- Tẩn Cao Long về xuôi chữa bệnh vì bệnh suy tủy. Không hiểu sao mà cha Long ngày nào cũng khóc… tại 4 bức tường bệnh viện khô cứng, hay nỗi đau chênh vênh về số phận con nhỏ 5 tuổi bị bệnh hiểm nghèo?

TIN BÀI KHÁC:


Bệnh nặng ở bản nghèo Tả Phìn

Đôi mắt Tẩn Cao Long cứ nhìn người khác hay háy thế này…
Tẩn Cao Long là em bé người Dao đến từ bản Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, Tỉnh Lai Châu. Vùng đất đá lạnh ấy chẳng hiểu sao lại sinh ra một đứa trẻ bị bệnh nặng đến mức những bác sĩ miền xuôi cũng phải lắc đầu.

Ngồi trong phòng bệnh đặc biệt, cách ly, bố Long là anh Tẩn A Phổng (1984) kể chuyện: Đang mùa cấy, cả nhà đang ở nương thế nhưng có người nói ở huyện có một đứa bị bệnh giống Long (khắp người nổi những u cục và mảng tím) đã phải đi viện ở trên tỉnh… Đang mùa cấy, em phải gác cày bừa, đưa con đi viện.

Một tuần ở bệnh viện huyện Sìn Hồ, bác sĩ chuẩn đoán và chữa trị cho Long bằng các biện pháp thông thường nhưng bệnh không khỏi. Chuyển lên tuyến trên, bệnh viện tỉnh Lai Châu chuẩn đoán đúng bệnh là suy tủy thì Long được các bác sĩ tiếp máu cầm chừng, để bố mẹ em có thời gian xoay tiền đưa ra Hà Nội.

Từ ngày bố mẹ thấy những dấu hiệu khác lạ ở Long đến nay đã được 2 tháng. Vừa chữa bệnh, vừa nghỉ chờ tiền… Bây giờ cậu bé Long còi cọc ngày nào giờ đã béo và trắng ởn. Bệnh làm cơ thể em tích nước và bề mặt da phù lên. Long 5 tuổi, cân nặng được 18kg.

Hôm trước các bác sĩ cho gọi chị gái Long là Tẩn Đình Mẩy tới viện để xét nghiệm máu xem có thể cho em tủy hay không. Lần đầu tiên ra Hà Nội, chị gái Long nhìn bệnh viện quá đẹp, đồ chơi quá nhiều… Thế nhưng chơi được 1 ngày, Mẩy đã ngân ngấn nước mắt nhìn em mình mà bảo: “Mày phải ngoan, chữa bệnh nhanh lên để về không tao không cho mày máu đâu”.

Khi ấy Long đã khóc ré lên và chạy ra bảo bố. Còn bây giờ, lúc nào Long cũng muốn về nhà…

Chăm làm, giản dị mà vẫn khốn khổ

Mẹ Long là Tẩn Mí Khoai, khi chồng đưa con trai đi viện, chị Khoai ở nhà chăm đứa con còn lại và cấy nốt vụ vừa rồi. “Em đưa con đi viện, ở nhà lại thương vợ, cầm cái bừa nặng đi bừa”.

Sống ở vùng đất núi đá, cả anh Tẩn A Phổng và chị Tẩn Mí Khoai đều chăm làm. Thế nhưng, chăm làm lắm mà vẫn không đủ tiền con đi viện.

Bố của Long luôn cúi mặt, giấu nước mắt của một người đàn ông trẻ tuổi bất lực với bệnh tật của con mình
Long cũng là một đứa trẻ ngoan. Các bác sĩ khi tiêm cho Long chỉ cần an ủi một câu: “Bác tiêm để khỏi ốm về nhà sớm nhé!” Là Long không khóc. Đôi mắt dù có rơm rớm nước mắt thì cũng không bật ra một tiếng kêu nào. Như một đứa trẻ hiểu phận nghèo, Long không đòi đồ chơi.

Nghèo, xuống viện vẫn cần tiền. Anh Phổng vay tiền của tất cả mọi người có thể vay… thì được 8 triệu. Anh Phổng tính toán: “Bữa sáng thì em mua bún hay phở cho cháu, em chẳng cần ăn. Ở đây không lao động thì không cần ăn cơm. Cơm bữa trưa và bữa tối thì được phát miễn phí, đỡ rất nhiều. Còn một số tiền ở viện buộc phải đóng… nên tiền cũng chẳng còn đáng là bao”.

Một số người có con bị bệnh ung thư nằm chung phòng, thấy hoàn cảnh của Long, cũng rút ví đưa cho cháu 1 hay 2 trăm.

Tất cả là vì khó … tiền


Bác sĩ Dương Bá Trực, Trưởng khoa Điều trị huyết học lâm sang là người trăn trở nhiều về hoàn cảnh của bố con Long: Cháu bị bệnh suy tủy, có thể chọn truyền hóa chất để đẩy lùi bệnh hoặc sử dụng tủy của một người anh em trong nhà để ghép cho bệnh nhân. Cả hai cách đó thì đều đòi hỏi bệnh nhân kiên trì và có một điều kiện kinh tế nhất định. Cứ vài tháng lại phải quay lại tái khám 1 lần.

Khi giải thích cho anh Phổng về tình trạng bệnh và phương thức chữa bệnh cho Long, anh Phổng khóc thút thít đòi về. Đưa con đi chữa bệnh 1 lần, anh Phổng đã sợ lắm. Đằng này lại ở viện một đợt lâu khi về lại phải quay lại… nghe còn sợ hơn.

“Từ điều kiện sống rất khó khăn, người vùng cao ngại khó chữa bệnh. Họ nghèo khổ nên thiếu kiên trì đối với một bệnh nan y. Tôi đã nói với họ, không có tiền thì phải đi xin tài trợ, bệnh khó có thể chữa…” bác sĩ Trực nói lại.

Thế nhưng, tiền ở trong túi không có, chưa có nguồn tài trợ chữa bệnh. Anh Phổng chưa thật sự quyết tâm chữa cho con đến cùng vì nghèo khó. Hằng ngày, trái với quyết tâm của bố, bé Long đang chống chịu tốt với bệnh tật và đáp ứng điều trị tốt.

Đầu tuần một ngày cuối tháng 7, qua những dòng thư của bạn đọc, VietNamNet tìm đến hoàn cảnh của Long. Nhìn Long, thấy chẳng thể lẫn vào đâu đôi mắt ấy, những đôi mắt vùng cao đất lạnh về miền xuôi chữa bệnh… những đôi mắt long lanh như quá sợ với đau đớn trên đời.

Để giúp Long và củng cố thêm quyết tâm chữa bệnh cho con của anh Phổng, chúng tôi kêu gọi bạn đọc chia sẻ với với hoàn cảnh này.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Cháu Tẩn Cao Long khoa Điều trị huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung Ương (Điện thoại anh Phổng 01655850976)
2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cháu Tẩn Cao Long)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
-Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
-Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn


Tĩnh Phan