- Bị thu hút bởi các bài “Đại gia Việt: Đón những gương mặt mới”, “Đại gia Việt nguy khốn: Bỏ đam mê, bán bớt tài sản”, nhiều bạn đọc đã gửi email về Báo VietNamNet luận bàn vấn đề này.

TIN BÀI KHÁC:


‘Đại gia’ chỉ là… ‘phú ông’?

Email nhuvuonghd@gmail.com nêu ý kiến: Ở VN cứ giàu có, nhà lầu xe hơi là được gọi là ‘đại gia’. Không biết là làm ăn có phải bằng thực lực và trí óc không, hay là vơ vét của người nghèo, trốn thuế, cúp lương, buôn lậu, buôn gian, bán lận?

Tán đồng của Trần Minh Thúy, email tran_minhthuy2002@yahoo.com: “Xin đừng vội tung hô và tự phong cho ai hết, ngựa phi đường dài mới biết con ngựa nào hay. Rất nhiều ‘đại gia’ sống ảo tưởng giàu sang bằng đồng tiền đi vay nợ, vung tay tiêu xài quá trán, đến khi mất cửa, mất nhà vẫn không nhận ra mình và không dám chấp nhận sự thật. Đây là bài học đắt giá cho các ‘đại gia’ ảo VN”.

Quan niệm của Trịnh Đình Hà, email trinhha59@gmail.com: “Nếu những ông chủ kia đi lên từ việc đầu tư kinh doanh các ngành kỹ thuật mang lại nhiều giá trị thặng dư, xây dựng được thương hiệu làm vẻ vang cho trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam thì hãy nên ca ngợi. Còn dựa vào cơ chế, vào luồn lách, đi đêm, thậm thụt, buôn tiền một cách không minh bạch... mà phất lên thì đừng tâng bốc vội”.

Email trungdung12@yahoo.com.vn ‘bật mí’: “Đại gia’ Việt là thế nào nhỉ? Tôi đã từng gắn bó, làm việc với một trong những ‘đại gia’, nhưng thật sự thất vọng khi thấy ông chủ chỉ cơ hội, chộp giật... hay ngắn gọn hơn là rình lấy tài sản của dân, của nhà nước cho vào túi mình”.

Suy nghĩ của Linh Chi, email linhchi9v@yahoo.com: “Trong nhận thức của tôi ở VN chưa có ‘đại gia’ nào cho đúng nghĩa cả. Hầu hết họ được tạo ra trong cơ chế xin- cho, chạy chọt, nịnh bợ .. chứ chưa có những doanh nhân tầm cỡ từ tư duy kinh tế, nhạy cảm về thị trường, dám nghĩ, dám tạo ra những sản phẩm có thương hiệu uy tín trong nước và thế giới. Hầu như tất cả những người giàu có của VN đều phất lên nhờ bất động sản hay biến động cơ chế”.

Cách nhìn của email Laolam@yahoo.com.vn: “Ở VN hiện tại, những người được gọi là ‘đại gia’ chỉ là các ‘phú ông’. Có thể ‘phú ông’ gây ra sự ngạc nhiên, nhưng không có được sự ngưỡng mộ”.

Nguyễn Trung Trực, email nguyentrungtruc@gmail.com lại cho rằng: “Đại gia’ ở VN hiện nay chỉ là những người đầu tư liều lĩnh và có người ‘đỡ’ nếu họ ngã. Họ sẽ chẳng làm được gì nếu không có bàn tay của các ‘nhóm lợi ích’ giúp đỡ, thậm chí còn đạo diễn”!

Email vuan@gmail.com so sánh: “Hãy xem nước Mỹ và các nước phát triển, ‘đại gia’ của họ là ai, làm được gì? Còn ‘đại gia’ của mình chỉ có bán tài nguyên, abc...chứ đâu có một sản phẩm nào được bán đi cả thế giới như iphone, google...”?

Gia Huy, email giahuy@gmail.com bổ sung: “Cỡ như anh Bill của ngành CNTT mà nước Mỹ chỉ thống kê và nói là người giàu nhất thôi. Họ đâu dùng cái từ ‘đại gia’ để chỉ những người có tiền (đem tài nguyên đi bán, nhất là đất đai) như ở ta. Hiện tại chỉ chú tâm đến công tác từ thiện nhưng năm rồi anh Bill cũng bỏ túi hơn 6 tỉ USD. Lợi nhuận này chắc cộng hết các ‘đại gia’ của Việt Nam lại làm trong vòng 10 năm nữa cũng không biết có được không? Đó mới thực sự là đại gia - Đại gia của trí tuệ. Họ làm giàu bằng chất xám, tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ loài người. Vì thế họ rất đáng kính. Chứ lợi dụng cơ hội đem đất đai đi bán mà giàu thì có gì là hãnh diện”?

Bé như quả cam còn hơn to như… quả bóng bay

Email tranhuuthung@gmail.com đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu họ cứ muốn thành ‘đại gia’ để khoe mẽ hay là có cùng tật xấu của những người ‘thích thành tích’? Liệu có mấy ‘đại gia’ đúng nghĩa trăn trở cống hiến được gì cho xã hội, hay chỉ phục vụ một vài ‘nhóm lợi ích’? Tôi không phục các ‘đại gia’ này bằng những người lao công, công nhân xây dựng...giúp ích được cho xã hội và phần mình luôn bị thiệt thòi”.

Câu hỏi khác, của email duocnguyen77@yahoo.com: “Tiền các ‘đại gia’ thâu tóm công ty này, công ty kia từ đâu mà ra, đã minh bạch dòng vốn chưa? Hay toàn tiền vay mượn, sau đó phá sản, kêu gào nhà nước đứng ra bảo lãnh, mua nợ xấu, dân có được hưởng lợi gì đâu, mà chỉ phục vụ vài ‘nhóm lợi ích”!

Lê Thanh, email Thanhdol@yahoo.com ngờ ngợ: “Ngân hàng Phương Nam mấy năm trước suýt phá sản, bỗng dưng đủ tiền mua được Sacombank? Cần phải xem mấy ngài này đã đóng bao nhiêu thuế cho nhà nước? Không phải thuế GTGT, mà phải là thuế TNCN hoặc thuế TNDN ấy”.

Ý kiến của Hà Thu Thu, email quyencto@gmail.com: “Đại gia’ kinh doanh BĐS mua 1 bán 10, bán 1 miếng đất xây 10 căn biệt thự, ăn chơi, vung tiền quá trán. Bây giờ lại kêu la lỗ nặng, lỗ nhẹ, đòi nhà nước cứu, tiền ở đâu mà cứu mấy ông? Hãy cứu những người thiệt thòi, những con người làm ăn chân chất, sử dụng chất xám của mình cống hiến cho xã hội, nhưng vẫn không đủ tiền để mua nhà ở”.

“Có ai phân loại được các ‘đại gia’ làm giàu cho đất nước, cho mình và các ‘đại gia cơ hội’ làm khổ dân nghèo? ‘Đại gia’ mà làm cho đất nước nghèo đi thì cần xử lý ngay”, đó là đề xuất của email ceylan@gmail.com.

Lời bình của email trailang0912@yahoo.com: “Đất nước thì trong tốp nghèo của thế giới, khoa học công nghệ thì chẳng có lĩnh vực nào nổi trội cả. Sau mấy năm mà nghe lắm ‘đại gia’ với khối tài sản nghe như đếm lá trong rừng, khiến người dân phát choáng! Nên trở về với hoàn cảnh thực cho nó bền vững, bé như quả cam còn hơn to như quả bóng bay”.

Giọng bình tĩnh của email ducloi.psp@gmail.com: “Từ ‘đại gia’ là xã hội, báo chí và chính chúng ta dùng. Thực ra, những người được gán cho hai từ ‘đại gia’ đó phải nhìn nhận họ là những người bình thường như chúng ta, nhưng họ lại là người đi tiên phong, họ dám nghĩ dám làm, họ mang lại công việc cho xã hội. Đồng ý rằng có những người đi bằng đường thẳng, có người đi đường tắt, nhưng mọi người cũng hãy công bằng với họ, nhờ họ xã hội có thêm công ăn việc làm. Họ khốn đốn thì chúng ta thấy ngay, mọi người ảnh hưởng, hãy nhìn nhận tích cực hơn và chia sẻ với họ”.

Ban Bạn đọc