Nói thịt chó là nét văn hóa ẩm thực của người Việt thì chưa hẳn. Nhưng có một thực tế là khá nhiều người Việt thích ăn thịt chó. Nhiều nơi ở miền Bắc, cỗ mà không có thịt chó thì không phải cỗ to. Trải qua nhiều năm họ còn đúc rút được những bí quyết trong việc lựa chọn chó thịt và chế biến các món thịt chó rất tinh tế.
>> Toàn cảnh cuộc tranh cãi nảy lửa về ăn thịt chó
Xét theo vùng miền, thịt chó có thể được xem như nét văn hóa ẩm thực của một số tỉnh thành phía Bắc. Thịt chó đã có từ rất lâu, nhưng nó không gây ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội. Ai thích và ăn quen rồi thì cứ ăn, người không thích không phải vì thế mà bài bác.
Thịt
chó cũng chỉ là một ăn. Ảnh: Internet
Con chó dù được xem là gần gũi với con người, nhưng xét cho cùng nó cũng là vật nuôi như con gà, con lợn. Nuôi để thịt là bình thường. Đối với nhà nông thì con trâu, con bò không phải là vật nuôi gần gũi sao? Thậm chí con trâu còn được coi trọng là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Trong nghiệp làm nông của mình, người nông dân một nắng hai sương luôn gắn bó với con trâu, con bò. Xét về sự gần gũi đến công lao thì con trâu, bò còn hơn con chó. Nhưng giết thịt trâu, bò có ai nói gì đâu, tại sao cứ mặc cảm với việc thịt chó?
Giết thịt chó có dã man hơn các con vật khác không? Có người cho rằng khi thịt chó phải lừa nó trông rất tội, thấy con người thật nhẫn tâm, là một tội ác. Thử hỏi rằng có con vật nào “tự nguyện” cho ta giết thịt? Đều phải lừa bắt nó chứ đâu riêng gì con chó. Rồi cũng đều phải cắt hoặc chọc tiết, cạo lông, mổ ruột, moi gan. Thậm chí nhiều con vật khi giết thịt còn dã man hơn thịt chó. Nhiều nơi khi thịt dê, người ta để con dê còn sống, vừa xối nước nóng cạo lông, vừa dùng roi quất cho dê kêu tới khản tiếng rồi mới đưa vào cắt tiết. Họ cho rằng như thế thịt dê mới hết mùi hôi. Theo tôi, đã giết thịt con vật nào thì cũng có những hành động dã man cả. Theo quan điểm của một số tôn giáo thì giết động vật là đều mang tội sát sinh như nhau, chưa ai cho rằng thịt chó thì tội nặng hơn là thịt con gà. Nếu đã đạo đức và không thấy tội, dã man khi làm thịt các con vật thì có lẽ chỉ ăn chay. Còn đã ăn thịt thì vật nuôi nào cũng giống nhau, chỉ có khác là người thích ăn thịt con này kẻ thích ăn thịt con khác mà thôi.
Ăn thịt chó là không văn minh? Miếng thịt chó chả có tội tình gì với sự văn minh của một đất nước cả. Đất nước giàu có, thịnh vượng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cao, hiếu khách, hiền hòa…thì có ăn thịt chó nhiều hơn nữa cũng không ai bảo họ là không văn minh. Chẳng qua ta nghèo hèn, thì dễ mặc cảm. Phương Tây được cho là văn minh hơn, họ chê bai làm ta cảm thấy chạnh lòng. Nhưng có nhất thiết cái gì ta cũng theo họ thì mới là văn minh? Có quốc gia họ có “lễ hội dương vật” mà có bị cho là tục tĩu, lạc hậu gì đâu. Có lẽ kinh tế vững mạnh thì họ tự tin hơn trong việc giữ gìn những bản sắc riêng của mình? Nghèo khó thì dễ bị lung lạc, lệ thuộc và theo đuôi kẻ mạnh?
Mỗi dân tộc có những nét riêng khác nhau. Người phương Tây không thể áp đặt, cho rằng những gì không giống họ thì là man di, mọi rợ không văn minh được. Người phương Tây phần lớn họ nuôi chó cảnh, vì thế mới có việc dắt chó đi chơi, chó có bác sĩ chăm sóc, có khách sạn riêng cho chó, ăn ở sướng như con người…Chưa xét đến những vấn đề khác, chỉ tính việc họ nâng niu, chăm bẵm như thế cho nên họ không ăn thịt chó cũng là điều dễ hiểu. Còn chó ở ta là giống “chó vườn”, sinh sôi nảy nở hàng đàn, ăn đồ thừa, nằm góc vườn xó bếp, thả rông như gà, như vịt thì giết thịt cũng giống như bao vật nuôi khác.
Ăn thịt chó làm con người hung bạo hơn? Một nhận định hết sức chủ quan. Chả có nghiên cứu nào khẳng định thịt chó có thể làm thay đổi tính nết con người cả. Chưa có một minh chứng khoa học nào thì không thể nhận định bừa theo cảm tính được. Phương Tây không ăn thịt chó mà nhiều nước vẫn hiếu chiến, đem quân thôn tính hết nước này đến nước khác làm thuộc địa. Lịch sử vẫn còn ghi nhận chứng tích về sự tàn bạo ở những “địa ngục trần gian” như nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc.
Ăn thịt chó thì dễ trúng chó bả, chó dại, chó ghẻ? Không chỉ mỗi thịt chó mà bất cứ loại thực phẩm nào cũng có thể bị “bẩn”. Thịt lợn thì có chất kích thích tăng trưởng, chất siêu nạc, gà bị toi người ta vẫn làm thịt bán, rau củ quả thì đủ loại thuốc, chất bảo quản. Ngay đến gạo ăn hàng ngày đôi khi nấu vẫn thấy thoang thoảng mùi thuốc trừ sâu. Người tiêu dùng dù có thông minh đến mấy cũng rất khó tránh được thực phẩm bẩn. Có lẽ chỉ còn trông chờ vào lương tâm, đạo đức của người bán.
Ăn thịt chó là tiếp tay cho “cẩu tặc”? Lại một nhận định hết sức vô lý. Như thế để không có “lâm tặc” thì đừng sử dụng gỗ nữa, để không có “tin tặc” thì không dùng máy tính, để không có “đinh tặc” thì đừng đi xe nữa… Không có “cẩu tặc” thì có những loại tặc khác. Để không có nạn tặc hoành hành thì ta phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, chứ không phải vì nó mà ta bỏ những nhu cầu sử dụng.
Có những món ăn quả thực ta phải xem lại. Ví như món tiết canh chẳng hạn. Vừa ghê rợn: ăn máu sống của động vật, vừa là món ăn lây truyền nhiều loại bệnh nguy hiểm. Những món như thế phải từ bỏ cho dù là món khoái khẩu của một số người, không có lí do gì mà để gìn giữ. Còn món thịt chó vừa bổ dưỡng lại thơm ngon, với lá mơ, riềng sả, chấm một chút mắm tôm pha chanh ớt, nhâm nhi chén rượu nếp thơm nồng, trong khí trời lành lạnh, lất phất mưa bay thì còn gì bằng.
Nguyễn Văn Điển (Email: nguyenvdien@gmail.com)