- Được dành cả buổi sáng để tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII nhưng nhiều đoàn không dùng hết thời gian, thậm chí có đoàn đã tổng kết sớm từ hôm trước do ghép chung với buổi thảo luận về nhiệm kỳ Thủ tướng. Đa số các đoàn đều động viên những ĐB không tái cử nói những lời tâm huyết cuối cùng.


Đại biểu cũng cần Luật tiếp cận thông tin

Dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ XII là bước tiến trong hoạt động chất vấn, giám sát. Nhưng còn nhiều rào cản để hướng tới QH chuyên nghiệp.


Chuyện QH "bác" dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được dẫn lại như điển hình cho việc QH làm được những việc chưa từng có tiền lệ, xóa dần đi cái tiếng "nghị gật".

Nhưng, không ít lãnh đạo các ủy ban đã chỉ ra, vai trò của QH trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước vẫn mờ nhạt.

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải nói, QH đã sửa Nghị quyết 66 về những công trình dự án quan trọng thành nghị quyết 49, nêu chi tiết hơn những tiêu chí mà một dự án lớn phải trình QH như số tiền, ảnh hưởng môi trường... Nhưng mỗi khi bấm nút, ĐBQH vẫn băn khoăn khái niệm thế nào là công trình quan trọng. Nhiều công trình lớn nhưng bên Chính phủ đưa sang thẩm tra muộn nên vẫn cập rập.

"Ngay dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá  56 nghìn tỷ, phải trình lên cơ quan thẩm tra trước 60 ngày, nhưng Chính phủ gửi sang chỉ trước 30 ngày", ông Khải nhớ lại.

Chẳng những thiếu thông tin mà QH thiếu cả cơ chế và tài chính thuê tư vấn nước ngoài. Ông Khải nhẩm tính, mỗi dự án công trình quan trọng quốc gia được chi vẻn vẹn khoảng 100 triệu đồng. Thời gian gấp gáp rồi cái khó bó cái khôn, khiến ĐB dù nỗ lực đến mấy cũng không làm xuể.

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã phàn nàn, thiếu thông tin thì không thể biểu quyết chính xác. "Tôi là Phó Chủ nhiệm,  tương đương với Thứ trưởng, nhưng chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo đều không được tiếp cận, vì tài liệu nào cũng đóng dấu MẬT", ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, ĐB cũng cần luật tiếp cận thông tin.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, cuối nhiệm kỳ nên đánh giá kết quả việc QH thực hiện chức năng quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, xem hiệu quả đến đâu.

"Chưa được coi trọng lắm"

Có người giúp việc và bộ máy chuyên môn mà ủy ban còn kêu khó, nói gì đến đoàn ĐBQH ở tỉnh và chuyên trách địa phương. Vì vậy, cả Phó đoàn chuyên trách Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai  lẫn trưởng đoàn ĐBQH  Phú Yên Trịnh Thị Nga đều "chạnh lòng" khi tâm sự rằng  muốn thực hiện quyền đại diện cho dân cũng khó.


Theo bà Mai, hình ảnh của ĐBQH với chính quyền và dân mờ nhạt. 

"Một trí thức ở Vusta từng phát biểu rằng dưới con mắt chúng tôi các ĐBQH chưa được coi trọng lắm. Quả thật, tuy có thẻ đại biểu nhưng không dễ làm việc", bà Mai nói.

"Xin lỗi" trót nói nhiều bởi lý do khóa sau không tái cử, bà Bạch Mai cho rằng, QH đang bị động chạy theo Chính phủ. Nhiều ủy ban kêu phải vắt chân lên cổ để thẩm tra, phải làm việc cả ban đêm ngay giữa kỳ họp cho kịp công việc, nhưng bận bịu vậy "tất cả đều do lỗi của chúng ta, do sự thiếu quyết liệt", bà Mai nói.

́Sở dĩ tiếng nói của ĐBQH bị coi nhẹ một phần do kiến nghị đưa ra không được giải quyết cũng không ai truy cứu trách nhiệm nên dẫn tới "nhờn thuốc".

Bà Mai đơn cử, khóa XI đã giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản, nêu nhiều kiến nghị xác đáng. Khóa XII lại tiếp tục giám sát vấn đề này, cũng chừng ấy ý kiến. Nhưng rồi lại tiếp tục bỏ ngỏ giám sát thực hiện kiến nghị.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội)  cho rằng vai trò giám sát của cá nhân ĐB vẫn lu mờ. Nghị sĩ  các nước có thể hẹn lịch làm việc riêng với bộ trưởng, nội dung cuộc làm việc được công bố với báo giới, dùng sức ép công luận, "ở ta không phải ĐB không muốn làm mà là vì thiếu cơ chế, thông tin, thiếu bộ máy hỗ trợ", ông Quyền  nói.

ĐB Nghiêm Vũ Khải:  "Ở các nước ít nhất tương đương với mỗi bộ bên Chính phủ là 1 ủy ban bên QH".

Theo bà Bạch Mai, vẫn cơ chế này thì không khuyến khích được người tâm huyết, tài năng tham gia QH.  "Vì nhiệm vụ mà làm thôi, nhưng làm rồi thì vẫn tâm tư lắm", bà Mai tâm sự.

Nói như ông Đinh Văn Nha, đi giám sát không cần đoàn to, đoàn nhỏ mà từng đại biểu phải phát huy giám sát cá nhân mới thực sự hiệu quả. Nhưng, cơ chế hiện nay khiến cho ở các tỉnh, vị trưởng đoàn nào có trách nhiệm và tích cực thì kéo theo hoạt động của đoàn ở đó hiệu quả, và ngược lại. Khóa tới, ông Nhã cho rằng các UB nên tận dụng thông tin từ đoàn ĐBQH tỉnh. Cơ chế hiện nay, không ai đánh giá chất lượng hoạt động nên ĐB làm việc theo trách nhiệm, làm được đến đâu thì làm.

Nên có chính kiến

Tổng kết chuyện làm luật, ai cũng phàn nàn tình trạng luật sơ sài, ĐB thiếu thông tin, nể nang, e dè. Nhiều bộ luật dân cần nhưng quan không vội nên vẫn "treo" như Luật đất đai, Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin...

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, thử so sánh Luật đất đai (còn nợ) và Luật phòng chống mua bán người sẽ thông qua kỳ này đủ biết luật nào cần cho dân hơn.

Chính phủ đã nhận ra lỗ hổng̀ thể chế, nhưng luật về tổ chức bộ máy vẫn chưa kịp sửa. "Khi chúng ta có một bộ máy tốt, một thiết chế tổ chức tốt thì ai ngồi vào đó cũng sẽ làm tốt và  một cá nhân cũng sẽ không còn có thể ảnh hưởng tới bộ máy được", ông Khải nói.

Bà Mai phàn nàn, các dự án luật tuy vẫn than sơ sài nhưng cũng  bấm nút. "Khóa vừa rồi chất lượng các luật chuyên ngành chưa sâu, do đại biểu không am hiểu nên phát biểu không trúng. ĐB không phải là chuyên gia nhưng khi nói ở hội trường phải có chính kiến", bà Mai đề xuất.

ĐB Nguyễn Lân Dũng gợi ý học tập kinh nghiệm nước ngoài, QH nên tổ chức một bộ phận ĐB chuyên trách  làm luật,  trả lương thật cao.

Theo Nghị trình, ngày 28/3, QH sẽ thảo luận ở hội trường về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.

"Đầu tư không ít tiền cho QH đi giám sát nhưng ta đã công khai cho những ai, có thông tin cho báo chí và người dân biết không hay chỉ đưa ra cho 493 đại biểu. Đi giám sát mà báo chí không đăng, dân cũng không biết, kết quả  bí mật vậy thì dân biết giám sát của chúng ta kết quả tốt, xấu thế nào? Tại sao ta không có cách  làm nào khác đi?" (Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã)

  • Lê Nhung - Thủy Chung

  • Ảnh: Lê Anh Dũng