ) chừng vài Km. Hơn một tháng nay, trạm cân này được đưa về Km111 khu vực chân cầu vượt Lộc An (đường QL10 mới Nam Định – Ninh Bình).

Chiều ngày 19/8, trong khoảng thời gian từ 17h kém 20’ đến khoảng 18h30’, phóng viên đã thị sát khu vực trạm cân đặt tại điểm chân cầu vượt Lộc An, đối diện cụm Công nghiệp An Xá (Nam Định).

Vị trí trạm KTTT đặt bên hướng Ninh Bình đi Thái Bình.

Theo quan sát, có hàng chục lượt xe đi qua (bao gồm có tải và không tải), tuy nhiên, không xe nào bị lực lượng làm nhiệm vụ dừng xe, yêu cầu kiểm tra trọng tải.

Rất nhiều xe container mang biển số ngoại tỉnh; nhiều xe trọng tải lớn (vài chục tấn) chở hàng có phủ kín bạt… đi qua, nhưng cũng không có cán bộ của trạm cân ra hiệu lệnh dừng xe.

Đơn cử: các xe mang BKS 18C - 011... (không hàng); 17C – 029... (không hàng); 77H – 32.. (có hàng); xe container 15C – 092... (có hàng); 29C – 296.. (có hàng)… dễ dàng đi qua trạm cân mà không gặp bất cứ hiệu lệnh nào.

{keywords}
 

{keywords}
Theo giải thích của Chánh TTGT tỉnh Nam Định: TTGT chỉ làm nhiệm vụ KTTT xe khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và bàn giao lại. Trưởng phòng CSGT Nam Định thì cho hay: chỉ những xe nào "có dấu hiệu quá tải" mới ra hiệu lệnh dừng, bởi nếu xe nào cũng dừng thì... không đủ lực lượng và không đủ chỗ để cho xe đỗ!

Khoảng 18h, PV di chuyển theo hướng đường QL10 mới (Nam Định – Thái Bình) qua cầu vượt Lộc An để thị sát. Cách trạm cân chừng 1km, một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ.

Chúng tôi bám theo xe chở tải mang BKS (…) từ điểm đường chân cầu vượt Lộc An đi theo hướng Ninh Bình – Hải Phòng. Theo quan sát, xe này rất có khả năng vượt tải. Tuy nhiên, khi qua trạm cân, chiếc xe này vẫn lưu thông một cách bình thường mà không gặp bất kỳ “cản trở” nào.

Cũng trong chiều ngày 19/8, PV thị sát tuyến đường từ BigC Nam Định sang Ninh Bình qua đường 10 mới. Rất nhiều xe có tải (BKS 18N – 64.. chở cát vượt quá mức cho phép, phủ bạt kín); xe container BKS 34R – ...70 chở hàng 2 “công”…).

Theo quan sát bằng mắt thường, những xe này rất có khả năng vượt tải. Tuy nhiên, vì làn đường bên này (hướng Thái Bình đi Ninh Bình theo đường QL10 không đặt trạm KTTT), thành ra, tất cả các xe chở tải này đều được “buông” một cách… hợp pháp!!!

Xe ôm đi… làm luật!?

Theo tìm hiểu, tình trạng xe ôm đi “làm luật” để né trạm cân cũng không phải hiếm gặp ở Nam Định.

Anh N.V.T, một người kinh doanh vận tải ở Nam Định cho hay: các xe chở hàng thường được các xe ôm đứng ra làm “trung gian” để “lách” trạm cân.

Có hai hình thức: xe ôm dẫn đường tắt để né trạm cân; hoặc đứng ra “làm luật” thay cho chủ xe.

{keywords}
 

“Họ thường nói, có “quan hệ” với các trạm cân, và có thể đứng ra làm ‘trung gian” để xe qua mà không bị kiểm tra tải trọng. Mỗi một chủ xe phải chung chi cho những xe ôm này từ 3 – 500.000 đồng” – anh T. cho biết.

Xác nhận điều này, Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng CSGT tỉnh Nam Định lý giải: cánh xe ôm lợi dụng việc Nam Định phân làn cho các xe chở tải thời điểm diễn ra Lễ hội Đền Trần để giảm ách tắc giao thông ở khu vực lễ hội, cho nên có nhiều đường nhánh, đường tắt. Họ nhận dẫn đường để né trạm cân (thời điểm trạm KTTT đặt tại khu vực gần đền Trần.

“Chúng tôi đã nắm bắt được thực tế này, nhưng rất khó để có thể bắt quả tang các đối tượng. Vì xe ôm đi trước dẫn đường, nhưng nếu có lực lượng kiểm tra, họ ngay lập tức bỏ đi hoặc không thừa nhận. Còn các chủ xe, đương nhiên cũng không dại gì mà thừa nhận mình nhờ xe ôm dẫn đi đường tắt” – Đại tá Luân cho hay.

Theo ông Luân, Công an tỉnh Nam Định vừa xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để dẹp bỏ vấn nạn xe ôm dẫn đường né trạm cân hoặc đứng ra làm “cò” cho xe quá tải.

Giải thích về tình trạng, hàng loạt xe chở tải đi qua trạm cân mà không “bị” lực lượng yêu cầu dừng xe để KTTT, Đại tá Luân cho hay: mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe đi qua địa bàn Nam Định, lực lượng trạm cân rất mỏng (gồm 10 người, bao gồm 02 TTGT; 02 CSGT; 03 CSCĐ, còn lại là nhân viên cân) nên không thể xe nào cũng KTTT được.

{keywords}
Hai xe có tải lưu thông theo làn bên kia hướng Nam Định - Ninh Bình vào chiều 19/8 cũng được "buông" KTTT, chỉ vì lý do: hướng lưu thông này không đặt trạm KTTT!

“Thông thường, anh em quan sát bằng mắt, và bằng kinh nghiệm của mình, nếu như xe nào có dấu hiệu quá tải mới ra hiệu lệnh dừng xe; sau đó chuyển cho TTGT làm nhiệm vụ cân KTTT.

Việc kiểm tra này cũng còn phải đảm bảo không gây ùn tắc giao thông cho tuyến đường đặt trạm cân, cho nên, việc 100% xe dừng để cân là việc không thể” – ông Luân nói.

Trong khi đó, Chánh TTGT tỉnh Nam Định thì giải thích: việc ra hiệu lệnh dừng xe để KTTT là việc của CSGT. TTGT chỉ làm nhiệm vụ cân xe khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe có dấu hiệu vi phạm, rồi bàn giao lại cho trạm cân. TTGT không có vai trò dừng xe để kiểm tra!!!

Về việc trạm cân chỉ đặt một chiều, “buông” một chiều, Chánh TTGT Nam Định giải thích: cả tỉnh Nam Định chỉ có một xe cân cố định, ngoài ra có một vài cân lưu động, nhưng chất lượng cân không đảm bảo độ chính xác, và lực lượng cũng mỏng, nên đành phải chấp nhận đặt trạm cân chiều này, và… “bỏ” chiều còn lại!!!

K.Trung – H.Sang

>>BÀI 1: HÌNH ẢNH KHÓ TIN DƯỚI VỆT BÁNH XE QUÁ TẢI
>>BÀI 2: TÀN PHÁ ĐƯỜNG NGÀY ĐÊM Ở 'ĐIỂM NÓNG' VỀ QUÁ TẢI

>>BÀI 3: XE QUÁ TẢI VÔ TƯ 'VƯỢT' BIỂN CẤM NGAY TẠI HÀ NỘI

>>BÀI 4: CUNG ĐƯỜNG 'NGÀN MẢNH VÁ' DƯỚI BÁNH XE TẢI

>>BÀI 5: CẢNH XE QUÁ TẢI XẾP HÀNG 'VƯỢT MẶT' TRẠM CÂN

>>BÀI 6: XE QUÁ TẢI VƯỢT TRẠM CÂN TRÊN QUỐC LỘ HUYẾT MẠCH

>>BÀI 7: VÌ SAO XE QUÁ TẢI VẪN LỌT TRẠM CÂN TRÊN QL5?
>>BÀI 8: BẤT CHẤP 'LỆNH', XE QUÁ TẢI VẪN RẦM RẬP NHƯ ĐI HỘI
>>BÀI 9: 'CAM KẾT CHO HAY', XE QUÁ TẢI VẪN MẶC SỨC TUNG HOÀNH
>>BÀI 10: TRẠM CÂN 'NÉ' XE TẢI, TỈNH NẰM GIỮA MẮC KẸT
>> BÀI 11: NHỮNG MÉT ĐƯỜNG BỊ 'GIẾT' DƯỚI VỆT BÁNH XE TẢI

>> BÀI 12: XE QUÁ TẢI 'OANH TẠC' MỌI TUYẾN ĐƯỜNG
>> BÀI 13: CẢNH XE QUÁ TẢI ÀO ÀO VƯỢT TRẠM CÂN

>> BÀI 15: XE QUÁ TẢI XÉO NÁT TUYẾN ĐƯỜNG ĐỘC ĐẠO
>> BÀI 16: 'LÃNH ĐỊA' CỦA HÀNG TRĂM CHUYẾN XE QUÁ TẢI